Cùng với đó, Điện lực Nghĩa Lộ đã triển khai các bước tuyên truyền, gửi tin nhắn, phát tờ rơi hướng dẫn khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, kết hợp với công tác tuyên truyền, quảng bá trên các ứng dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube…
Tính đến 31/5/2022, đã có 35.118 khách hàng sử dụng thanh toán online qua ứng dụng này, giúp đem lại nhiều tiện lợi cho khách hàng.
Chị Lò Thị Thu Hiền - tổ dân phố 3, phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trước đây, cứ tầm 20 - 24 hàng tháng là gia đình phải ra bưu điện đóng tiền điện, có những lúc đi làm xa, công việc bận cứ phải tranh thủ đi nộp hoặc nhờ hàng xóm nộp hộ rất bất tiện. Từ khi Điện lực triển khai ứng dụng thanh toán qua Agribank E-Mobile Banking thì rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức cho mình rất nhiều”.
Công ty Cấp thoát nước Nghĩa Lộ hiện có trên 11.300 khách hàng sử dụng nước; trong đó, có trên 1.430 khách hàng có thẻ điện tử có thể thanh toán tiền nước hàng tháng qua hệ thống ngân hàng, còn lại chủ yếu là những khách hàng ở khu vực nông thôn. Doanh số nước trung bình bán ra đạt 130.000 m3/tháng, doanh thu mỗi tháng đạt từ 900 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng.
Với khối lượng công việc như vậy, Công ty đã không ngừng đổi mới phương thức thanh toán tiền nước đối với khách hàng như triển khai dịch vụ thanh toán điện tử qua hệ thống các ngân hàng, qua đó không những giảm về công sức, nhân lực, thủ tục mà còn tiết kiệm thời gian cho khách hàng và Công ty.
Anh Nguyễn Thanh Tùng - kế toán Công ty Cấp thoát nước Nghĩa Lộ cho biết: "Với trên 11.300 khách hàng hiện có, bên cạnh những thuận lợi như khách hàng đã từng bước áp dụng công nghệ số trong quá trình thanh toán tiền nước hàng tháng thì Công ty cũng cắt giảm được một số thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý điều hành, giám sát của đơn vị. Tuy nhiên, số khách hàng đang sử dụng nước của Công ty ở khu vực nông thôn hiện chiếm tỷ lệ lớn, vẫn sử dụng tiền mặt để thanh toán tiền nước hàng tháng. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng phương thức thanh toán điện tử, nâng cao nhận thức về những lợi ích trong chuyển đổi số (CĐS)”.
Bà Lã Thị Hương - Giám đốc Bưu điện thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Bưu điện thị xã đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là đối với công dân đã nghỉ hưu trên địa bàn để thực hiện việc trả lương hưu qua thẻ. Theo thống kê, hiện thị xã có 9.600 công dân hưu trí được trả lương qua thẻ; trong đó, có 690 công dân hưu trí nhận tiền lương qua hệ thống thẻ ngân hàng và 2.700 công dân hưu trí được Bưu điện cung cấp thẻ riêng của Bưu cục”.
Hình thức trả lương hưu không dùng tiền mặt là một trong những bước phát triển mạnh về CĐS của Bưu điện thị xã, không những giảm bớt những thủ tục hành chính và nhân lực trong mỗi kỳ trả lương mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi nhận lương không tốn về thời gian và công sức.
Để CĐS từng bước đi vào cuộc sống, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng.
Giai đoạn 2022 - 2025, thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu 100% hóa đơn, biên lai thu phí, lệ phí được thanh toán điện tử; trên 50% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50% trở lên; 100% giao dịch nộp thuế, cơ sở giáo dục, bệnh viện nhận thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt.
Cùng đó sẽ có 80% người dùng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thị xã được chi trả thông qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và có 50% bệnh nhân chi trả viện phí, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, tiểu thương buôn bán tại trung tâm chợ sử dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Chuyên đề phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thị xã năm 2022 chính là bước đầu thực hiện CĐS trong cả giai đoạn.
Thị xã Nghĩa Lộ tập trung các giải pháp chủ yếu như: tăng cường sự lãnh đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các xã, phường về việc phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết và hiểu rõ những tiện ích về CĐS; phát triển các nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt; tạo thói quen thanh toán điện tử; bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Thu Hạnh