Mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, Khu du lịch Không gian trà Suối Giàng ngay lập tức bắt tay vào đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi hoạt động, dịch vụ chào đón du khách. Trong suốt thời gian tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh, Khu du lịch Không gian trà Suối Giàng vẫn thường xuyên cập nhật hình ảnh đẹp về con người, thiên nhiên, đặc sản vùng miền, đặc trưng văn hóa dân tộc… trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các ứng dụng hỗ trợ đặt tour du lịch…
Vận dụng tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với những nỗ lực hoàn thiện các dịch vụ du lịch theo hướng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, Khu du lịch ngày càng được nhiều du khách cả trong và ngoài nước tin tưởng chọn làm điểm đến.
Chị Trần Thị Kim Thoa ở Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Sau khi tham khảo nhiều trang web về du lịch cũng như được bạn bè giới thiệu, tôi quyết định lựa chọn đưa cả nhà đến Khu du lịch Không gian trà Suối Giàng. Mọi thông tin, địa chỉ, cách liên hệ, giao dịch, thanh toán… đều có khá đầy đủ trên fanpage của Không gian trà Suối Giàng và thực hiện online rất thuận tiện, nhanh chóng. Suối Giàng đẹp, không khí trong lành, thời tiết dễ chịu, dịch vụ cũng khiến tôi rất hài lòng, nhất là lại được thưởng thức các loại trà thơm ngon. Thật là trải nghiệm đáng nhớ!”.
Trước đây, cách quảng bá du lịch thông qua báo chí, tờ rơi hay tham gia các chương trình xúc tiến... chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu tham khảo điểm đến cho du khách. Hiện nay, ngành du lịch dần số hóa hệ thống dữ liệu lớn về điểm đến, sản phẩm du lịch và các cơ sở cung ứng dịch vụ theo chuỗi giá trị.
Xu hướng CĐS đối với du lịch còn đòi hỏi sự phát triển của những ứng dụng số thông minh để đưa ra được những sản phẩm, dịch vụ tối ưu nhất cho từng nhóm đối tượng khách hàng riêng.
Du lịch Yên Bái không nằm ngoài xu hướng đó. Hệ thống thông tin quảng bá du lịch được tăng cường bằng nhiều hình thức phong phú, thông tin quảng bá đa dạng. Bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống, việc ứng dụng các kênh truyền thông có tính lan tỏa cao trên mạng xã hội; xây dựng, duy trì và đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá trên các cổng/trang thông tin điện tử… được đẩy mạnh.
Nội dung giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch, cung cấp thông tin, phản ánh các hoạt động văn hóa, phong tục tập quán, các di sản vật thể và phi vật thể, các lễ hội truyền thống… Chỉ cần có điện thoại thông minh các dịch vụ tiện ích trên tay, dù ở bất cứ đâu du khách đều có thể dễ dàng truy cập vào tìm thông tin, tìm hiểu, đặt phòng du lịch; các điểm đến, sản phẩm du lịch, thông tin về giá cả, cách thức di chuyển...
Có thể nói, CĐS đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước; giúp cho doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện dễ dàng tiếp cận với khách và hỗ trợ mạnh mẽ công tác xúc tiến quảng bá trên nền tảng số.
Đồng chí Hoàng Thị Thanh Tâm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: "Là cơ quan tiên phong cùng với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh CĐS, thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền huyện xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương mở rộng tuyên truyền về nhiệm vụ CĐS trên địa bàn. Ưu tiên, tập trung nguồn lực để duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt được và từng bước hoàn thành các nhiệm vụ được giao thuộc các chương trình, nghị quyết, kế hoạch của trung ương, của tỉnh và của huyện về CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”.
Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cũng tập trung tuyên truyền quảng bá những tiềm năng thế mạnh của các địa phương trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã: Suối Giàng, Tú Lệ và thị trấn Sơn Thịnh.
Tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các hộ dân thực hiện các mô hình CĐS trong lĩnh vực du lịch. Hướng dẫn, đăng tải, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch tiêu biểu phục vụ du khách, cập nhật thông tin dịch vụ cho du khách. Phản ánh các hoạt động kích cầu du lịch, các lễ hội hưởng ứng chương trình du lịch của tỉnh, của huyện.
Đồng thời, phân công cán bộ xuống các địa phương phối hợp với chính quyền cơ sở và cán bộ được phân công làm công tác du lịch tập trung rà soát các doanh nghiệp, hộ dân kinh doanh, làm du lịch ở cơ sở nhằm lựa chọn những mô hình có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ CĐS.
Được biết, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cũng xây dựng các nhiệm vụ, phân công cán bộ phụ trách các doanh nghiệp, hộ dân kinh doanh, làm du lịch ở cơ sở hướng dẫn cách thức lập fanpage đưa hình ảnh, video và các nội dung quảng bá lên trang. Hướng dẫn cách kết nối, tạo đường link để du khách có thể dễ dàng tìm kiếm trên các nền tảng khác nhau.
Khuyến khích, đẩy mạnh việc mở rộng các dịch vụ thanh toán, đặt phòng trực tuyến (qua ví điện tử, thẻ ngân hàng trực tuyến, QR Code...) tại các điểm du lịch. Ưu tiên 100% các sản phẩm OCOP du lịch đưa lên các sàn thương mại; hỗ trợ 100% các điểm du lịch cung cấp dịch vụ Internet không dây (kết nối Wifi tốc độ cao) miễn phí phục vụ du khách; hỗ trợ 100% các điểm du lịch thực hiện và chấp nhận du khách thanh toán các dịch vụ không dùng tiền mặt; lựa chọn mỗi xã, thị trấn từ 2 - 5 mô hình cụ thể để làm điểm, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng trong những năm tiếp theo…
Năm 2022 là năm huyện Văn Chấn đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) du lịch theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực nhằm đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số; triển khai thí điểm CĐS, đánh giá từng bước và nhân rộng các mô hình chuyển CĐS, bảo đảm hiệu quả, bền vững và phù hợp với nguồn lực, bản sắc văn hóa, vị trí địa lý và con người Văn Chấn.
Đẩy mạnh CĐS trong phát triển du lịch trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết với huyện Văn Chấn nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, cung cấp cho du khách những trải nghiệm tốt nhất.
Mai Linh