6 năm thực hiện mô hình "Làng thông minh thích ứng với BĐKH”, người dân ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng thông minh, bền vững thích ứng với BĐKH, nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT.
Theo đó, các giải pháp đã được người dân ủng hộ và hăng hái thực hiện như: canh tác tổng hợp trên đất trồng sắn, trồng xen bạch đàn, keo với sắn để cải thiện độ phì đất, linh hoạt cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi lúa sang sản xuất rau sạch, mô hình kết hợp chè - cà phê - cỏ chăn nuôi - cây ăn quả, ủ phân nuôi giun quế, nuôi gà trên đệm lót sinh học, chăn nuôi bán công nghiệp…
Các giải pháp này đều tạo ra một quy trình khép kín, các nhân tố trong quy trình đều được tận dụng triệt để mà lại đơn giản, dễ áp dụng, tính thực tiễn cao vừa giúp giảm thiểu lượng khí thải nông nghiệp vừa đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng thôn Mạ cho biết: "Bây giờ nuôi gà, nuôi trâu, bò, lợn mà không nuôi giun quế, làm đệm lót hay sử dụng chế phẩm sinh học thì không được, mùi hôi thối ấy không chỉ ảnh hưởng đến chính gia đình mà còn là nguồn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chúng tôi đều hiểu và tự giác làm theo”.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều mô hình, dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm đưa ra các giải pháp giảm nhẹ tác động của BĐKH, góp phần BVMT. Giai đoạn 2016-2020, trong các nhiệm vụ khoa học triển khai thực hiện mới có 1 nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến BVMT, BĐKH là "Nghiên cứu, chế tạo lò đốt chất thải y tế ở các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái”.
Còn lại phần lớn là các nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, có tác động gián tiếp bằng cách phổ cập tri thức để ổn định sinh kế nhằm ứng phó với BĐKH tại địa phương, tạo ra những cơ hội việc làm mới do BĐKH mang lại như: dự án áp dụng quy trình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ vi sinh cho sản xuất lúa chất lượng cao; mô hình ứng dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn; các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo vệ tài nguyên đất dốc; mô hình cộng đồng thích ứng với BĐKH…
Từ việc ứng dụng các mô hình, nhiều cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với BĐKH được đưa vào sản xuất như: giống lúa Nghi hương 305, Bắc Hương 9, Thiên ưu 8, Hương chiêm, các giống lúa chịu lạnh JO1, JO2, ĐS1, giống lúa chịu hạn: CH19, CH20; các giống ngô: NK66, AG59, CP3Q, ngô nếp MX4, MX10, CP511…
Ngoài ra, nhiều hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng đang được triển khai trong nông nghiệp như: thực hiện các dự án phát triển sạch CDM, trong đó, ưu tiên thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc phát triển trồng và bảo vệ rừng, chống suy thoái rừng và tạo sinh kế cho cộng đồng; Chương trình phát triển khí sinh học với trên 8.000 hộ chăn nuôi và trang trại đang áp dụng xử lý chất thải ngành chăn nuôi bằng biogas bạt, hầm biogas cung cấp khí đốt cho việc đun nấu và thắp sáng trong gia đình.
Về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn do các hộ dân tự đầu tư xây dựng ở các xã, phường Minh Bảo, Hợp Minh, Giới Phiên, Văn Tiến (thành phố Yên Bái) áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới tiết kiệm trong nhà lưới, nhà kính phục vụ diện tích tưới cho các loại cây ăn quả, rau màu, hoa với tổng diện tích 17,25 ha.
Có thể thấy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, các kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp không chỉ góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập mà còn tăng khả năng phục hồi trước tác động tiêu cực của BĐKH, sự thay đổi bất thường của thời tiết; giảm nhẹ sự ấm lên toàn cầu bằng cách giảm khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Hoài Anh