Nhằm đẩy mạnh các hoạt động về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh và giúp các địa phương, các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Yên Bái đã có nhiều văn bản gửi UBND các huyện, thị, thành phố về việc tăng cường sự phối hợp và hướng dẫn thủ tục đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHTT cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn theo đúng quy định.
Trên cơ sở Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ngày 24/4/2015 quy định quản lý nhà nước (QLNN) về hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Việc ban hành văn bản quy phạm trên nhằm tăng cường công tác QLNN về SHTT, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động SHTT và đẩy mạnh hoạt động phát triển tài sản trí tuệ tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc tham mưu, ban hành các văn bản về SHTT, Sở KH&CN đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về SHTT tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn từ 2015-2018, Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu đào tạo (Cục SHTT) tổ chức 10 hội nghị, hội thảo, tập huấn SHTT và bảo hộ quyền SHTT các sản phẩm đặc sản của địa phương cho hơn 400 đại biểu là cán bộ các sở, ngành có liên quan, cán bộ làm công tác KH&CN ở các địa phương và tổ chức, doanh nghiệp, hội sản xuất, hợp tác xã... trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, tạo ra động lực mạnh mẽ khuyến khích và thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia đăng ký bảo hộ quyền SHTT, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tính đến thời điểm tháng 11/2018, trên địa bàn tỉnh có 298 đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT, trong đó có 269 đơn đăng ký nhãn hiệu (259 nhãn hiệu, 7 nhãn hiệu tập thể, 3 nhãn hiệu chứng nhận), 17 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 10 đơn sáng chế/ giải pháp hữu ích, 2 đơn chỉ dẫn địa lý.
Đến nay, Cục SHTT đã cấp 168 văn bằng bảo hộ quyền SHTT cho các tập thể, cá nhân có đơn đăng ký, trong đó 147 văn bằng nhãn hiệu (137 nhãn hiệu thường, 7 nhãn hiệu tập thể, 3 nhãn hiệu chứng nhận), 12 văn bằng kiểu dáng công nghiệp, 7 văn bằng sáng chế/ giải pháp hữu ích, 2 văn bằng chỉ dẫn địa lý.
Đặc biệt, 12 sản phẩm đặc sản của các địa phương trong tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ SHTT gồm: 2 chỉ dẫn địa lý (quế Văn Yên và gạo Mường Lò); 3 nhãn hiệu chứng nhận (chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh, sơn tra Mù Cang Chải) và 7 nhãn hiệu tập thể như: cam Lục Yên, cam Văn Chấn, miến đao Giới Phiên, gạo nếp Tú Lệ, gạo Bạch Hà...
Thực tiễn việc quản lý, phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản đã được bảo hộ quyền SHTT của tỉnh đã thu nhiều kết quả khả quan, các mô hình mẫu về quản lý và phát triển đã được vận hành vào thực tế và mang lại hiệu quả, cụ thể như: mô hình quản lý Nhãn hiệu tập thể miến đao Giới Phiên, mô hình quản lý Nhãn hiệu chứng nhận chè Suối Giàng…
Do làm tốt công tác QLNN về SHTT mà trên địa bàn tỉnh chưa có vụ vi phạm quyền SHTT nào bị xử lý bằng hình thức dân sự hoặc hình sự thông qua tòa án. Đây là cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh xây dựng thương hiệu mạnh, xác lập bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ tài sản trí tuệ trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Nguyễn Thanh Sơn (Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái)