Năm 2021, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, do sự ảnh hưởng áp thấp nóng phía Tây gây ra các đợt nắng nóng diện rộng, xen kẽ là các đợt mưa vừa, mưa to (cần đề phòng tố lốc, mưa đá, dông sét).
Nhiệt độ ngoài trời cao nhất có thể lên tới 38 - 40oc; nắng nóng kéo dài làm thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi thủy sản như nhiệt độ, oxy hòa tan… dẫn đến động vật thủy sản (tôm, cá…) bị sốc, phát sinh bệnh hoặc có thể gây chết hàng loạt làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.
Để chủ động phòng, chống nắng nóng, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất có thể gây ra đối với động vật thủy sản, người nuôi cần làm tốt một số nội dung sau:
1. Quản lý tốt môi trường nuôi:
+ Đối với ao nuôi: Kiểm tra bờ, cống ao tránh rò rỉ mất nước, đảm bảo mực nước trong ao nuôi từ 1,5 m trở lên. Đối với những ao nước thấp không có điều kiện bơm kích nước có thể thả các loài cây thủy sinh như: bèo tây xung quanh ao để làm chỗ trú nóng cho cá, diện tích bèo không quá 20% diện tích mặt nước ao và phải quây chặt, gọn không cho bèo trôi tản trên mặt ao ảnh hưởng oxy trong ao nuôi.
+ Đối với ruộng nuôi: Độ sâu mực nước của mương, chuôm đảm bảo từ 1,5- 1,8m, bờ ruộng phải được nén chặt, tránh rò rỉ gây thất thoát nước, chủ động được nguồn nước cấp để có thể dâng mực nước lên mức cần thiết.
+ Đối với các bể nuôi thủy sản: Cần có mái che, ngăn chặn bức xạ nhiệt hoặc nước mưa xuống bể. Làm mát bằng cách phủ rơm rạ hoặc có thể trồng các loại cây dây leo phủ kín mái; chủ động nguồn nước cấp khi cần thiết.
2. Mật độ cá thả nuôi:
- Mật độ cá thả nuôi thương phẩm với hình thức nuôi ghép các đối tượng nuôi truyền thống (cá mè, trôi, trắm, chép…) nuôi theo hình thức bán thâm canh mật độ thường 2 - 3 con/m2 ao. Còn đối với các đối tượng khác thì tùy vào hình thức nuôi, điều kiện môi trường ao nuôi và khả năng đầu tư thức ăn mà có mật độ khác nhau phù hợp cho từng đối tượng.
Chú ý: Khi vận chuyển cá phải chọn thời tiết có nhiệt độ thích hợp (sáng sớm hoặc chiều tối), nếu nhiệt độ quá cao, phải có biện pháp xử lý hạ nhiệt bằng cách dùng đá lạnh.
3. Chăm sóc cá nuôi:
- Quản lý lượng thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước. Trộn vitamin C vào thức ăn với lượng 30 gam/100kg cá mỗi ngày (cho ăn liên tục 5 - 7 ngày) để phòng bệnh cho cá, giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sự thay đổi đột ngột của môi trường, tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chịu với sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Giảm lượng thức ăn khi nhiệt độ nước cao; ngừng cho cá ăn khi nhiệt độ môi trường trên 40oC.
- Tăng cường sử dụng các loại máy quạt nước, máy phun mưa… cả ban ngày lẫn ban đêm để đảo nước tạo oxy cho ao, đảm bảo oxy cho cá tránh hiện tượng ngạt khí; giảm nhiệt độ nước tránh hiện tượng phân tầng nước…
- Vào mùa hè, giờ nắng trong ngày nhiều hơn, nhiệt độ không khí cao hơn, dẫn đến tình trạng tảo phát triển mạnh gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường ao nuôi. Do đó, cần thay nước định kỳ nửa tháng 1 lần, mỗi lần thay khoảng 30% lượng nước trong ao, duy trì màu nước ao nuôi có màu xanh nõn chuối trong suốt quá trình nuôi.
Đối với những ao không thể thay được nước thì nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường như: PROBIOTIC, LACTO… Bên cạnh đó, có thể treo túi vôi tại khu vực cho ăn hoặc đặt bao vôi đầu nguồn nước cấp để tẩy trùng cho ao.
- Tuyệt đối không xả thải phân chuồng trực tiếp xuống ao nuôi; hạn chế kéo cá để tránh xây xát, gây bệnh cho cá.
- Định kỳ 3 tháng cho cá ăn thuốc phòng 1 lần bằng thuốc Tiên Đắc I (Trung Quốc) với lượng 10g thuốc/50kg cá/ ngày, cho cá ăn 3 ngày liên tục.
* Cách cho ăn: Dùng cám ngô + cám gạo + bột sắn nấu chín đổ ra nong nia để nguội trộn thuốc đều vào thức ăn; sau đó, cho vào sàn cho cá ăn.
* Chú ý: Trước khi cho cá ăn thuốc phòng phải ngừng cho cá ăn trước 1 ngày cho cá đói để sử dụng hết lượng thức ăn.
Nguyễn Thị Xuân (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)