Chuyển đổi số chắp cánh cho du lịch nội địa

  • Cập nhật: Chủ nhật, 12/3/2023 | 8:50:41 AM

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã phục vụ 101,3 triệu lượt du khách nội địa, tăng 168,3% so với kế hoạch, vượt thời hoàng kim năm 2019.

Du lịch Việt Nam đã đón hơn 101 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 Ảnh: Đức Thanh
Du lịch Việt Nam đã đón hơn 101 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 Ảnh: Đức Thanh

Nỗ lực triển khai

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Covid-19 khiến ngành du lịch thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng trải qua "những ngày đau đớn”, nhưng cũng là đòn bẩy để ngành kinh tế xanh lột xác khi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây được coi là giải pháp đột phá giúp ngành du lịch thích ứng linh hoạt với những thay đổi sâu sắc sau ảnh hưởng của đại dịch, mở ra hướng đi mới bền vững hơn.

Thời gian qua, ngành du lịch đã có những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Công nghệ đã giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường và những trải nghiệm liền mạch cho du khách. Hiện nay, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm tới 40% tổng doanh số bán hàng sản phẩm du lịch; đặt vé du lịch qua điện thoại di động đã tăng 63% kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, Sovico… đã tiên phong xây dựng hệ sinh thái tiện ích thông minh, cho phép đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý vận hành kinh doanh, chất lượng phục vụ khách hàng và đổi mới sản phẩm, dịch vụ. Các công ty lữ hành cũng đã thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Triển khai các ứng dụng kết nối dịch vụ cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D…

Hiện nền tảng "Quản trị và kinh doanh du lịch” là một trong 35 nền tảng số quốc gia. Nền tảng đa dịch vụ "Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” hỗ trợ du khách với các dịch vụ tiện ích từ tìm kiếm thông tin cho tới đặt dịch vụ, mua sắm trực tuyến, quản lý tour du lịch, phản ánh tới cơ quan quản lý. 

Nhiều địa phương cũng nỗ lực triển khai các ứng dụng chuyển đổi số. Đơn cử, TP.HCM vận hành App du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử Traveloka; công bố 366 điểm đến, đưa lên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth… Hà Nội triển khai cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh như Visit Hanoi, MyHanoi với các tính năng như là trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách; bản đồ du lịch số; liên kết hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot "Da Nang Fantasticity”, công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).

Phát huy cơ chế hợp tác công - tư

Ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka nhận định, du lịch Việt Nam đang có tốc độ phục hồi ấn tượng, kể cả so với giai đoạn trước Covid-19. Nhưng giữ vững được kết quả này mới là điều quan trọng, để tạo đà phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Giải pháp là ngành du lịch Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi số để hiểu rõ được hành vi luôn thay đổi của người dùng, từ đó cung cấp những trải nghiệm du lịch không chạm - kỹ thuật số toàn diện.

"Chuyển đổi số không phải là giải pháp tạm thời để đối phó với Covid-19, mà là một hành trình lâu dài nhằm hướng tới ngành du lịch phát triển bền vững. Để đạt được điều này, các bên liên quan cần phải phối hợp và xây dựng một kế hoạch chiến lược hướng tới sự phát triển dài hạn”, Chủ tịch Traveloka nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty lữ hành đều là doanh nghiệp  vừa và nhỏ, họ không có đủ nguồn lực để chuyển đổi số vì phải áp dụng công nghệ mới, chi phí đầu tư bước đầu khá lớn, gồm cả chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý và cả chi phí cho con người, hệ thống đào tạo. Trong đó, khó nhất là yếu tố con người, khi nhân lực trong lĩnh vực này vừa thiếu vừa yếu.

Để toàn ngành du lịch có sự liên kết trong chuyển đổi số, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã phát hành tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tài liệu này có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các cơ quan quản lý, điểm đến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể áp dụng tại đơn vị, đồng thời kết nối tích hợp vào các nền tảng số của Tổng cục Du lịch.

Với vai trò là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số trong ngành du lịch, thời gian qua, Trung tâm Thông tin du lịch đã tập trung xây dựng các nền tảng số cốt lõi của hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch nhằm hỗ trợ các bên liên quan trong ngành như cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương, các điểm đến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách du lịch. Một số nền tảng cốt lõi đã được phát triển như: Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, Hệ thống báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở, Hệ thống thông tin phục vụ điều hành du lịch.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu lượt khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch 650.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu đó, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, ngành du lịch cần xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc, giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp. Muốn vậy, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần phát huy cơ chế hợp tác công - tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử…

(Theo baodautu)

Các tin khác
Người mẫu ảo Atiana Lopez

Cuộc thi Hoa hậu AI được đánh giá dựa trên ngoại hình, sức ảnh hưởng trên mạng xã hội và cách sử dụng các nền tảng với tổng giải thưởng lên tới 20.000 USD.

Trong quá trình thử nghiệm, thiết kế găng tay điện tử mới đã dịch 16 cử chỉ tay thành từ với độ chính xác 99,8%.

Các nhà nghiên cứu đã thiết kế găng tay chống nước được trang bị cảm biến có thể chuyển cử chỉ tay thành tin nhắn, giúp thợ lặn giao tiếp tốt hơn.

Cuộc họp Đảng ủy tại Sở GTVT tỉnh Yên Bái được ứng dụng công nghệ AI.

Là sở chưa được đánh giá ở tốp cao trong việc chuyển đổi số những năm gần đây, song với quyết tâm từ những người đứng đầu và sự đồng lòng của tập thể cán bộ, viên chức, giờ đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Yên Bái đã vững tin ứng dụng AI trong thực hiện nhiệm vụ và "phòng họp không giấy tờ" là minh chứng cho sự chuyển đổi ấy.

Lãnh đao Sở Công thương và Sở Thông tin - Truyền thông ký kết Kế hoạch phối hợp.

Chiều 16/4, Sở Công thương Yên Bái phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024 - 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục