Hiện nay, với sự phát triển của số hóa và công nghệ thông tin, các hoạt động hành chính, dịch vụ, thương mại cũng dần chuyển đổi để thích hợp bước tiến của khoa học và xã hội.
Đặc biệt là số hóa và công nghệ thông tin có thể giúp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết với người tiêu dùng nhanh nhất, bỏ qua các chướng ngại về không gian, tiết kiệm thời gian cho sản xuất và tiêu thụ hiệu quả.
Giảm nhiều chi phí
Theo nhận xét của đại diện một số hợp tác xã nông nghiệp, chuyển đổi số, liên kết nền tảng số là xu thế tất yếu, phù hợp trong bối cảnh cả nước đang hướng tới nền kinh tế nông nghiệp hiện đại; trong đó, hợp tác xã và người sản xuất là trọng tâm không thể đứng ngoài cuộc.
Thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy hiện cả nước có hơn 25.000 hợp tác xã; trong đó, có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã sau thu hoạch trong thời gian nhanh nhất, tránh thất thoát và thiệt hại kinh tế do tiêu thụ chậm trễ là điều cần thiết của các nhà quản lý, lãnh đạo hợp tác xã.
Hơn nữa, để người tiêu dùng nắm bắt thông tin và chất lượng sản phẩm nhanh nhất, các nhà sản xuất, hợp tác xã không thể sử dụng phương tiện quảng bá, chào mời truyền thống như trước mà phương diện quảng bá phải rộng rãi nhất, nhanh nhất đến người tiêu dùng mới đạt hiệu quả cao.
Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc Hợp tác xã nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ chia sẻ hợp tác xã phát triển trồng nhãn với quy mô lớn tại Cần Thơ, sản lượng trung bình từ 350-400 tấn/năm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng khâu tiêu thụ lại chưa ổn định. Chính vì vậy, hợp tác xã Nhơn Nghĩa không thể sử dụng phương thức bán hàng truyền thống mà bắt buộc phải tìm đến nền tảng số, thương mại điện tử mới có thể tiêu thụ nhanh chóng hàng hóa khi vào vụ thu hoạch rộ. Khi bán hàng trên nền tảng số và thương mại điện tử, sản phẩm của Hợp tác xã Nhơn Nghĩa sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều khách hàng và đầu ra mạnh hơn.
Không riêng Hợp tác xã Nhơn Nghĩa, nhiều hợp tác xã khác cũng bắt đầu tìm đến nền tảng số và thương mại điện tử liên kết để tiêu thụ hàng hóa. Ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc Hợp tác xã Long Tuyền, thành phố Cần Thơ thông tin đơn vị đã thực hiện ký kết với nhiều đơn vị cung cấp nền tảng số để cung ứng sản phẩm rau, củ, trái cây các loại ra thị trường. Đây là kênh bán hàng hữu ích, nhanh chóng để người tiêu dùng nhận được hàng hóa của hợp tác xã với thời gian nhanh nhất, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thưởng thức được độ tươi ngon, chất lượng nhất mà họ mong muốn.
Đặc biệt, khi liên kết với nền tảng số, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng đã có hệ thống logistic đủ lớn để giao hàng, hợp tác xã đỡ được chi phí vận chuyển rất lớn. Nhiều đơn hàng nhỏ nhưng gom chung lại thành số lượng lớn, giá trị đôi khi sẽ tăng cao hơn, giá thành sẽ giảm đi, cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều hưởng lợi.
Tạo thói quen mua sắm mới
Tiêu thụ nông sản thông qua nền tảng số và thương mại điện tử vốn không còn xa lạ với người tiêu dùng. Hình thức này đang dần trở thành một thói quen của người tiêu dùng hiện nay. Đây là điều kiện thuận lợi để gắn kết chặt chẽ người tiêu dùng với người sản xuất, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian và nhiều chi phí khác.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, thương mại điện tử và nền tảng số đã giúp cho nhiều địa phương tiêu thụ hàng hóa nhanh chóng, vừa tránh được điểm rơi của mùa vụ (thời điểm thu hoạch rộ, khó tiêu thụ với giá cao), vừa giúp người tiêu dùng ở nơi xa cũng có thể tiếp cận được sản phẩm ưa thích. Vì vậy, hiện nay các cơ sở sản xuất, hợp tác xã tại nhiều địa phương trên cả nước đã không còn xa lạ với hình thức thương mại điện tử và nền tảng số.
Khi nền tảng số hình thành, thói quen mua sắm của nhiều người dân cũng dần thay đổi. Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Tiểu học tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ từ khi biết được nền tảng số và thương mại điện tử, chị có thể "đi chợ” qua các kênh này, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian để chăm sóc gia đình, cân bằng giữa công việc hiệu quả hơn.
Hơn nữa, với các nền tảng số, khách hàng còn nhận được nhiều chương trình khuyến mãi và chiết khấu mà khi mua trực tiếp không được nhận, chất lượng sản phẩm cũng đảm bảo tươi ngon như mua trực tiếp. Không chỉ riêng chị Thủy mà những giáo viên đồng nghiệp khác cũng mua sắm với phương thức này ngày càng nhiều hơn.
Nói về sự tiện dụng và thuận lợi của nền tảng số đối với người tiêu dùng lẫn người sản xuất, bà Lê thị Thanh Hồng, Giám đốc phát triển chiến lược Grabmart (Grab Việt Nam) chia sẻ nền tảng số là không gian để người sản xuất kết nối với người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Vì vậy, người sản xuất cần thêm nhiều kiến thức và thông tin hơn nữa về cách sử dụng nền tảng số để có thể tiêu thụ hàng hóa hiệu quả nhất và người tiêu dùng nhận được sản phẩm ngon nhất của người sản xuất. Điều này cũng là cách giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trong "cuộc chiến" của khoa học và thời gian.
Ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh việc chuyển đổi số, nhất là thông qua các nền tảng số để nông dân tiếp cận thị trường là phương pháp hiệu quả để nông dân làm chủ không gian thị trường cũng như làm chủ được công nghệ. Đồng thời, người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc tiêu dùng các sản phẩm nông sản.
(Theo Vietnam+)