Cục Đường bộ nói gì về việc không tích hợp được giấy phép lái xe vào VNeID?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/8/2023 | 2:21:17 PM

YênBái - Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an để thống nhất dữ liệu với những giấy phép lái xe cũ (sử dụng CMND 9 số) tích hợp với tài khoản VNeID hiện tại.

Nhiều người dân không tích hợp được giấy phép lái xe lên tài khoản VNeID
Nhiều người dân không tích hợp được giấy phép lái xe lên tài khoản VNeID

Nhiều người dân phản ánh không tích hợp được giấy phép lái xe (GPLX) vào VNeID do bằng lái cũ gặp lỗi xác thực. Lỗi xác thực xuất hiện khi tích hợp đối với bằng lái xe máy và ngay cả bằng lái ô tô.

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết việc nhiều người dân chưa thể cập nhật GPLX lên tài khoản VNeID do chưa tương thích về số CMND cũ và số CCCD mới.

"Theo thống kê, tháng 6 có khoảng hơn 3 triệu GPLX chưa được xác thực với dữ liệu quốc gia về dân cư do có dữ liệu sử dụng CMND 9 số, không đồng bộ dữ liệu CCCD 12 số hiện nay trên hệ thống VNeID. Tuy nhiên, sau rà soát và đồng bộ, hiện số lượng này còn khoảng hơn 1 triệu GPLX chưa xác thực được", ông Thống cho biết.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho hay đang phối hợp với C06 tiếp tục rà soát, đồng bộ dữ liệu số GPLX còn lại này để đưa lên hệ thống VNeID. 

Ngoài ra, có hơn 20 triệu giấy phép lái xe bằng giấy bìa được cấp từ năm 1995 đến tháng 7.2013. Hầu hết đây là bằng lái xe máy chưa thể tích hợp VNeID, do các giấy phép này chỉ hiển thị tên, năm sinh của người dân, không có ngày, tháng sinh nên không đồng bộ dữ liệu cư dân quốc gia.

Cục Đường bộ Việt Nam khuyến khích người dân đổi GPLX máy từ giấy bìa sang vật liệu PET; khi đó GPLX mới sẽ cập nhật theo CCCD 12 số, phù hợp dữ liệu hệ thống dân cư. Theo quy định mới, người dân đổi GPLX máy không cần giấy khám sức khỏe, hồ sơ giấy phép cũ.

Với bằng lái ô tô, theo ông Thống, người dân chỉ đổi sang bằng PET khi hết thời hạn hoặc có nhu cầu. "Cục Đường bộ Việt Nam không bắt buộc phải đổi sang bằng PET để tích hợp dữ liệu vào VNeID. Chúng tôi đang phối hợp bên ngành công an để rà soát, thống nhất, đồng bộ dữ liệu cho người dân", ông Thống nói.

Theo đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng C06, để tích hợp thành công GPLX lên VNeID, công dân phải có đầy đủ thông tin lưu trữ trên hệ thống GPLX do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Vì thế, việc đổi GPLX sang dạng thẻ PET là không cần thiết và gây lãng phí nguồn lực xã hội. Thay vào đó, Cục Đường bộ Việt Nam cần sớm bổ sung, làm sạch dữ liệu GPLX để sớm tích hợp.

Theo báo cáo của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đến hết tháng 6, Bộ Công an đã phối hợp Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam xác thực, làm sạch 31,8 triệu dữ liệu thông tin GPLX trên tổng số 34,8 triệu GPLX dạng PET. 

Số lượng thông tin GPLX không trùng khớp còn lại đã được C06 đối khớp thủ công và trả thông tin đúng, sai để Cục Đường bộ Việt Nam có căn cứ làm sạch dữ liệu.

Liên quan đến dữ liệu của công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa ký ban hành Quyết định số 590/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về thực hiện công dân số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025.

Bộ tiêu chí gồm 03 nhóm tiêu chí với 11 tiêu chí cụ thể như sau:

Nhóm tiêu chí về thiết bị và nền tảng số (6 tiêu chí): (1) Có điện thoại thông minh, SIM điện thoại chính chủ và đảm bảo kết nối mạng internet (3G, 4G, Wifi...); (2) Có tài khoản định danh điện tử (cài đặt VNeID mức độ 2); (3) Có tài khoản dịch vụ công trực tuyến; (4) Có tài khoản thanh toán số (dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử hoặc Mobile Money); (5) Cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số Yên Bái (YenBai-S); (6) Riêng đối với công dân là đảng viên: sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”.

Nhóm tiêu chí về nhận thức, kỹ năng số (2 tiêu chí): (1) Được tiếp cận phổ biến kiến thức, kỹ năng, thông tin và sử dụng các phần mềm, nền tảng số trên Internet; (2) Được tuyên truyền, phổ biến, tiếp cận về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Nhóm tiêu chí về thói quen số (3 tiêu chí): (1) Tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh Yên Bái; (2) Thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các phương thức như: thanh toán bằng thẻ tín dụng, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money, đặc biệt là trong việc thanh toán các dịch vụ điện, nước, tiền học phí, các khoản phí, lệ phí, mua sắm trực tuyến....; (3) Thực hiện theo quy định của Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội khi tham gia các mạng xã hội trực tuyến (Zalo, Facebook, Youtube…).

Bộ tiêu chí là tiền đề để phát triển xây dựng và hình thành Công dân số Yên Bái (công dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái có kiến thức cơ bản về công nghệ số; chủ động, tích cực sử dụng các nền tảng, công nghệ số thiết yếu để phục vụ cuộc sống; chấp hành nghiêm pháp luật công nghệ thông tin, công nghệ số) với nét đặc trưng riêng, hướng đến mục tiêu giúp người dân hạnh phúc hơn; đồng thời là cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị tham chiếu, đánh giá mức độ. 

QT - TNO

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Chiều 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tham gia cắt băng khánh thành Trạm phát sóng YBI0574 tại xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.

Ngày 14/5, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã tham dự Lễ khai trương Trạm phát sóng YBI0574 do Viettel Yên Bái triển khai tại bản Háng Tày, xã Chế Tạo, xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải.

Sở TT&TT tỉnh Yên Bái thực hiện thống kê đo kiểm chất lượng dịch vụ internet.

Chiều 10/5, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi làm việc theo hình thức trực tuyến để thảo luận, triển khai hiệu quả việc nâng cao ứng dụng tài nguyên Internet trên địa bàn tỉnh Yên Bái và một số nội dung khác theo chương trình hoạt động theo thỏa thuận thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước, giai đoạn 2021 - 2025.

Hưởng ứng phong trào

Sau 6 tháng triển khai thí điểm, mô hình “Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực, hiệu quả lợi ích mang lại thực sự rõ nét đối với tất cả các đối tượng tham gia thí điểm. Đó là tiền đề quan trọng để mô hình được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn, tạo cú huých mạnh mẽ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu suất công việc của người lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục