Đây là những sản phẩm nông nghiệp tiềm năng để huyện đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhằm xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của huyện.
Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, với trên 90% dân số là đồng bào Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên riêng có, huyện đã có nhiều sản phẩm nông sản đặc sản có thể phát triển trở thành nông sản hàng hóa.
Đồng chí Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện cho biết: để nâng cao giá trị hàng hóa, hàng năm, huyện chỉ đạo làm tốt việc tuyên truyền phổ biến, triển khai áp dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
Theo đó, trong 5 năm qua, huyện đã xây dựng được 35 mô hình về phát triển nông nghiệp; trong đó, có 20 mô hình trồng trọt, 15 mô hình chăn nuôi; tổ chức 190 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) cho 6.400 nông dân; quan tâm tổ chức các hội nghị đầu bờ, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác trực tiếp ngoài ruộng cho 52.500 lượt nông dân.
Đồng thời, huyện cũng làm tốt việc quản lý vật tư nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng suất lao động cho người dân.
Cùng đó, huyện bước đầu triển khai các mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất nông - lâm nghiệp, giáo dục, y tế và các lĩnh vực chuyên môn khác; chú trọng bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã triển khai ứng dụng 6 đề tài khoa học với kinh phí là 1,7 tỷ đồng. Cơ bản các mô hình phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân như: xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận Mù Cang Chải cho sản phẩm quả sơn tra; xây dựng mô hình trồng rừng phòng hộ bằng các loại cây lâm nghiệp bản địa (cây sơn tra và cây thông) nhằm tăng thu nhập cho người dân và hạn chế cháy rừng.
Ứng dụng tiến bộ KHKT xây dựng mô hình trồng cây Atiso, tại xã La Pán Tẩn; mô hình thâm canh cây su su lấy ngọn tại xã Chế Cu Nha và thị trấn Mù Cang Chải; mô hình nuôi thỏ giống NewZealand tại xã Khao Mang và Hồ Bốn; nghiên cứu, chế tạo hệ thống sấy nông sản quy mô hộ gia đình, sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ vào sản xuất và đời sống; tập trung xây dựng các mô hình tạo ra sản phẩm có giá trị tăng cao, có tính cạnh tranh trên thị trường; xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh đưa công nghệ mới vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực, hiệu quả sản xuất; tăng cường thu hút các dịch vụ tư vấn về KHCN vào địa bàn.
Đồng thời, quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả việc ứng dụng KHCN trong các cơ quan, đơn vị; xây dựng các chương trình khoa học, các đề tài, dự án nghiên cứu phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương; ưu tiên, lựa chọn các sản phẩm chủ lực có số lượng lớn, chất lượng cao để thực hiện Chương trình OCOP.
Thực hiện hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm để không ngừng nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng chủ lực của huyện nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Hà Anh