Việt Nam sẵn sàng cho việc sản xuất hai loại vắcxin phòng bệnh cúm
- Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2018 | 2:12:13 PM
Tiến sỹ Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết, Viện đã thực hiện thành công các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cho hai loại vắcxin cúm do Viện sản xuất và hy vọng cả hai vắcxin cúm này sẽ được cấp phép lưu hành trong năm 2019.
Một trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch được điều trị.
|
Đây là vắcxin cúm mùa bất hoạt tam giá phòng 3 chủng cúm gồm A/H1N1, A/H3N2, B và vắcxin cúm tiền đại dịch bất hoạt A/H5N1 - một loại chủng cúm gia cầm đã rải rác lây truyền sang người trong những năm qua.
Kết quả này thu được sau 9 năm hợp tác quốc tế của Bộ Y tế cũng như IVAC nhằm nâng cao năng lực sản xuất vắcxin và khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam.
Tiến sỹ Lê Văn Bé cho biết thêm, các kết quả chung cho thấy, cả hai loại vắcxin đều an toàn và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế được thành lập năm 1978 theo quyết định của Bộ Y tế, có nhiệm vụ lập kế hoạch và thực hiện việc sản xuất vắcxin và huyết thanh cho Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam cũng như phòng chống và điều trị bệnh tật nói chung.
Cơ sở chính của Viện đóng tại Nha Trang (Khánh Hòa), lấy bộ phận sản xuất vắcxin và huyết thanh của Viện Pasteur Nha Trang làm nền tảng (bộ phận này do bác sỹ Alexandre Yersin thành lập năm 1895). Trong một thời gian dài, đây là cơ sở sản xuất vắc xin và huyết thanh quan trọng nhất ở Việt Nam.
Cúm mùa - một bệnh do vi rút gây bệnh đường hô hấp từ thể nhẹ đến nặng và đôi khi có thể tử vong, là nguyên nhân gây ra tới 650.000 ca tử vong và khoảng 3 - 5 triệu trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng trên toàn thế giới hàng năm.
Thực tế cho thấy, các chủng cúm có sức hủy diệt mạnh mẽ, xuất hiện và gây ra các đợt bùng phát lan rộng ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới.
Đại dịch cúm lớn xảy ra gần đây có tác động đến Việt Nam là đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, kéo dài trong vòng 12 tháng, đã gây ra hơn 284.000 ca tử vong trên toàn thế giới, trong đó có 78.000 người ở khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam từ trước tới nay đã thiếu nguồn cung cấp vắcxin cúm bền vững và buộc phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài. Cách tốt nhất để đảm bảo sự tiếp cận chủ động của Việt Nam sẵn sàng các loại vắcxin cứu sống con người là thông qua việc sản xuất vắcxin cúm mùa với giá cả phải chăng.
Từ đó, giúp duy trì năng lực sản xuất liên tục, làm tăng khả năng chuẩn bị ứng phó đại dịch do việc dễ dàng chuyển đổi từ sản xuất vắcxin cúm mùa sang sản xuất vắcxin cúm đại dịch nếu cần.
Từ năm 2010, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Program for Appropriate Technology in Health - PATH) đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam xây dựng kế hoạch dài hạn liên quan đến sản xuất và sử dụng vắcxin cúm, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng và đăng ký vắcxin cúm.
Thông qua đó, PATH hỗ trợ Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế phát triển sản xuất vắcxin cúm mùa và cúm tiền đại dịch sử dụng công nghệ trứng gà có phôi.
PATH cũng hỗ trợ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắcxin và Sinh phẩm số 1 phát triển vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1 bất hoạt sử dụng công nghệ nuôi cấy trên tế bào.
Sau quá trình nghiên cứu, giữa năm 2017 và 2018, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 vắc xin cúm mùa của Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế để phòng 3 chủng cúm và vắcxin cúm A/H5N1 đã hoàn thành, đây là đánh giá cuối cùng trước khi các vắcxin có thể được cấp phép để lưu hành.
Các thử nghiệm lâm sàng đã đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của cả hai loại vắc xin ở người trưởng thành khỏe mạnh. Kết quả tổng thể cho thấy các vắcxin được dung nạp tốt và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch bảo vệ.
Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế đang trong quá trình nộp hồ sơ xin đăng ký lưu hành cho cả vắc xin cúm mùa và vắcxin cúm tiền đại dịch A/H5N1 vào năm 2019.
"Chín năm qua là một hành trình lớn lao đối với sự phát triển thành công vắcxin cúm mùa và cúm đại dịch với chất lượng cao, an toàn và hiệu quả tại Việt Nam," tiến sỹ Nguyễn Tuyết Nga, quyền Trưởng đại diện PATH khu vực Mekong cho biết.
"Những vụ bùng phát dịch của các bệnh truyền nhiễm không những đe dọa sức khỏe của cá nhân và mỗi gia đình mà còn nhanh chóng tác động xấu đến sự tăng trưởng và phát triển của một quốc gia. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh sức khỏe toàn cầu là một ưu tiên lớn của PATH. Tôi hoan nghênh sự tích cực và cam kết của các đồng nghiệp từ Bộ Y tế, IVAC và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của Việt Nam trong công cuộc giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch trong tương lai,” tiến sỹ Nguyễn Tuyết Nga cho hay.
Tiến bộ đáng kể trong việc việc sản xuất vắcxin cúm bền vững đã thiết lập vị trí của Việt Nam trở thành một nhà tiên phong trong phát triển và sản xuất vắc xin trong số các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Những nỗ lực của Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế trong việc tự sản xuất vắc xin cúm trong nước không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vắc xin cúm trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi các nguồn phát triển và sản xuất vắc xin cúm của thế giới tập trung chủ yếu ở một số lượng hạn chế, chủ yếu ở các nhà sản xuất, việc sản xuất vắc xin toàn cầu hiện không đáp ứng được nhu cầu sử dụng khiến nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp không thể tiếp cận được với vắc xin.
Sự tham gia của nhiều nhà cung cấp vắc xin cúm như Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế là rất quan trọng để giải quyết một cách bền vững sự thiếu hụt này.
Thông tin từ Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế cho biết, hồi cuối tháng 8 vừa qua, tại một cuộc hội thảo về dự án sản xuất vắcxin cúm mùa ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế thông báo vắcxin cúm mùa do Việt Nam sản xuất thành công đã có đơn hàng đầu tiên của Tổ chức Y tế thế giới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam là một trong 14 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới đặt hàng cơ sở sản xuất vắcxin cúm mùa phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới.
Các tin khác
Các nhà khoa học từ Đại học Leeds và Viện nghiên cứu ung thư ở London đã phát hiện cơ chế làm tăng hiệu quả của thuốc chữa một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất - khối u ác tính, kết quả nghiên cứu công bố trên cổng MedicalXpress.
0h00 ngày 18/9, VNPT tiếp tục thực hiện chuyển đổi 2,3 triệu thuê bao VinaPhone đầu số 0127 về đầu số 081. Hiện các thuê bao đầu số 0127 đã có thể nhắn tin, gọi điện liên mạng, nội mạng hoặc đăng ký sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng, song song với đầu số mới 081.
Vừa qua, trong khuôn khổ Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam lần thứ 13 (PHARMEDI 2018), Công ty CP Quốc tế Việt Nam Nhật Bản (JVI) phối hợp Công ty Cổ phần ADPEX và một số tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức Tọa đàm "Các biện pháp phòng chống Ung thư và bệnh tim mạch – Thành tựu trong y tế dự phòng Nhật Bản,” tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bắt đầu 0h ngày 15/9, tức sáng sớm ngày mai, các nhà mạng sẽ thực hiện việc chuyển đầu số từ 11 số về 10 số đúng theo kế hoạch của Bộ Thông tin & Truyền thông. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất và sẵn sàng để chuyển đổi.