1. Nguyên tắc sử dụng đúng thuốc
Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cần phải tham khảo ý kiến của cán bộ chuyên môn BVTV hoặc nông nghiệp tại địa phương.
Ưu tiên lựa chọn sử dụng các loại thuốc có tác động chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, động vật máu nóng.
Cần tìm hiểu kỹ xem loại thuốc định mua có an toàn với cây trồng sẽ được phun hay không, đặc biệt chú ý khi mua và sử dụng thuốc trừ cỏ.
Nên thay đổi thuốc trong quá trình sử dụng, không nên sử dụng một loại thuốc trong thời gian dài hoặc từ năm này qua năm khác để ngăn ngừa hiện tượng quen thuốc, kháng thuốc của dịch hại.
2. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng lúc
Phun thuốc vào thời điểm dịch hại dễ bị tiêu diệt, phun ở giai đoạn tuổi nhỏ đối với sâu và ở giai đoạn đầu đối với bệnh. Phun khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh đạt đến ngưỡng gây hại kinh tế.
Phun vào lúc trời mát, không có gió to để thuốc tiếp xúc bám dính tốt hơn trên bề mặt lá.
Hạn chế phun lúc cây đang ra hoa, không phun thuốc khi trời nắng nóng sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc hoặc trời sắp mưa có thể làm rửa trôi thuốc.
Không phun thuốc vào thời điểm quá gần ngày thu hoạch (tuỳ thuộc vào thời gian cách ly của từng loại thuốc để xác định thời gian ngừng phun thuốc trước thu hoạch).
3. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng
Đúng nồng độ liều lượng ở đây bao gồm lượng thuốc và lượng nước trên đơn vị diện tích theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật.
Không được tùy ý tăng nồng độ của thuốc cao sẽ gây hại cho người sử dụng, cây trồng, môi trường và làm tăng chi phí, hoặc phun ở nồng độ quá thấp sẽ làm cho dịch hại quen thuốc, kháng thuốc tạo nguy cơ bùng phát dịch.
4. Nguyên tắc sử dụng thuốc đúng cách
* Cách pha thuốc
Khi sử dụng thuốc phải tính toán kỹ lượng thuốc và lượng nước cần sử dụng. Cho vào bình 1/3 - 1/2 lượng nước rồi cho thuốc rồi khuấy đều; sau đó, tiếp tục cho đủ lượng nước còn lại vào khuấy kỹ để thuốc phân tán đều trong nước.
Không tự ý hỗn hợp hay nhiều loại thuốc BVTV với nhau bởi có thể làm gia tăng hoặc giảm hiệu lực thuốc, dễ gây cháy nổ, độc hại cho cây trồng và cho người sử dụng.
Lưu ý: Thông thường chỉ nên hỗn hợp hai loại thuốc trong cùng một lần phun sẽ cho hiệu quả cao; đồng thời, kiểm soát được tác hại ngược lại do quá trình hỗn hợp.
* Cách phun thuốc
Khi phun thuốc tùy vào đặc điểm, vị trí gây hại của từng loại dịch hại để hướng vòi phun sao cho tia thuốc tập trung vào nơi cần phun để thuốc tiếp xúc được nhiều nhất với dịch hại, không đi ngược chiều gió khi phun.
* Những lưu ý khi pha trộn thuốc
- Những nhóm thuốc có thể pha trộn:
Chỉ nên phối hợp các loại thuốc BVTV thuộc các nhóm gốc khác nhau thì hiệu quả mới cao như: thuốc nhóm lân phối hợp với nhóm carbamate, nhóm lân + cúc tổng hợp, carbamate + cúc tổng hợp, carbamate + điều hòa sinh trưởng, thuốc chứa nhóm vi sinh chỉ phun độc lập.
Chỉ nên phối hợp thuốc có các tác dụng khác nhau như (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, lưu dẫn.
Có thể phối hợp thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh (không chứa gốc đồng) để giảm công phun thuốc.
- Những nhóm thuốc không được pha trộn:
Không nên phối hợp thuốc trừ bệnh với phân bón qua lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng.
Không phối hợp thuốc trừ sâu vi sinh với thuốc trừ bệnh có nguồn gốc chất kháng sinh, gốc đồng...
Không phối hợp thuốc trừ sâu, trừ bệnh với các loại thuốc gốc đồng như Coc 85, Coper B. Vì thuốc gốc đồng thường có tính kiềm cao; trong khi đó, thuốc trừ sâu, trừ bệnh lại có tính axit. Khi pha trộn với nhau chúng sẽ trung hòa làm giảm hiệu lực thuốc.
Chú ý: Để tránh hiện tượng nhờn thuốc đối với các loại dịch hại trên cây trồng, khi sử dụng bà con cần luân phiên sử dụng các hoạt chất thuốc khác nhau.
Như vậy, để sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả cao thì việc hiểu và tuân thủ các nguyên tắc trên là rất cần thiết. Kính mong bà con nông dân quan tâm và thực hiện tốt.
Nguyễn Văn Đoàn (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)