Văn Chấn - bước chuyển chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/6/2022 | 7:09:57 AM

YênBái - Sau thành công bước đầu chuyển đổi số (CĐS) ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn bắt tay ngay xây dựng Đề án và Kế hoạch CĐS giai đoạn 2022 - 2025 tại địa phương với 54 nhiệm vụ đề ra ở 3 trụ cột chính cùng 6 mô hình ở các lĩnh vực cần ưu tiên.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh kiểm tra mô hình chuyển đổi số tại xã Tú Lệ.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh kiểm tra mô hình chuyển đổi số tại xã Tú Lệ.

Trong 54 nhiệm vụ có 14 nhiệm vụ phát triển xã hội số; 6 nhiệm vụ phát triển kinh tế số; 29 nhiệm vụ xây dựng chính quyền số và 5 nhiệm vụ xây dựng hạ tầng đô thị thông minh. 

Kế hoạch cũng đưa ra 6 mô hình ở các lĩnh vực cần ưu tiên CĐS gồm: giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch, thương mại điện tử và CĐS cấp xã, thị trấn.

Với việc triển khai Chương trình CĐS, huyện Văn Chấn đặt mục tiêu cuối năm 2025 đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin "một cửa điện tử” cấp huyện; cấp xã, thị trấn được xác thực điện tử.

Năm 2022 sẽ có trên 68% hồ sơ công việc tại cấp huyện, trên 42% hồ sơ công việc tại cấp xã, thị trấn được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 45% trở lên; các xã, thị trấn tham gia CĐS là 50%. 

Để đạt mục tiêu trên, huyện rà soát đánh giá toàn diện Bộ phận Hành chính công, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu CĐS. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của huyện, các xã, thị trấn tích hợp dữ liệu, số liệu vào các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển; cho phép kết nối thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền một cách công khai và minh bạch; triển khai các bước để cấp chữ ký số cho các cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện đã cấp được gần 200 chữ ký số cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện. 

Hiện tại, huyện đã thành lập 34 câu lạc bộ CĐS tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn và hơn 200 tổ CĐS cộng đồng; giao nhiệm vụ cụ thể cho thành viên ban chỉ đạo, các đơn vị thành viên phụ trách lĩnh vực ưu tiên CĐS chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị căn cứ mục tiêu của huyện xây dựng kế hoạch CĐS phù hợp. 

Cùng với thúc đẩy chính quyền số, huyện Văn Chấn đã và đang nỗ lực phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số, đặt ra mục tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm 5% GRDP; năng suất lao động tăng 6,2%/năm; 100% sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart). 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đơn vị chuyên môn huyện đã đánh giá lại tiềm năng, thế mạnh, xây dựng các sản phẩm nông sản chủ lực thế mạnh, qua đó đã chọn được 19 sản phẩm đặc sản như: nếp Tan, chè Shan, quế, ba ba gai… để đưa lên các sàn giao dịch điện tử trong năm 2022. 

Song song với đó, huyện cũng tăng cường các chuỗi liên kết giá trị, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. 

Đối với lĩnh vực giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã triển khai mô hình giáo dục tích hợp, hướng tới mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai phần mềm quản lý tài chính, tài sản, phần mềm quản lý các hoạt động của nhà trường; tổ chức cấp tài khoản, tập huấn cho giáo viên, học sinh toàn huyện về nền tảng dạy học trực tuyến. Huyện phấn đấu, 100% trường học trên địa bàn ứng dụng nền tảng CĐS trong quản lý, dạy học và triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu, nộp học phí và thí điểm CĐS toàn diện 2 đơn vị trường học. 

Ngành y tế huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng để lập hồ sơ theo sức khỏe điện tử cho người dân; triển khai phần mềm quản lý thông tin y tế đến các trạm y tế xã, thị trấn. 

Năm 2022, phấn đấu 70% người dân có sổ sức khỏe điện tử; đối với các xã, thị trấn thí điểm CĐS là 90%; 100% các cơ sở y tế triển khai hồ sơ bệnh án khám bệnh điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt; 20% dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa. 

Trong lĩnh vực du lịch, trước mắt, huyện ưu tiên chọn các xã: Tú Lệ, Suối Giàng và thị trấn Sơn Thịnh thí điểm các mô hình CĐS trong lĩnh vực du lịch. Cùng với việc thống kê các hoạt động, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để tích hợp dữ liệu vào các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển, cho phép du khách và nhân dân kết nối những thông tin, trích xuất dữ liệu tới các điểm du lịch. Mỗi xã, thị trấn sẽ chọn từ 3 cơ sở kinh doanh du lịch trở lên làm điểm về mô hình CĐS để nhân rộng trên địa bàn.

Phấn đấu, 100% các điểm du lịch cung cấp dịch vụ Internet không dây (kết nối Wifi tốc độ cao) miễn phí phục vụ du khách; 100% các điểm du lịch chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt… Đối với việc CĐS tại các xã, thị trấn, năm 2022, huyện chọn 5 xã: Suối Giàng, Đại Lịch, Đồng Khê, Nậm Búng, Tú Lệ và 3 thị trấn: Sơn Thịnh, Trần Phú, Liên Sơn CĐS ở mức độ cao. 

Bà Hoàng Thị Thanh Tâm - Trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn chia sẻ: "Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là động lực để CĐS theo hướng toàn dân và toàn diện, huyện Văn Chấn đang nỗ lực đưa hoạt động của chính quyền, người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số. Trước mắt, huyện triển khai thí điểm CĐS, đánh giá từng bước rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình CĐS, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và phù hợp với nguồn lực, bản sắc văn hóa, vị trí địa lý và con người Văn Chấn”.

Ngọc Sơn

Tags Văn Chấn chuyển đổi số

Các tin khác

Đại diện copen.vn cho biết, có nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi chuyển đổi cơ sở hạ tầng số, giúp tiết kiệm chi phí, cải tiến quy trình cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh nhờ môi trường công nghệ linh hoạt.

Việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng là rất cần thiết.

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch liên ngành số 883 về triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn.

Ảnh minh hoạ.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, không riêng người lớn mà cả trẻ em đã, đang trở thành những “công dân số” tích cực. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng 70% dân số đang sử dụng mạng xã hội thì tỷ lệ này ở trẻ em chiếm tới 30%.

Các đại biểu tham quan mô hình điểm chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 1/6/2022 về triển khai thực hiện chuyển đổi số xã, phường, thị trấn trên địa bàn năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục