Nhiều doanh nghiệp vẫn thận trọng với rủi ro từ AI tạo sinh

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/4/2024 | 8:06:07 AM

ChatGPT của OpenAI và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh khác có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh chóng. Nhưng trong thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại sử dụng công nghệ này do các rủi ro về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và bịa đặt thông tin vẫn chưa được khắc phục.

Giới doanh nghiệp ở Mỹ triển khai áp dụng AI với tốc độ rất chậm. Ảnh: WJ
Giới doanh nghiệp ở Mỹ triển khai áp dụng AI với tốc độ rất chậm. Ảnh: WJ

Chưa cảm nhận được lợi ích rõ ràng

Hãng thuốc lá Reynolds American (Mỹ) đang áp dụng cách tiếp cận chậm rãi, mang tính thử nghiệm đối AI tạo sinh ở chừng mực. Aaron Gwinner, Giám đốc thông tin của Reynolds cho biết công ty ông đang thử nghiệm sử dụng AI để cải thiện khả năng phân tích các tập dữ liệu lớn. Tuy nhiên, công ty không mạo hiểm đưa AI vào các ứng dụng tài chính có rủi ro cao hoặc trong các chức năng tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

"Có một số rủi ro cố hữu với AI tạo sinh. Trước khi bắt đầu thực hiện các dự án AI, chúng ta cần có sẵn nền tảng và những điều cơ bản”, ông nói.

Các công cụ AI tạo sinh gồm Copilot của Microsoft, Gemini của Google và ChatGPT của OpenAI đang tìm cách thâm nhập vào thế giới kinh doanh. Những người ủng hộ AI hy vọng công nghệ này sẽ tạo ra sự chuyển đổi lớn. Hồi tháng 2, Công ty công nghệ tài chính Klarna (Thụy Điển) cho biết công cụ ChatGPT hiện có thể thực hiện công việc của 700 nhân viên dịch vụ khách hàng.

Dù vậy, nhiều công ty vẫn chưa sẵn sàng đón nhận các công cụ AI này. Các cuộc khảo sát về tâm lý kinh doanh cho thấy nhiều công ty, như Reynolds, đang thận trọng ứng dụng AI. Cuộc khảo sát của Cục điều tra dân số Mỹ (USCB) trong tháng 3 chỉ cho thấy khoảng 5,4% doanh nghiệp ở Mỹ sử dụng AI (ở bất cứ dạng nào, chứ không nhất thiết là AI tạo sinh) để sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ.

Dữ liệu của USCB cho thấy doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và doanh nghiệp quy mô lớn sử dụng AI nhiều hơn các doanh nghiệp khác.

Theo báo cáo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, 42-49% doanh nghiệp trong các lĩnh vực khoa học đời sống, dầu khí và dịch vụ truyền thông có ý định áp dụng AI, nhưng rút cục đã không làm như vậy. Đó là một hiện tượng mà Gartner gọi là "khoảng cách giữa tham vọng và hành động”.

Daniel Colson, người đồng sáng lập Viện Chính sách AI, cho rằng các tổ chức doanh nghiệp vẫn đang cố gắng đánh giá xem AI tạo sinh thực sự hữu ích như thế nào.

"Họ vẫn chưa cảm nhận rõ ràng lợi ích của công nghệ này. Và tôi nghĩ điều đó dẫn đến sự không chắc chắn về việc liệu các mô hình ngôn ngữ lớn có thực sự tạo ra giá trị lớn cho các ứng dụng kinh doanh hay không”, Colson nói khi đề cập đến hệ thống AI đằng sau ChatGPT và các chương trình khác.

Một số công ty cho rằng chi phí để trang bị công nghệ AI có thể không đáng giá. Nhiều doanh nghiệp đơn giản là chưa thể nhìn thấy trường hợp sử dụng AI.

Hãng hàng không quốc gia Canada (Air Canada) đã loại bỏ chatbot khỏi dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi chatbot này đã nhầm lẫn về chính sách ưu đãi giá vé. Ảnh: New York Post

Lo ngại phản hồi bịa đặt của AI

Hãng luật Luminos Law (Mỹ), chuyên tư vấn cho khách hàng về quản lý rủi ro AI, đã cân nhắc sử dụng AI tạo sinh nhưng vẫn chưa triển khai.

"Giá trị thực sự của AI tạo ra là mang lại kiến thức và hiểu biết rộng cho nhiều người. Chúng tôi là công ty nhỏ và hoạt động trong lĩnh vực có tính chuyên môn cao nên giá trị đó không có ý nghĩa”, Andrew Burt, người đồng sáng lập của Luminos Law, nói.

Năm ngoái, Koko, nền tảng tư vấn và hỗ trợ sức khỏe tâm thần trực tuyến, có trụ sở ở San Francisco, gây tranh cãi khi tiết lộ công ty đã sử dụng ChatGPT để trò chuyện với người dùng của nền tảng này.

CEO Rob Morris của Koko giải thích nội dung phản hồi là do ChatGPT soạn ra, nhưng nhân viên con người sẽ kiểm tra nội dung này, rồi bấm nút gửi cho người dùng. Điều này cho phép các tin nhắn trò chuyện được gửi đi với tốc độ nhanh hơn. Dù vậy, ông cho biết, nhiều người dùng dừng trò chuyện khi biết người mà họ đang tâm tình là ChatGPT. Do đó, ông quyết định dừng sử dụng ChatGPT cho đến khi tìm thấy trường hợp sử dụng tốt hơn.

Mind Meld PR, một công ty truyền thông có trụ sở tại Vancouver (Canada), thường gửi các bài viết quảng cáo đến nhiều nhà báo. Nhưng công ty thừa nhận việc sử dụng AI để viết những bài quảng cáo hóa ra không mang lại hiệu quả như mong đợi. Lý do là nhân viên của công ty mất rất nhiều thời gian để gọt giũa nội dung của chúng.

Trong các trường hợp khác, AI đưa ra câu trả lời rất tự tin cho các câu hỏi nghiên cứu nhưng sau đó lại thừa nhận nội dung trả lời không chính xác, Jonathon Narvey, CEO của Mind Meld PR, cho biết.

"Chúng tôi đã cố gắng thử nghiệm AI. Kết quả là thảm họa hoàn toàn”, Narvey nói.

Cái gọi là ảo tưởng (hallucination), một hiện tượng trong đó AI tạo sinh đưa ra câu trả lời tự tin nhưng bịa đặt, đã được ghi nhận rõ ràng trong kỷ nguyên ChatGPT.

Hồi tháng 2, Air Canada bị tòa án yêu cầu hoàn tiền cho một khách hàng sau khi chatbot của hãng hàng không quốc gia Canada đưa ra thông tin chi tiết sai về chính sách ưu đãi giá vé dành cho người có người thân trong gia đình qua đời. Chatbot này nói với vị khách có bà nội vừa qua đời rằng anh ta có thể yêu cầu giảm trừ tiền vé 90 ngày sau chuyến bay.

Tuy nhiên, khi vị khách thực hiện yêu cầu này, Air Canada cho biết hãng không có chính sách như vậy và mọi khoản giảm trừ đều phải thỏa thuận và thực hiện trước chuyến bay. Vị khách đã gửi hình ảnh chụp nội dung cuộc trò chuyện với chatbot của Air Canada. Nhưng đại diện của hãng nói rằng chatbot đã trả lời nhầm lẫn.

Air Canada cho biết công nghệ AI đằng sau chatbot này lạc hậu hơn so với AI hiện nay. Hiện tại, hãng đã rút chatbot khỏi dịch vụ.

Rủi ro bảo mật dữ liệu

Dù doanh nghiệp lớn có nhiều khả năng áp dụng AI tạo sinh hơn doanh nghiệp nhỏ, nhưng họ cũng lo ngại rủi ro bảo mật. Trong cuộc khảo sát gần đây của Cisco Systems với các chuyên gia bảo mật và quyền riêng tư, 92% cho biết họ tin rằng AI tạo sinh về cơ bản khác với các công nghệ khác và yêu cầu những kỹ thuật mới để quản lý dữ liệu và rủi ro. Hơn 25% trong số họ thậm chí ủng hộ cấm sử dụng công nghệ này.

Việc áp dụng rộng rãi AI tạo sinh có thể cần nhiều thời gian. Công cụ tìm kiếm và mạng truyền thông xã hội, hai công nghệ đột phá của kỷ nguyên Internet, phải mất nhiều năm để phổ cập. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, đến năm 2002, 4 năm sau khi Google thành lập, chỉ có 29% người dùng Internet sử dụng bất kỳ công cụ tìm kiếm nào trong một ngày thông thường. Theo các nhà phân tích của ngân hàng UBS, ChatGPT đã thu hút được 100 triệu người dùng hàng tháng chỉ 2 tháng sau khi ra mắt vào tháng 11-2022, trở thành ứng dụng có cơ sở người dùng tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử.

Nhưng AI tạo sinh rốt cục có thể đi theo cùng một quỹ đạo tương tự những công nghệ trước đó để hiện diện trong đời sống hàng ngày của con người. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy 77% người dùng thử sản phẩm AI tạo sinh Copilot của hãng công nghệ này không muốn từ bỏ nó.

Aaron Gwinner, Giám đốc thông tin của Reynolds American, cho biết công ty ông đang cố gắng cân bằng lợi ích và rủi ro từ việc áp dụng AI tạo sinh nhanh chóng.

"Nếu bạn nghĩ về những cuộc cách mạng trong 100 năm qua về công nghệ, đây sẽ là một trong những cuộc cách mạng lớn nhất. Nhưng chúng ta sẽ mất thời gian để sẵn sàng đón nhận công nghệ AI”, Gwinner nói.

(Theo KTSG Online)

Các tin khác
Cán bộ NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking tại điểm giao dịch xã.

Từ ngày 1/3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai chính thức ứng dụng VBSP Smart Banking đến các khách hàng; trong đó, ưu tiên các đối tượng khách hàng cá nhân đang mở tài khoản thanh toán tại NHCSXH.

Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về CĐS. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã triển khai hiệu quả các ứng dụng: quản lý văn bản và điều hành điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) BHYT, quản lý thông tin KCB... góp phần nâng cao chất lượng KCB, tạo sự đổi mới cho hệ thống y tế, thúc đẩy CĐS hướng tới phát triển y tế thông minh.

Đồng chí Hà Đức Hải - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái và đồng chí Lê Trí Hà - Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh ký kết phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024.

Tỉnh đoàn và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái vừa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) năm 2024. Hoạt động nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của và nguồn lực sẵn có của hai đơn vị, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ CĐS tỉnh Yên Bái đến năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục