Bưu điện tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp dịch vụ bưu chính công ích và kinh doanh với 3 lĩnh vực trụ cột: bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông.
Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Chương trình hành động số 15/CTr-UBND của UBND tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; đề án chiến lược CĐS của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh đang tích cực chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số.
Với mạng lưới điểm phục vụ và mạng vận chuyển đến cấp xã; đặc biệt, trong giai đoạn bùng nổ mua hàng online và thanh toán điện tử như hiện nay, Bưu điện tỉnh nỗ lực đổi mới tổ chức sản xuất, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành nội bộ, sử dụng triệt để các phần mềm, thiết bị công nghệ thông minh trong cung cấp dịch vụ và tham gia vào CĐS trong lĩnh vực bưu chính.
Theo đó, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã nỗ lực và hoàn thành đề án thu thập dữ liệu địa chỉ số với gần 218.000 địa chỉ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn và từng nhà dân trên toàn tỉnh được chụp ảnh, định vị tọa độ, thu thập thông tin chi tiết trên bản đồ mã địa chỉ bưu chính Vpostcode gắn với bản đồ số quốc gia Vmap để đáp ứng việc khai thác dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân; tạo tài khoản định danh xác thực PostID để truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia trên 10.000 tài khoản; thí điểm ứng dụng hệ sinh thái hành chính công tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn với App chính quyền số và công dân số cho phép kết nối giao tiếp giữa người dân và chính quyền; kết nối với ứng dụng định danh xác thực PostID và bản đồ số Vpostcode cùng nhiều ứng dụng khác.
Cùng đó, Bưu điện tỉnh mở dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích tại các điểm phục vụ và bước đầu hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công qua môi trường mạng. Duy trì các điểm viễn thông công ích tại 63 điểm bưu điện văn hóa xã, giúp người dân các vùng sâu, vùng xa tiếp cận với Internet và mạng xã hội.
Trong quý 4/2021, đã thực hiện hỗ trợ tạo tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn cho 43.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn đăng ký tài khoản, tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn với 174 sản phẩm; trong đó, có 46 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản địa phương như: các sản phẩm của Công ty Đông dược Thế Gia, trà táo mèo, gạo nếp Tú Lệ, trà Suối Giàng, miến đao Giới Phiên, tinh dầu quế, măng mai Lục Yên...
Thực hiện thu gom hàng từ hộ sản xuất, chuyển phát đến người nhận và thu hộ tiền bán hàng cho hộ sản xuất. Kết nối hệ thống vận chuyển, logistics cho một số doanh nghiệp, hỗ kinh doanh trong tỉnh. Hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm OCOP trên sàn và hệ thống cửa hàng Postmart của Bưu điện tỉnh như: trà táo mèo, bưởi Đại Minh, măng mai Lục Yên, bún khô Văn Yên…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: để có bước CĐS mạnh mẽ trong năm 2022, Bưu điện tỉnh sẽ tham gia sâu vào lĩnh vực CĐS, góp phần tham gia phát triển kinh tế số, xã hội số tại tỉnh. Tích cực tham gia sâu vào lĩnh vực tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; trong đó, chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân khu vực nông thôn, miền núi khi người dân còn hạn chế việc ứng dụng công nghệ thiếu thiết bị, đường truyền hoặc chưa tự thanh toán được trên môi trường mạng tthực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, giúp người dân tiếp cận công nghệ trong giải quyết TTHC, góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC mức độ 3,4 tại tỉnh theo cách phù hợp với địa bàn miền núi.
Cung cấp dịch vụ số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi được sự cho phép của UBND tỉnh. Phối hợp với các cấp, ngành và chính quyền các cấp rà soát các hộ sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hộ sản xuất.
Mở rộng dịch vụ logistics để đáp ứng yêu cầu kho bãi, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn. Mục tiêu năm 2022, có 100% sản phẩm OCOP đáp ứng được yêu cầu vận chuyển qua đường bưu chính sẽ được đưa lên sàn; các sản phẩm đặc sản chủ lực của các địa phương đủ điều kiện được đưa lên sàn; tối thiểu có 30.000 hộ sản xuất có sản phẩm đủ điều kiện được tạo gian hàng số và hướng dẫn kinh doanh trên sàn; đẩy mạnh các giải pháp công nghệ trong thanh toán; ứng dụng giải pháp thanh toán qua ví postpay trong cung cấp các dịch vụ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tập trung hỗ trợ bà con vùng nông thôn miền núi ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thanh toán.
Đức Toàn