Xuất phát từ trăn trở về một sản phẩm sạch và an toàn, đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản vật địa phương, giúp người dân bản địa gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cách đây hơn một năm, trong tiết trời đông giá, một nhóm học sinh của Trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình gồm 5 thành viên: Nguyễn Anh Kiệt, Đỗ Vũ Duy Anh, Hoàng Đức Hải, Nguyễn Vũ Tuấn Hùng, Nguyễn Phương Anh do Thạc sĩ Sinh học Nguyễn Thị Oanh - giáo viên Trường THPT Trần Nhật Duật hướng dẫn đã thực hiện Dự án "Sản xuất sữa thực vật từ hạt ngô tím nảy mầm bản địa Yên Bái” (gọi tắt là Dự án).
Ngô tím (hay còn gọi là ngô xám mi ni) là giống ngô đặc sản, nông sản sạch của đồng bào dân tộc Mông Mù Cang Chải, được trồng nhiều nhất ở xã Hồ Bốn với diện tích gần 50 ha. Ngô ăn dẻo, thơm, ngọt, bùi, khá đặc biệt so với các loại ngô khác.
Với mục tiêu tạo ra dòng sản phẩm sữa hạt ngô tím nảy mầm có hàm lượng dinh dưỡng cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, nhóm thực hiện Dự án đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu để tạo ra bí quyết về quy trình công nghệ sản xuất, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và tìm hiểu về đối tượng khách hàng.
Nguyễn Anh Kiệt - học sinh lớp 12A3, thành viên Dự án khẳng định: "Dự án của chúng em đã đánh giá được giá trị dinh dưỡng của nguyên liệu thông qua nghiên cứu các chỉ tiêu hóa sinh tại Phòng thí nghiệm của Trường Đại học Hùng Vương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong hạt ngô tím nảy mầm có hàm lượng tinh bột, protein, lipid thấp hơn trong hạt khô nhưng có hàm lượng aminnoacid, anthocyamin cùng một số nguyên tố khoáng cao hơn. Đặc biệt, trong sữa ngô tím nảy mầm có chứa Anthocyanin (các loại hạt khác không có) đây là hợp chất hữu cơ tự nhiên, có tác dụng chống lão hóa, ngăn ngừa sự phát triển tế bào ung thư, kháng viêm, chống béo phì, tim mạch, tiểu đường và một số bệnh lý khác”.
Với những ưu điểm vượt trội, hiện tại, việc sản xuất sữa ngô tím nảy mầm không chỉ còn là ý tưởng mà đã được đưa vào hoạt động kinh doanh thử nghiệm tại một số địa phương, đơn vị trong tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Thực tế hiện nay, thói quen sử dụng các sản phẩm thực phẩm giàu dinh dưỡng, có nguồn gốc từ thiên nhiên đang là xu hướng của cuộc sống hiện đại. Việc cho ra đời sản phẩm sữa ngô tím nảy mầm đã không chỉ góp phần đa dạng thêm khẩu phần ăn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị cho sản phẩm ngô tím bản địa mà hơn thế nếu Dự án được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp, các ngành chức năng của tỉnh trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư vốn, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu thì chắc chắn trong tương lai không xa, sản phẩm sữa ngô tím nảy mầm sẽ trở thành mặt hàng thương hiệu của Yên Bái, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng cao nói riêng và thu nhập cho người dân Yên Bái nói chung.
Vượt qua hơn 100 Dự án dự thi trong cả nước, vừa qua, Dự án "Sản xuất sữa thực vật từ hạt ngô tím nảy mầm bản địa Yên Bái” đã lọt vào vào "top” 10 dự án Khối học sinh tham dự vòng chung kết chặng 2 Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và giành được giải Khuyến khích.
Trước đó, Dự án đã giành giải Nhất tại Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tỉnh Yên Bái lần thứ Nhất, năm 2020” và giải Nhì tại Cuộc thi "Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019 - 2020”.
Hồng Oanh