Mô hình nuôi vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học được triển khai trên địa bàn xã Lao Chải có quy mô 74 con với 25 hộ tham gia. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% lượng thức ăn hỗn hợp (270kg/con), thuốc thú y, chế phẩm sinh học; được tập huấn kỹ thuật về phương pháp chăn nuôi, chăm sóc, vỗ béo bò thịt, tẩy giun sán trước khi đưa vào vỗ béo, phòng và trị bệnh cho bò, xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
Ông Giàng A Thể ở bản Xéo Dì Hồ A chia sẻ: "Trước đây, tôi nuôi bò theo kiểu thả rông trên đồi rừng nên bò gầy và hay bị bệnh. Từ khi được tiếp cận phương pháp nuôi bò vỗ béo, được Nhà nước hỗ trợ, được cán bộ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cụ thể, giờ tôi đã biết cách chăm sóc bò bằng thức ăn đảm bảo các tiêu chí về kỹ thuật và chất lượng với tỷ lệ đạm trên 16%. 2 con bò tham gia mô hình của gia đình hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt”.
Mô hình thâm canh giống khoai sọ ở xã Hồ Bốn triển khai trên diện tích 5 ha, trong đó, 1 ha là đất ruộng 1 vụ không chủ động được nguồn nước, 4ha đất nương đồi đã thấy rõ hiệu quả kinh tế, trở thành cơ sở để nhân rộng vào vụ tới. Sau hơn 5 tháng xuống giống, khoai sọ đã cho thu hoạch, chất lượng củ ở Hồ Bốn được đánh giá tốt như khoai sọ trồng tại huyện Trạm Tấu, năng suất trên đất ruộng 1 vụ đạt 8 - 8,2 tấn/ha, trên đất nương đồi 8 - 8,5 tấn/ha.
Anh Sùng A Kháng ở bản Trống Là là 1 trong 15 hộ dân tham gia mô hình chia sẻ: "Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ 100% định mức giống, 100% định mức phân bón vô cơ và tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Chúng tôi được tập huấn kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch và bảo quản khoai sọ. Nhờ đó, nương khoai sọ của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, 0,5 ha của gia đình thu được 4 tấn với giá bán 11.000 đồng/kg, tôi thu về 44 triệu đồng, cao hơn hẳn so với lúa, ngô”.
Có thể thấy, công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHKT trên địa bàn huyện đã bám sát theo các định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của huyện, của ngành, đáp ứng được nhu cầu của địa phương và của người sản xuất. Các nhiệm vụ chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT triển khai đảm bảo yêu cầu về thời vụ, cơ bản đúng tiến độ đề ra, góp phần tích cực phục vụ cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng "xanh - sạch - an toàn”.
Năm 2021, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức 23 lớp tập huấn cho 920 học viên tại 13 xã, trong đó: 9 lớp tập huấn nội dung về trồng trọt, 9 lớp nội dung về chăn nuôi thú y và 5 lớp về bảo vệ thực vật; đồng thời, triển khai mới 3 mô hình ứng dụng, chuyển giao KHKT, đưa thêm các cách làm mới đến đồng bào vùng cao.
Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Xác định rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng KHKT vào sản xuất, huyện Mù Cang Chải đã, đang và sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình đã cho hiệu quả; tăng cường các lớp đào tạo nghề nông thôn; đẩy mạnh công tác khuyến nông theo hướng "cầm tay chỉ việc”; rà soát, xây dựng các dự án, đề án trên cơ sở các giống cây trồng phù hợp với tiểu vùng khí hậu địa phương. Trên cơ sở đó, năm 2021, huyện đã ban hành Đề án phát triển cây dược liệu, Đề án phát triển cây ăn quả, định hướng phát triển vùng rau sạch hàng hóa theo hướng hữu cơ, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp tốt, phục vụ nhu cầu nội tiêu và du lịch”.
Hoài Anh