Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/3/2018 | 6:29:20 PM
Từ một bệnh nhân chết não hiến tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành lấy đa tạng cùng một thời điểm và ghép, điều phối cứu sống cho 6 bệnh nhân.
Các bác sĩ Bệnh viện 108 đang thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não.
|
Ngày 16/3, tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về việc bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho bị chết não. Ca ghép này đã cứu sống bệnh nhân Trần Ngọc H., ở tỉnh Nam Định bị bệnh phổi tắc nghẽn giai đoạn cuối.
Từ nguồn tạng được hiến này, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ca ghép 2 phổi cho một bệnh nhân, ghép một quả thận cho một bệnh nhân khác và ghép một giác mạc cho bệnh nhân khác nữa; điều phối 1 giác mạc cho Bệnh viện mắt Trung ương ghép cho một bệnh nhân. Trái tim và quả thận còn lại được bảo quản, vận chuyển bằng máy bay từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh để ghép cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện, tất cả những bệnh nhân được ghép các tạng này sức khoẻ đều tiến triển tốt, ổn định.
Tại buổi họp báo, Trung tướng. GS. TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trước khi thực hiện ca ghép phổi, bệnh nhân Trần Ngọc H. được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Tình trạng của bệnh nhân Trần Ngọc H. rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bệnh nhân Trần Ngọc H. thường xuyên phải nhập viện điều trị, thậm chí phải thở máy, thở ô-xy thường xuyên. Ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho người bệnh.
Ca ghép phổi được thực hiện ngày 26/2, kéo dài gần 8 giờ đồng hồ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ngoài 3 chuyên gia nước ngoài đến từ Pháp và Bỉ, ca ghép phổi có sự tham gia của hơn 60 thành viên là các giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. "Đến thời điểm này, gần 20 ngày sau khi được ghép phổi, bệnh nhân Trần Ngọc H. đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ăn cháo, huyết động ổn định, chức năng hô hấp tốt, phim chụp X-quang cho thấy 2 phổi sáng, hòa nhập với cơ thể người nhận. Bệnh nhân tự đi lại trong phòng bệnh cách ly”, Trung tướng, GS. TS Mai Hồng Bàng cho biết.
Chia sẻ từ phòng bệnh, bệnh nhân Trần Ngọc H. cho biết sức khỏe đã phục hồi 70-80%, hiện tự thở được, đang tập phục hồi chức năng. "Tôi đã khỏe hơn trước nhiều. Cảm ơn các y bác sĩ đã giúp tôi có thể sống”, bệnh nhân nói.
Anh Nguyễn Hùng Mạnh, con rể của bệnh nhân cho biết, gia đình đã rất lo lắng vì không hiểu ghép phổi là gì, nếu ghép thì bố anh sẽ sống được bao lâu, không được ghép thì tính mạng ra sao. "Khi gia đình đang băn khoăn giữa các phương án thì chính bố tôi là người quyết định đồng ý ghép phổi", người con nói.
Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết, ngành ghép tạng tại Việt Nam đã có lịch sử 25 năm, các bác sĩ đã ghép được thận, gan, tim, tuỵ, giác mạc... Tuy nhiên ghép phổi vẫn là một thách thức rất lớn với nền y học nước ta.
Theo các chuyên gia ghép tạng, ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất vì tính chất phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, điều phối, chuẩn bị cơ sở trang thiết bị... Ghép phổi từ người cho sống đã khó, ghép phổi từ người cho chết não còn khó khăn, phức tạp hơn. Ghép phổi từ người cho sống, bác sĩ chỉ ghép một thùy hoặc phân thùy; trong khi trường hợp này bệnh nhân được ghép cả hai lá phổi.
Để chuẩn bị cho ca ghép phổi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã có sự chuẩn bị tương đối kỹ càng trong ba năm, cử các y bác sĩ sang Pháp, Nhật, Hàn Quốc... để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, BNệnh viện đã thực hiện được 18 ca ghép tạng, trong đó có một ca ghép gan từ người cho sống. Từ năm 2006 đến nay, bệnh viện thực hiện 27 ca ghép tủy và 14 ca ghép giác mạc (từ năm 2004).
Có thể nói, thành công của ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khẳng định những nỗ lực chinh phục đỉnh cao y học, làm chủ kỹ thuật khó, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng của những chiến sĩ áo trắng, đồng thời mở ra cơ hội mới cho bệnh nhân.
Được biết, trước đó vào tháng 7/2016, Bệnh viện Trung ương Huế lần đầu tiến hành ghép khối tim - phổi cho một bệnh nhân nam 40 tuổi. Ca ghép không thành công, bệnh nhân qua đời sau 5 ngày được ghép. Bệnh nhân này được ghép khối tim phổi hiến tặng từ một bệnh nhân bị chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 21/2/2017, Việt Nam lần đầu ghép phổi thành công từ người cho sống. Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho sống. Người được ghép phổi là bệnh nhi 7 tuổi; bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) mỗi người tặng bé một phần phổi của mình để tạo thành hai lá phổi cho bé. Cuộc mổ kéo dài khoảng 11 giờ. Theo chuyên gia của Nhật, sau khi được ghép phổi, bé có thể sống đến 60-70 thậm chí 80 tuổi.
Các tin khác
Tổ chức Y tế thế giới cho biết sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra lại các nguy cơ đối với sức khỏe con người do uống nước đóng chai.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.
Các cuộc kiểm nghiệm mới đây đã phát hiện phần lớn các sản phẩm nước đóng chai của các hãng nổi tiếng thế giới đều chứa các hạt nhựa nhỏ li ti, hay được gọi là hạt phân tử nhựa.
Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh vừa phẫu thuật bóc tách thành công khối u quái khổng lồ chiếm gần một nửa trọng lượng cơ thể của một bé gái sơ sinh 6 ngày tuổi.