Con người đã đeo vòng cổ, vòng tay, khuyên tai và các loại trang sức khác từ thời xa xưa. Tuy nhiên, việc phát hiện hàng chục hạt trang sức làm từ vỏ ốc biển trong hang Bizmoune, miền tây Morocco, cho thấy tập tục này xuất hiện sớm hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học từng nghĩ. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 22/9.
Nhà nhân chủng học Steven Kuhn tại Đại học Arizona phối hợp với các nhà nghiên cứu từ Viện Di sản và Khoa học Khảo cổ Quốc gia Morocco tiến hành các chuyến khai quật từ năm 2014 - 2018 tại hang Bizmoune và tìm thấy tổng cộng 33 hạt trang sức làm từ vỏ ốc biển. Chúng có niên đại 142.000 - 150.000 năm, là trang sức cổ xưa nhất từng được phát hiện trên thế giới.
Các mảnh vỏ ốc rộng khoảng hơn 1 cm với lỗ tròn đục ở giữa. Chúng có dấu vết bị mòn bên trong, nghĩa là có thể từng xâu vào vòng cổ hoặc vòng tay và được sử dụng thường xuyên. "Các hạt trang sức có thể là một cách để người xưa thể hiện danh tính của mình qua trang phục. Chúng cho thấy điều này đã xuất hiện từ hàng trăm nghìn năm trước, và con người quan tâm đến việc giao tiếp với những nhóm lớn hơn là chỉ gia đình và bạn bè thân cận", Kuhn cho biết.
33 hạt trang sức trong hang Bizmoune cũng giống với nhiều hạt khác được tìm thấy tại châu Phi, nhưng những mẫu vật trước đó có niên đại không quá 130.000 năm. Toàn bộ số hạt ở Bắc Phi đều thuộc nền văn hóa Aterian. Những di chỉ sớm nhất của nền văn hóa này tồn tại từ 150.000 năm trước và muộn nhất là 20.000 năm trước.
Trang sức hạt mà người Aterian chế tạo và sử dụng có khả năng là một hình thức giao tiếp không lời, theo Kuhn. Các nhà nhân chủng học không chắc chắn về thời điểm ngôn ngữ xuất hiện, nên có thể người Aterian hoàn toàn dựa vào các phương pháp không lời để chia sẻ thông tin.
Kuhn tin rằng thông điệp hoặc ý nghĩa của hạt trang sức rất quan trọng và trường tồn với thời gian, vì người Aterian lựa chọn tạo ra những vật trang trí có thể tồn tại lâu dài để truyền tải thông điệp đó. Trong khi đó, người tiền sử thường tô điểm cho khuôn mặt và cơ thể bằng than hoặc thổ hoàng cho các mục đích nghi lễ hoặc giao tiếp, nhưng chúng chỉ mang tính tạm thời.
Kuhn cùng đồng nghiệp không rõ chính xác người Aterian muốn truyền tải điều gì với trang sức của mình. Giả thuyết thứ nhất là hạt trang sức đóng vai trò giống như thẻ tên hoặc huy hiệu nhận dạng. Những cá nhân, gia đình, thị tộc hoặc làng xóm khác nhau có thể muốn trở nên dễ phân biệt, nhất là khi số lượng dân cư trong vùng tăng lên cùng với sự phát triển của thời kỳ Đồ Đá.
Giả thuyết thứ hai, trang sức hạt là một biểu tượng cho địa vị. Tùy thuộc vào thiết kế, các hạt vỏ ốc có thể giúp người có quyền lực về chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế, tâm linh hoặc y học trở nên khác biệt. Một khả năng khác là người Aterian đeo trang sức với cùng lý do như đa số mọi người ngày nay, đó là họ thích kiểu dáng của chúng và tin rằng chúng sẽ tôn lên vẻ ngoài của mình.
(Theo Vnexpress)