Hướng tới một thế hệ công dân số - Bài 1: Nền tảng và thách thức

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/4/2022 | 5:41:20 AM

YênBái - Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây được coi là nền tảng để ngành thực hiện chuyển đổi số (CĐS), nâng cao chất lượng giáo dục mà thông qua đó tạo được thế hệ công dân số để thực hiện CĐS toàn diện .

Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

Đại hội XIII của Đảng và Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020 - 2025. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 15, xác định rõ nội dung, lộ trình nhiệm vụ CĐS. Trong đó, CĐS GD&ĐT là nhiệm vụ quan trọng và ý nghĩa. Bởi đó không chỉ là nâng cao chất lượng giáo dục mà thông qua đó tạo được thế hệ công dân số để thực hiện CĐS toàn diện. 

Thành phố Yên Bái là địa phương dẫn đầu trên địa bàn toàn tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong lĩnh vực giáo dục. 100% đơn vị trường học có máy tính được kết nối Internet và khai thác hiệu quả trong công tác quản lý và dạy học; trên 85% phòng học văn hóa tại các trường phổ thông được trang bị lắp đặt thiết bị dạy học thông minh. 

Các trường học đã triển khai hiệu quả các phần mềm quản lý trường học, hệ thống website, cổng thông tin điện tử và hệ thống thư điện tử. Mô hình trường học thông minh đã được triển khai làm tiền đề từng bước thực hiện CĐS trong GD&ĐT. 

Ông Hà Yên Thái - Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT thành phố cho biết: "Trong thời gian qua, các nhà trường đã tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học và kiểm tra đánh giá. Giáo viên tích cực thiết kế các bài giảng E-learning trong dạy học; ứng dụng các phần mềm quản lý thi trong xây dựng ngân hàng câu hỏi, biên soạn đề thi. Từ năm học 2020 - 2021, các trường sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xuất hiện, các nhà trường đã linh hoạt áp dụng các mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp vớitrực tuyến. Hầu hết các trường đã tổ chức các "lớp học không biên giới" với các trường trên địa bàn, các tỉnh bạn và các nước trên toàn thế giới, tạo hiệu quả giáo dục cao”.

Không thể phủ nhận, những thành tựu của việc ứng dụng CNTT đã giúp ngành giáo dục thành phố nói riêng, ngành GD&ĐT Yên Bái nói chung thay đổi diện mạo tích cực. Hệ thống giáo dục được củng cố, sắp xếp hợp lý; các chỉ số về chất lượng giáo dục vươn lên mức khá so với khu vực và mức trung bình so với cả nước. 

Đến nay, lực lượng lao động toàn ngành có 13.377 người, trong đó có gần 11 nghìn giáo viên các cấp học. Về cơ bản, đội ngũ giáo viên đã có nền tảng ứng dụng CNTT tương đối khá, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong giai đoạn hiện nay.

Được biết, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý trường học; 60% các trường mầm non, phổ thông sử dụng chức năng số điểm điện tử và học bạ điện tử, qua đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) về quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh với thông tin đầy đủ, chính xác được cập nhật thường xuyên. 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đã triển khai sử dụng phần mềm "CSDL ngành” - phần mềm do Bộ GD&ĐT triển khai trên phạm vi cả nước. 

Bên cạnh đó, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp (Voffice) đã triển khai sử dụng có hiệu quả tại cơ quan Sở GD&ĐT và 50 đơn vị trực thuộc; 100% văn bản đi - đến đã được xử lý qua môi trường mạng; chữ ký số được 100% lãnh đạo Sở sử dụng đảm bảo thuận tiện và thực hiện tốt mục tiêu số hóa, điện tử hóa trong điều hành tác nghiệp...

Toàn ngành đã tích cực khai thác sử dụng hiệu quả các hệ thống họp trực tuyến. Riêng trong năm 2021, có 90% các cuộc họp được thực hiện trực tuyến giữa Bộ với Sở; 55% các cuộc họp được thực hiện trực tuyến giữa Sở với các cơ sở giáo dục; 621 cuộc họp trực tuyến được các phòng GD&ĐT triển khai họp đối với các đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, các khóa tập huấn, bồi dưỡng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện chủ yếu qua hệ thống LMS. 


Giờ học trực tuyến của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái. 

Bên cạnh phần mềm phổ cập giáo dục được triển khai từ năm 2015 ở tất cả địa phương đáp ứng yêu cầu quản lý về công tác phổ cập giáo dục, ngành GD&ĐT tỉnh đã đưa vào sử dụng một số phần mềm chuyên biệt phục vụ các lĩnh vực quản lý giáo dục như: phần mềm "Quản lý cơ sở vật chất - sách - thiết bị”, phần mềm quản lý thư viện... hiện nay, toàn tỉnh có 200 trường học có triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử; 90 trường học triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với gần 250 nghìn câu hỏi. 

Trong năm 2021 có trên 147.000 bài giảng điện tử được giáo viên tạo ra và áp dụng vào giảng dạy; có 87 trường học triển khai xây dựng kho bài giảng E-learning với 3.264 bài giảng. Hiện nay, có 12 trường học triển khai thư viện số; 38 trường học triển khai sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo; 71 trường học có triển khai sử dụng hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến; 37 trường học triển khai sử dụng phần mềm xếp thời khóa biểu. 

Đặc biệt, trong thời gian nghỉ học ở trường vì dịch bệnh Covid-19, có 33,9% học sinh THCS, 97,08% học sinh THPT tham gia học trực tuyến; rất nhiều trường học từ vùng thấp tới vùng cao đã tổ chức được các lớp học không biên giới, tạo được hiệu quả giáo dục cao, thay đổi tư duy dạy và học truyền thống...

Ngành GD&ĐT Yên Bái xác định CĐS trong giáo dục không đơn thuần là áp dụng CNTT. Đặc thù của tỉnh Yên Bái cũng cho thấy những khó khăn mà ngành đang phải đối mặt đó là: hạ tầng, thiết bị công nghệ dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, còn lạc hậu và chưa đồng bộ; hệ thống phần mềm sử dụng ở các đơn vị còn riêng lẻ, thiếu sự tương thích và kết nối đồng bộ, nhất là các vùng khó, vùng lõm; dịch vụ viễn thông ở các địa phương vùng khó chưa ổn định, khó tiếp cận nhất là với học sinh... 

Tại huyện Mù Cang Chải, hạ tầng Internet, CNTT hiện còn rất yếu. Internet chưa phủ sóng đến hết các thôn bản; toàn huyện vẫn còn 19/98 bản chưa có điện và còn 7 bản chưa có sóng điện thoại. Đối với các bản được phủ sóng, hầu như các hộ gia đình người Mông không lắp đặt đường truyền Internet, không có máy tính. 

Bà Nguyễn Hương Giang - Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Hạ tầng CNTT trong các cơ sở giáo dục còn thiếu và xuống cấp, có máy tính nhưng cấu hình thấp, lâu nay ít được đầu tư; phòng học tiên tiến toàn huyện mới có 3 trường được đầu tư với 33 phòng/642 lớp. Đặc biệt, toàn huyện mới có 16/37 trường đã được cấp thiết bị phòng học tin học - ngoại ngữ, còn nhiều trường chưa được cấp thiết bị phòng học tin học...”. 

Tại Hội thảo CĐS của ngành GD&ĐT, bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã nêu ra những vấn đề khó khăn về nguồn lực con người trong quá trình thực hiện CĐS: "Trong từng bối cảnh, từng giai đoạn và ở các địa phương là khác nhau, đòi hỏi cán bộ quản lý cần phải đề ra chiến lược, giải pháp và lộ trình chuyển đổi riêng, phù hợp với điều kiện hiện có. Khi thực hiện CĐS có thể làm xuất hiện bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền và học sinh có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; học sinh khuyết tật, học sinh không được tiếp cận hạ tầng viễn thông tốt...”.

Với một tỉnh còn khó khăn như Yên Bái, thực hiện CĐS trong giáo dục vẫn là một bài toán khó, song với nền tảng là việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, dạy và học đã đạt được hiệu quả trong thời gian qua, với tâm thế chủ động, quyết tâm cao, ngành GD&ĐT tỉnh đang nỗ lực từng bước vững chắc thực hiện hiệu quả lộ trình CĐS trong toàn ngành.

Thanh Ba
Bài 2: Quyết tâm cao và cách làm "thông minh”

Tags công dân số công nghệ thông tin chuyển đổi số

Các tin khác
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Yên Bái đưa vào vận hành đã có 11 phân hệ dịch vụ đã được bổ sung, cập nhật số liệu theo từng lĩnh vực.

Ngành giáo dục và đào tạo thành phố là đơn vị đi đầu trong số hóa như: khuyến khích giáo viên thiết kế các bài giảng E-learning, ứng dụng các phần mềm quản lý thi trong xây dựng ngân hàng câu hỏi, biên soạn đề thi; khuyến khích các trường sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và sử dụng các mô hình dạy học kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến.

Các bên đi thực địa nghiệm thu hạng mục xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.

Ngày 5/4, Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng nghiệm thu kỹ thuật hạng mục xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Yên Bái.

Làm thủ tục cấp căn cước công dân.

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án 06, bảo đảm dữ liệu dân cư chính xác và luôn được cập nhật thường xuyên, "đúng, đủ, sạch, sống."

Cục Thuế tỉnh thành lập Trung tâm Điều hành triển khai hóa đơn điện tử.

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo nghị định này, kể từ ngày 1/7/2022, tổ chức, cá nhân phải áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), hóa đơn giấy đang áp dụng hiện nay sẽ tiếp tục thực hiện đến 30/6/2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục