Yên Bình "đuổi kịp, tiến cùng" trong chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/4/2022 | 8:19:39 AM

YênBái - Ông Lê Hồng Xây - Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7 bộc bạch: "Chỉ ở nhà tôi cũng có thể thông tin lịch họp, nội dung cuộc họp cũng như triển khai đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới đảng viên”. Đó là nhờ phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử” đang triển khai trong rất nhiều phần việc chuyển đổi số huyện Yên Bình đang làm để hiện thực hóa Nghị quyết 51 của Tỉnh ủy.

Lãnh đạo huyện Yên Bình khai trương, giới thiệu 5 phần mềm ứng dụng CĐS.
Lãnh đạo huyện Yên Bình khai trương, giới thiệu 5 phần mềm ứng dụng CĐS.

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ không thể không làm, nhất là trong bối cảnh đối diện với "thách thức kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, huyện Yên Bình đã xây dựng lộ trình CĐS một cách chặt chẽ, bài bản, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương...

Chỉ đạo quyết liệt, cách làm bài bản

Thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy Yên Bái về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Yên Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác CĐS do đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng ban. Đồng thời, xây dựng và ban hành đồng bộ hệ thống văn bản cụ thể hóa Nghị quyết của tỉnh với nỗ lực cao nhất, hành động quyết liệt nhất, tổ chức nhiều cuộc họp triển khai và phân công nhiệm vụ đến các thành viên để tổ chức triển khai thực hiện. 

Với cách làm bài bản, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, làm từ dễ tới khó, làm đâu chắc đó, làm ngay và dứt điểm, việc khó làm thí điểm, vừa làm vừa điều chỉnh, vừa rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, không cầu toàn, chờ đợi, ưu tiên lựa chọn những việc có ảnh hưởng, tác động ngay và trực tiếp tới cấp ủy - chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tận dụng tối đa hạ tầng và các điều kiện sẵn có; lấy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác tự học, tự nghiên cứu, ứng dụng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu là điều kiện, là yếu tố tiên quyết, quan trọng để lan tỏa, nhân rộng, thay đổi nhận thức, thói quen trong các tầng lớp nhân dân. 

Yên Bình đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp với phương châm hành động "Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả”. Tổ chức nhiều buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị cung ứng dịch vụ như VNPT Yên Bái, Viettel, các chuyên gia của Tập đoàn Microsoft Việt Nam để nghe tham vấn và thống nhất các nội dung phối hợp thực hiện công tác CĐS tại huyện, tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột là cấp ủy - chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn được xác định đi trước một bước và tăng cường đẩy mạnh dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng; huyện đã thành lập các tổ hỗ trợ công nghệ thông tin, lập các trang Fanpage, các nhóm Zalo và phát huy hiệu quả hệ thống Đài Truyền thanh huyện và cấp xã để truyền thông về công tác CĐS. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. 

Chuyển biến bước đầu - "đuổi kịp, tiến cùng”

Thực hiện CĐS đồng bộ với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, đối với từng lĩnh vực, từng nội dung thực hiện CĐS, huyện Yên Bình đều có kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và lãnh đạo phụ trách gắn với mốc thời gian hoàn thành. 

Hiện nay, cùng với việc tăng cường khai thác, sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng và các ứng dụng phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực, các cơ quan đơn vị, địa phương trong huyện đã đăng ký, triển khai thực hiện được 73 công trình, phần việc CĐS. Ngay trong tháng 3/2022, một số ứng dụng mới đã được huyện tập trung triển khai thực hiện, đó là: ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử”; phần mềm official Account Bộ phận Phục vụ hành chính công trên nền tảng Zalo; ứng dụng "Phòng họp không giấy”, "Giao nhắc việc thông minh”; ứng dụng Office 365; hệ thống Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Yên Bình. 

Mặc dù không phải là địa phương làm điểm của tỉnh, song Yên Bình cũng đã mạnh dạn đi đầu trong việc triển khai phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử” ở 9 chi bộ và đảng bộ của huyện bước đầu khá thành công. Ông Lê Hồng Xây - Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7, thị trấn Yên Bình bộc bạch: "Phần mềm này rất hữu ích, chỉ ở nhà tôi cũng có thể thông tin lịch họp, nội dung cuộc họp cũng như triển khai đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới đảng viên một cách thuận tiện”. 

Đồng chí Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh nhận định: "Yên Bình là một trong những địa phương triển khai thực hiện CĐS một cách bài bản, đúng hướng, với cách làm này Yên Bình sẽ thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ CĐS theo kế hoạch trên cả 3 trụ cột”. 

Trong phát triển kinh tế, huyện tập trung đẩy mạnh CĐS trong các lĩnh vực có lợi thế như nông nghiệp, dịch vụ, du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động của các trang Fanpage như "Du lịch Yên Bình”, "Thác Bà điểm đến thân thiện hấp dẫn”, "Nông sản Yên Bình”... để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm và hỗ trợ người dân, khách du lịch tìm kiếm thông tin cần thiết; triển khai ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin để đánh giá, xếp loại các sản phẩm OCOP; khảo sát, lấy ý kiến người dân công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao. 

Lồng ghép các nội dung về CĐS trong việc triển khai chương trình dự án về nông nghiệp, phát triển nông thôn tại địa phương. Là một trong hai lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên CĐS trong trụ cột xã hội số của huyện, ngành giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) huyện Yên Bình đã đưa vào sử dụng có hiệu quả nhiều phần mềm phục vụ cho công tác dạy và học. Hiện tại, 100% trường học của huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, có phần mềm quản lý dữ liệu học sinh, sổ điểm và học bạ điện tử. 

Đặc biệt, để thích ứng an toàn linh hoạt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đầu tháng 3/2022, Yên Bình là địa phương đầu tiên trong tỉnh mời các chuyên gia của Microsoft Việt Nam lên trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, giới thiệu các giải pháp của mô hình giáo dục tương lai. Đồng thời, hỗ trợ tư vấn để thúc đẩy tiến trình CĐS ngành GD&ĐT huyện bắt nhịp yêu cầu mới. 

Thầy giáo Nguyễn Văn Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học &THCS xã Hán Đà chia sẻ: "Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cán bộ, giáo viên Nhà trường hiểu hơn và chủ động hơn trong việc áp dụng kỹ năng công nghệ số, nâng cao chất lượng dạy và học nhất là trong tình hình hiện nay”. 

Tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành y tế huyện Yên Bình đã đưa vào sử dụng phần mềm chuyên ngành đến các trạm y tế. Đồng thời, triển khai khám, chữa bệnh trực tuyến với các bệnh viện trung ương, tạo thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật cao từ sự phối hợp, hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Sản - Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. 

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc ứng dụng hàng loạt các phần mềm tiện ích, huyện Yên Bình đã triển khai và thực hiện rộng rãi phần mềm chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắcxin phòng Covid-19. 

Sự quyết tâm cao vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của người đứng đầu, không ai đứng ngoài cuộc, sau một thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Yên Bình đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo nền móng để tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong quá trình phát triển, đưa địa phương tiến lên hòa nhịp cùng sự phát triển của quê hương, đất nước. 

Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình:

Trên tinh thần thống nhất cao quan điểm chỉ có chuyển đổi số (CĐS) mới có cơ hội "đi sau”, nhưng có thể "đuổi kịp, tiến cùng”, thực hiện CĐS  phải hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng trong giải quyết công việc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ số và giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục hành chính, huyện Yên Bình tiếp tục lựa chọn mục tiêu chuyển đổi số trên 3 trụ cột: cấp ủy - chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với lộ trình và giải pháp cụ thể. Trước mắt, hoàn thành các nhiệm vụ CĐS theo kế hoạch năm 2022, trong đó có ứng dụng công dân số "Yên Bình ID”. Kết quả thực hiện CĐS sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị  hằng năm. Yên Bình phấn đấu trước năm 2025, khi huyện đạt chuẩn NTM sẽ đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong thực hiện CĐS theo kế hoạch.

Kiều Mười 

Tags Nghị quyết số 51 Tỉnh ủy chuyển đổi số Yên Bình chính quyền số kinh tế số xã hội số

Các tin khác
Cán bộ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking tại điểm giao dịch xã.

Từ ngày 1/3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai chính thức ứng dụng VBSP Smart Banking đến các khách hàng; trong đó, ưu tiên các đối tượng khách hàng cá nhân đang mở tài khoản thanh toán tại NHCSXH.

Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về CĐS. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai hiệu quả các ứng dụng: quản lý văn bản và điều hành điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT, quản lý thông tin KCB... góp phần nâng cao chất lượng KCB, tạo sự đổi mới cho hệ thống y tế, thúc đẩy CĐS hướng tới phát triển y tế thông minh.

Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái và đồng chí Lê Trí Hà - Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh ký kết phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024.

Tỉnh đoàn và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái vừa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) năm 2024. Hoạt động nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của và nguồn lực sẵn có của hai đơn vị, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS tỉnh Yên Bái đến năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục