Ưu tiên đầu tư thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/1/2015 | 3:02:38 PM

YBĐT - Trả lời phỏng vấn phóng viên YBĐT, ông Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh cho biết, năm 2015, hoạt động KH&CN trên địa bàn tiếp tục tổ chức lựa chọn các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng trọng tâm, trọng điểm.

Ông Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, dự án năm 2014.
Ông Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, dự án năm 2014.

PV: Thưa ông, ông có chia sẻ gì với bạn đọc về những kết quả đạt được trên lĩnh vực KH&CN ở Yên Bái trong năm qua?

Ông Vũ Xuân Hợi: Như chúng ta đã biết, Luật KH&CN năm 2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 (thay thế Luật KH&CN năm 2000) đã "cởi" được nhiều "nút thắt" quan trọng trong hoạt động KH&CN, trong đó đặc biệt phải kể đến là cơ chế tài chính và chế độ trọng dụng nhân tài. Đây có thể xem là một bước chuyển có tính đột phá để hoạt động KH&CN của tỉnh Yên Bái nói riêng và toàn quốc nói chung phát triển có hiệu quả hơn.
Chương trình hành động số 76-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nêu 6 nhiệm vụ và giải pháp chính.

Đó là: tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN; triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu; phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN của tỉnh; phát triển thị trường KH&CN; hợp tác và hội nhập về KH&CN.

Năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả của các ngành chức năng, các địa phương cùng sự nỗ lực của tập thể, cán bộ, công chức toàn ngành, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Đối với công tác quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN đã có những bước đổi mới theo hướng tích cực, chú trọng từ khâu xác định nhiệm vụ KH&CN; tuyển chọn các tổ chức, cá nhân và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ bảo đảm đúng trình tự, công khai, minh bạch và hiệu quả hơn (triển khai 48 đề tài dự án chuyển tiếp sang năm 2014 và 36 đề tài, dự án thực hiện mới năm 2014).

Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của tỉnh, Sở KH&CN đã tiếp tục tham mưu dành trên 40% kinh phí nghiên cứu triển khai để tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều dự án đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong sản xuất, như: nuôi chim bồ câu Pháp; nuôi thử nghiệm cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà; nghiên cứu thử nghiệm thụ tinh nhân tạo trâu; nhân giống và trồng hoa lan hồ điệp, hoa ly ly; trồng cà chua, súp lơ xanh trên ruộng 2 vụ lúa; sản xuất nấm rơm trái vụ; trồng chuối tiêu hồng, nuôi ong lấy mật ở Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ...

Đối với công tác quản lý công nghệ - sở hữu trí tuệ tiếp tục tập trung tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường (đã thẩm định và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp để đầu tư đổi mới công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp).

Công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được tăng cường và có sự phối hợp hiệu quả hơn với các ngành chức năng, các địa phương. Đồng thời hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, của Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực hàng hóa nhạy cảm như: xăng dầu, mũ bảo hiểm, an toàn bức xạ nên đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm tính chính xác trong đo lường, chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng...

PV: Xin ông cho biết, những kết quả đó có tác động như thế nào đối với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh?

Ông Vũ Xuân Hợi: Kết quả triển khai, thực hiện các đề tài, dự án khoa học, đặc biệt là các dự án xây dựng, nhân rộng mô hình nông, lâm nghiệp cũng như chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đã đưa nhanh những tiến bộ kỹ thuật mới, giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có thương hiệu, góp phần tác động tích cực, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tăng  thu nhập, ổn định đời sống người dân trên địa bàn.

Trong năm qua, chương trình KH&CN tuy chưa xây dựng thành chương trình riêng phục vụ xây dựng nông thôn mới nhưng việc lựa chọn các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và kinh phí sự nghiệp khoa học đã dành 55% - 65% phục vụ chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; hỗ trợ xây dựng các mô hình nông, lâm nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản và thực hiện trên địa bàn nông thôn trong tỉnh đã gián tiếp góp phần xây dựng nông thôn mới.

PV: Để mang lại những giá trị cao hơn nữa, KH&CN Yên Bái cần thêm những điều kiện gì, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Hợi: Chúng tôi cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để tạo liên kết, gắn kết với doanh nghiệp và cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN với chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Có chính sách để nhân rộng và phát huy các kết quả nghiên cứu KHCN sau khi được nghiệm thu đánh giá có kết quả tốt.

Cùng với đổi mới phương thức xây dựng, thực hiện và quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ để các nhiệm vụ khoa học công nghệ được phân loại có chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp, hoạt động nghiên cứu triển khai có hiệu quả, phải có sự đổi mới các chính sách và cơ chế quản lý kinh tế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh đồng thời có chính sách khuyến khích thích đáng trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tỉnh Yên Bái cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đa dạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động KH&CN bao gồm nguồn vốn ngân sách cấp (nguồn sự nghiệp khoa học), nguồn sự nghiệp kinh tế, nguồn tự có của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nguồn trích lại một phần lợi nhuận do áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nguồn trích từ các dự án và công trình kinh tế - xã hội để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ cho chính các công trình, dự án đó...

PV: Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đối với hoạt động KH&CN trong năm 2015 là gì, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Hợi: Năm 2015, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức lựa chọn các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư thực hiện các nhiệm vụ KHCN phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất kinh doanh, ưu tiên kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương, doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành việc thực hiện các quy định của Nhà nước về chất lượng hàng hóa, bảo đảm đo lường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quang Tuấn (thực hiện)

Các tin khác

Các nhà khoa học vừa tìm ra một loại kháng sinh mới mang tên Teixobactin, có khả năng điều trị nhiễm khuẩn và loại bỏ vấn đề kháng thuốc, vốn đang là bài toán khó từ nhiều thập kỷ nay, mở ra hy vọng khống chế các loại siêu vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc.

Khu vực sản xuất của nhà máy.

Ngày 9/1, Nhà máy Amie - cơ sở đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ nano bạc và đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP chính thức đi vào hoạt động.

Kính thiên văn Kepler của NASA phát hiện thêm 8 hành tinh xa xôi mới, trong đó có một hành tinh giống trái đất nhất được tìm thấy cho đến nay, theo thông tin được tiết lộ tại hội nghị của Hội Thiên văn Mỹ.

Thử nghiệm vaccine chống virus Ebola trên người.

Các tình nguyện viên sẽ được tiêm một lượng nhỏ vaccine để kích thích một phản ứng miễn dịch ban đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục