Yên Bái nâng cao chất lượng chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2024 | 12:38:51 PM

YênBái - Qua gần 4 năm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số (CĐS), đến nay, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để phục vụ người dân tốt hơn, tỉnh đang tiếp tục có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng CĐS.

Chuyển đổi số không thể thành công nếu như không hình thành được các công dân số.
Chuyển đổi số không thể thành công nếu như không hình thành được các công dân số.


Luôn nhất quán phương châm "CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”, thông qua nhiều giải pháp kiên trì, thường xuyên và liên tục trong thời gian qua, nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái có sự chuyển biến rất tích cực. Qua gần 4 năm đẩy mạnh công cuộc CĐS, đến nay, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để phục vụ người dân tốt hơn, tỉnh đang tiếp tục có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng CĐS.

Những lợi ích thiết thực với người dân

Là người đăng ký nhận lương hưu qua tài khoản ngay từ đợt đầu tiên, bà Đỗ Thị Mai - tổ dân phố 6, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái phấn khởi: "Trước kia đến kỳ lấy lương hàng tháng, tôi thường phải nhớ ngày đi nhận lương, đến điểm chi trả chờ đến lượt mới lấy được. Từ khi đăng ký chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng, tôi thấy rất thoải mái, thuận tiện vì cứ đến ngày nhận lương là tiền khắc về tài khoản”. 

Có chung trải nghiệm về những lợi ích mà CĐS mang lại, bà Nguyễn Thị Tươi, xã An Thịnh, huyện Văn Yên hài lòng chia sẻ: "Trước đây khi làm thủ tục khám, chữa bệnh tại bệnh viện thường phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ thì giờ đây tôi chỉ cần mang theo duy nhất chiếc điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID. Trong ứng dụng đã tích hợp các loại giấy tờ tùy thân cần thiết nên rất thuận tiện. Kể cả việc thanh toán phí khám, chữa bệnh cũng qua chuyển khoản nên rất an toàn”. 

Với người dân thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên khi xã được lựa chọn xây dựng "thôn thông minh” từ năm 2022. Tiếp cận với công nghệ số, bà con đã quen với các giao dịch thương mại điện tử, thông qua mạng xã hội để phản ánh tình hình trong thôn. Ban quản lý thôn cũng không còn vất vả đi thông báo từng nhà hoặc trên loa truyền thanh nữa mà tất cả các công việc của thôn đều được thông báo trên nhóm Zalo để bà con nắm bắt.

Ông Trần Văn Hiệp - Bí thư Chi bộ thôn Cầu Mơ chia sẻ: "Với 170 hộ dân, 680 khẩu, đến nay, trên địa bàn thôn có 70% người dân trong độ tuổi lao động dùng tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán tiền điện, tiền nước, mua hàng trực tuyến, thanh toán tiền phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; trên 40% hộ dân trong thôn lắp camera an ninh tại gia đình đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu dân cư”. 

Những chia sẻ của người dân sau khi trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày đã phản ánh phần nào những kết quả tích cực, đáng ghi nhận của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh trên hành trình CĐS.

Chuyển đổi số "Toàn dân, toàn diện”

Xác định CĐS là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nên ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã ban hành đồng bộ các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh, xác định rõ phương hướng và lộ trình CĐS của địa phương cho từng năm và cả giai đoạn. 

Cùng với Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy - nghị quyết chuyên đề đầu tiên và mang tầm nhìn dài hạn đến 2030 của tỉnh về CĐS, tỉnh đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về CĐS, huy động được sự tham gia của nhiều thành phần, lực lượng trong xã hội làm CĐS theo đúng phương châm "Toàn dân, toàn diện”. 

Là điểm sáng trong công cuộc CĐS, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ tổ chức, công dân hiệu quả, thành phố Yên Bái có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo. Đến nay, tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 95%, tỷ lệ ký số văn bản điện từ các cơ quan đạt 10 trực toàn trình đạt 95% doanh nghiệp với thủ tục hành chính đạt 100%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet băng rộng đạt 94% và 93,5% người dân sử dụng thiết bị di động thông minh. 

Các giải pháp thanh toán điện tử được đẩy mạnh với 88% người dân trưởng thành, 85% hộ gia đình thanh toán tiền điện, và 80,3% thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt. Toàn thành phố đã cấp 91.378 tài khoản định danh điện tử, trong đó 77,59% tài khoản đã kích hoạt, giúp tăng cường quản lý hành chính và thuận tiện cho người dân.

Những hiệu quả đem lại từ triển khai CĐS toàn diện thời gian qua là yếu tố quan trọng để thành phố Yên Bái tiếp tục các giải pháp xây dựng đô thị thông minh. Ông Nguyễn Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND thành phố cho biết: "Hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố văn minh và hiện đại, thành phố sẽ tập trung các giải pháp thúc đẩy xây dựng chính quyền số, tiếp tục đầu tư xây dựng 3 phường: Đồng Tâm, Minh Tân, Nguyễn Thái Học trở thành phường CĐS, CĐS nâng cao; xây dựng phường Nguyễn Thái Học trở thành phường thông minh, nhân rộng ra các xã, phường khác.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình "Chợ 4.0" để thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các chợ trên địa bàn, áp dụng công nghệ quản lý chuỗi cung ứng thông minh để giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương…”.

Với sự sáng tạo, bài bản, kiên trì và rất quyết liệt, sau 4 năm triển khai, công cuộc CĐS của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Theo đó, xếp hạng DTI - Chỉ số chuyển đổi số của tỉnh đã vươn lên đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, có 93,4% thôn, bản, tổ dân phố có đường truyền Internet băng rộng cố định; 100% thôn/bản có điện lưới được phủ sóng di động 4G, đã có 32 trạm phát sóng di động 5G được lắp đặt; 80% nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố có Internet.

Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số có sự chuyển biến mạnh mẽ, các nền tảng dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, triển khai mang lại hiệu quả. Đặc biệt năm 2023, Cổng dịch vụ công tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên cả thiết bị di động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì quá trình CĐS của tỉnh Yên Bái vẫn chỉ ở giai đoạn khởi đầu, chưa hình thành được "phương thức sản xuất số”, "lực lượng sản xuất số”, "tư liệu sản xuất số”. Do vậy, cần có các giải pháp kịp thời, đủ mạnh và đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả CĐS của tỉnh. 


Thanh toán không dùng tiền mặt giờ đã trở thành thói quen của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Nâng cao chất lượng CĐS

Đảm bảo bắt kịp với xu thế chuyển đổi số của thế giới và định hướng chuyển đổi số của Trung ương, của tỉnh đã xây dựng với kỳ vọng đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng CĐS, quyết tâm "CĐS để người dân hạnh phúc hơn”, ngành TT&TT tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế CĐS; thúc đẩy ứng dụng các công nghệ số mới vào hoạt động phục vụ chỉ đạo, điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước.

Ông Lê Trí Hà – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh thông tin: Sở đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tỉnh cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; đẩy nhanh tiến độ số hóa, cập nhật thông tin, dữ liệu vào các cơ sở dữ liệu đã xây dựng để hình thành cơ sở dữ liệu lớn của tỉnh trong thời gian sớm nhất; thực hiện kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các cấp, các ngành để khai thác, sử dụng, tạo ra giá trị mới. 

Đồng thời, chỉ đạo phát triển hạ tầng mạng viễn thông, Internet băng thông rộng, tốc độ cao, trọng tâm là phát triển hạ tầng mạng viễn thông, Internet cáp quang và mạng di động thế hệ 5G; đầu tư củng cố, nâng cấp hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin đảm bảo hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu CĐS của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Quan tâm chú trọng ưu tiên ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, IoT, điện toán đám mây… vào xây dựng và triển khai các nền tảng dùng chung, nền tảng đặc trưng của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh; đẩy mạnh thu hút; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. 

Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn để nâng cao chất lượng CĐS của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng lòng của người dân, cuộc chuyển mình để thực hiện CĐS "toàn dân, toàn diện” trên địa bàn tỉnh Yên Bái chắc chắn sẽ tiếp tục tiến lên, đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang lại những lợi ích thiết thực để người dân ngày càng hạnh phúc, góp phần để Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Thanh Chi

Tags Yên Bái chuyển đổi số thôn thông minh thanh toán không dùng tiền mặt

Các tin khác
Chi cục Kiểm lâm tỉnh trao chứng nhận cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu đầu tiên tại tỉnh Yên Bái cho các hộ gia đình tại huyện Yên Bình.

Tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cho rừng nguyên liệu. Số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu là bước tiến quan trọng, giúp ngành gỗ Yên Bái thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong lâm nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác và MSVT sẽ là đầu vào rất quan trọng cho cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Biểu tượng ChatGPT của Công ty OpenAI tại một văn phòng ở Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12/12, Chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT gặp sự cố ngừng hoạt động trên toàn cầu.

Cải xanh của Avalo ăn được cả lá lẫn cành

Kể từ khi nông nghiệp ra đời cách đây khoảng 10.000 năm, được mất của nông nghiệp đã gắn liền chặt chẽ với được mất của con người. Hiện nay, cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm gián đoạn hoạt động nông nghiệp trên toàn cầu.

Nhân viên Trung tâm Khai thác vận chuyển - Bưu cục Âu Cơ, Bưu điện tỉnh Yên Bái trong giờ làm việc.

Yên Bái quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Bưu chính - viễn thông (BCVT) phát huy vai trò ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng phục vụ công tác quản lý, điều hành của Đảng và chính quyền, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục