Để mở rộng và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm đáp ứng mục tiêu mở rộng diện tích dâu của toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 2.100 ha theo Đề án phát triển trồng dâu, nuôi tằm của tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, việc cải tiến giống dâu, giống tằm và áp dụng các giải pháp kỹ thuật trồng và thâm canh cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm thích hợp để nâng cao năng suất, chất lượng lá dâu, kén tằm là cấp thiết. Bởi vậy, từ năm 2019-2020, nhiệm vụ khoa học công nghệ "Nghiên cứu tính thích ứng của một số giống tằm tiến bộ phục vụ phát triển sản xuất dâu, tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên” được triển khai đã giúp tỉnh chọn lọc các giống tằm tiến bộ và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây dâu, con tằm phù hợp với điều kiện sản xuất.
Nhằm lựa chọn được giống tằm có năng suất cao phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện Trấn Yên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi thử nghiệm 4 giống tằm lưỡng hệ kén trắng do Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương chọn tạo gồm BT1218, GQ2218, GQ9312, GQ1235 và 1 giống Trung Quốc (đang được dùng đại trà trên địa bàn tỉnh) làm đối chứng.
Thí nghiệm được bố trí nuôi tằm với 3 lứa: vụ hè từ tháng 7 - 8 năm 2019; vụ thu từ tháng 9 - 10 năm 2019; vụ xuân từ tháng 3 - 5 năm 2020. Mỗi lứa nuôi 5 giống, mỗi giống 5 vòng trứng (tổng số 25 vòng trứng/lứa).
Thông qua các hoạt động nghiên cứu theo từng điều kiện tác động đến tỷ lệ trứng nở, thời gian phát dục, tỷ lệ nhiễm bệnh, năng suất kén, tỷ lệ nhộng sống, chất lượng kén, hiệu quả kinh tế… đã cho thấy giống GQ1235 có năng suất cao nhất đạt từ 15,87 kg đến 16,43 kg, bình quân 16,09 kg/vòng trứng; hiệu quả kinh tế tăng 21,79 triệu đồng/ha dâu, chất lượng tơ kén gần tương đương với giống đối chứng Trung Quốc, nuôi tốt ở cả 3 vụ xuân - hè - thu. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn giống tằm GQ1235 để đưa vào mô hình nuôi tằm tại huyện Trấn Yên.
Mô hình tiếp tục được thực hiện tại 2 xã Tân Đồng và Việt Thành. Mỗi xã có 15 hộ dân tham gia mô hình, trong đó 13 hộ nuôi giống GQ1235 và 2 hộ nuôi giống Trung Quốc (đối chứng) với tổng số 240 vòng trứng. Kết quả tính toán hiệu quả kinh tế khi nuôi 1 vòng trứng cho thấy giống GQ1235 với năng suất kén đạt 15,57 kg/vòng cho thu nhập là 1.557.000 đồng.
Do tiêu hao lá dâu/kg kén tươi của giống Trung Quốc cao hơn nuôi giống tằm GQ1235 nên tiền chi phí tăng thêm từ lá dâu là 109.200 đồng/vòng trứng. Như vậy, nuôi giống tằm GQ1235 cho thu nhập cao hơn nuôi giống Trung Quốc là 262.200 đồng/vòng trứng, thu nhập đạt 186,84 triệu đồng/ha, tăng 18,36 triệu đồng so với nuôi giống Trung Quốc.
Ngoài ra, trên cơ sở quy trình kỹ thuật nuôi tằm của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, căn cứ vào các kết quả nghiên cứu, thực nghiệm của đề tài trên địa bàn huyện Trấn Yên, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện bản hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm, có bổ sung thêm 5 điểm so với bản hướng dẫn của Trung tâm để phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện Trấn Yên như: bổ sung kỹ thuật nuôi tằm lớn trên nền nhà bằng dâu cắt cả cành, kỹ thuật cho tằm chín lên né, sát trùng nền nhà nuôi tằm lớn và kỹ thuật phòng trị bệnh vi khuẩn hại tằm.
Nhóm nghiên cứu cũng đã tổ chức 2 lớp tập huấn tại 2 xã Tân Đồng và Việt Thành với nội dung được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực trên cơ sở bổ sung kết quả các nghiên cứu triển khai trên địa bàn được người dân quan tâm, hưởng ứng; giúp người dân tiếp thu và nắm bắt được kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh hại tằm.
Việc nghiên cứu nuôi thử nghiệm các giống tằm mới trên diện rộng trong sản xuất, nhằm đánh giá tính thích ứng của giống mới với điều kiện sinh thái của huyện Trấn Yên là việc làm cần thiết và có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn. Việc lựa chọn nuôi giống tằm được chọn tạo trong nước sẽ giúp chủ động nguồn trứng tằm giống, không bị lệ thuộc vào trứng tằm giống nhập của Trung Quốc, tránh được rủi ro do nhập trứng giống qua con đường tiểu ngạch, kiểm soát được dịch bệnh và chủ động được kế hoạch sản xuất.
Nguyễn Anh