Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Chiến lược định hướng sự phát triển của hệ thống SHTT Việt Nam trong giai đoạn tới, theo 3 quan điểm chỉ đạo lớn; 5 nhóm mục tiêu phấn đấu và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện.
Tại Yên Bái, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chuyên môn, tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về KH&CN, trong đó có hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực SHTT. Trong những năm qua, Sở KH&CN đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực SHTT trên địa bàn tỉnh.
Sở đã phối hợp với các ban, ngành, các địa phương, các đơn vị tổ chức thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về SHTT; tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.
Thông qua các dự án được triển khai thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), đã tạo ra một hướng đi mới cho địa phương trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tạo dựng và phát triển TSTT, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản của địa phương; chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh...
Để thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược SHTT Chính phủ đề ra. Sở KH&CN tập trung đẩy mạnh và từng bước nâng cao hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ về SHTT, nhằm giúp các địa phương, các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác và phát triển TSTT.
Kết quả năm 2019, đã tăng cường sự phối hợp với các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục SHTT) tổ chức ba hội nghị tập huấn về "Xác lập, quản lý, khai thác và phát triển TSTT cho sản phẩm đặc sản địa phương" với hơn 140 đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh.
Tư vấn và hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký bảo hộ quyền SHTT, góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh trên thị trường. Kết quả, có 10 tổ chức, cá nhân đã gửi hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với 1 kiểu dáng công nghiệp và 9 nhãn hiệu.
Cùng với thực hiện Đề án, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, là một trong những hướng đi trọng tâm, cần thiết, góp phần mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa... Sở KH&CN đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì triển khai thực hiện 8 dự án về bảo hộ SHTT cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản của địa phương.
Bao gồm 5 dự án về xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận: "Cá hồ Thác Bà" cho sản phẩm cá của hồ Thác Bà, "Gà xương đen Mù Cang Chải" tỉnh Yên Bái, "Vịt bầu Lâm Thượng” huyện Lục Yên, "Khoai sọ nương Trạm Tấu" tỉnh Yên Bái và nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm được sản xuất và chế biến từ cây quế Văn Yên, tỉnh Yên Bái; 1 dự án về xây dựng Nhãn hiệu tập thể "Thịt hun khói Mường Lò” cho sản phẩm thịt hun khói của vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái; 2 dự án xây dựng Chỉ dẫn địa lý "Măng tre Bát độ Yên Bái", "Mật ong Mù Cang Chải".
Sở phối hợp thực hiện Dự án "Bảo hộ và quản lý Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ba ba gai Văn Chấn - Yên Bái" thuộc Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2016-2020, sử dụng nguồn ngân sách Trung ương, hiện dự án này đang được triển khai thực hiện.
Đến hết năm 2019, tỉnh Yên Bái đã có 17 sản phẩm của tỉnh được bảo hộ SHTT, gồm: chỉ dẫn địa lý 3 sản phẩm là quế Văn Yên, gạo Mường Lò, măng tre Bát độ; nhãn hiệu chứng nhận 6 sản phẩm: chè Suối Giàng- Yên Bái, sơn tra - Mù Cang Chải, bưởi Đại Minh - Yên Bình, cá hồ Thác Bà, gà xương đen - Mù Cang Chải, vịt bầu - Lâm Thượng).
Nhãn hiệu tập thể gồm 8 sản phẩm: cam Lục Yên, cam Văn Chấn, gạo Bạch Hà - Yên Bình, gạo Nếp Tú Lệ - Văn Chấn, miến đao - Giới Phiên, gạo Hương Chiêm - Đại Phú An, thịt hun khói Mường Lò, hồng chùm không hạt - Lục Yên).
Thực hiện Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quy định về công nhận sáng kiến trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Quyết định số 15/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh. Sở KH&CN là cơ quan thường trực của Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh, năm 2019 đã hướng dẫn, tiếp nhận 67 hồ sơ đề nghị xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh; tham mưu tổ chức 26 Hội đồng xét duyệt hồ sơ sáng kiến cấp tỉnh.
Kết quả, 41 sáng kiến được Hội đồng thông qua, trình UBND tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh, trong đó 32 sáng kiến thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, 9 sáng kiến thuộc lĩnh vực khác. Song song đó, Sở KH&CN thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về SHTT trên địa bàn tỉnh.
Năm 2019, đã xử lý hành chính 31 vụ có hành vi xâm phạm về sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Số sản phẩm bị xử lý là 9.361 sản phẩm các loại, trị giá hàng tiêu hủy trên 171 triệu đồng, xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước trên 197 triệu đồng. Các đối tượng vi phạm về SHTT chủ yếu là vi phạm về nhãn hiệu.
Hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần giúp cho một số cá nhân, tập thể đăng ký quyền SHTT các sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của địa phương, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhiều trong thời kỳ hội nhập.
Việc xúc tiến, quảng bá cho thương hiệu đã được bảo hộ còn hạn chế; Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh mới chỉ là bước đầu, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác tạo lập, quản lý và phát triển TSTT, đặc biệt là tổ chức các mô hình mẫu về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý, Quy chế sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm; hệ thống tuyên truyền, quảng bá nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực nhưng do chưa quan tâm đến việc bảo hộ và phát triển thương hiệu của mình, dẫn đến tình trạng đánh mất thị trường tiêu thụ hoặc giảm giá trị danh tiếng của sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của SHTT với hoạt động của doanh nghiệp, chưa coi giá trị tài sản SHTT là một bộ phận cấu thành tài sản của doanh nghiệp, hoặc chưa chú trọng chăm lo phát triển TSTT, phát triển thương hiệu, dẫn đến tình trạng tài sản có giá trị bị chiếm đoạt do không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…
Vì vậy, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu, triển khai đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách, pháp luật SHTT và lợi ích, giá trị của TSTT đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng, quản lý và phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh thông qua các hoạt động; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tăng cường tiềm lực cho công tác SHTT; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương trong kiểm tra, thanh tra SHTT, giám định, chống hàng giả, chống gian lận thương mại, chống vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng trên địa bàn tỉnh theo quy định...
Từ đó, dần khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Trần Ngọc Thư (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái)