Ba phi hành gia Trung Quốc (Chen Dong, Liu Yang và Cai Xuzhe) sẽ sống và làm việc trong mô-đun lõi Thiên Hòa của Trạm Vũ trụ Thiên Cung trong 6 tháng rồi trở về Trái đất vào tháng 12. Trước đó, ông Chen có mặt trong tàu Thần Châu-11 phóng năm 2016 và từng giữ kỷ lục phi hành gia Trung Quốc ở lâu nhất trong vũ trụ. Năm 2012, bà Liu trở thành người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ (trong tàu Thần Châu-9).
Thần Châu-14 là chuyến bay thứ ba có người lái trong quá trình xây dựng Trạm Vũ trụ Thiên Cung. Trung Quốc có kế hoạch đưa trạm này vào hoạt động chính thức từ tháng 12/2022. Chuyến bay đầu tiên (với 3 phi hành gia khác) kéo dài 3 tháng và hoàn thành vào tháng 9/2021. Chuyến thứ hai (Thần Châu-13) đưa 3 phi hành gia vào vũ trụ để làm việc trong 6 tháng. Trung Quốc sẽ thực hiện 6 chuyến bay nữa từ nay đến cuối năm, gồm 1 chuyến bay chở người, 2 chuyến bay chở mô-đun phòng thí nghiệm và 2 chuyến bay chở hàng.
Nhóm phi hành gia tàu Thần Châu-14 sẽ giúp kết nối, thiết lập và thử nghiệm hai mô-đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên, dự kiến ra mắt vào tháng 7 và tháng 10. Các mô-đun sẽ được lắp ráp thành một cấu trúc hình chữ T, cùng với cabin lõi Thiên Hòa - không gian sống chính của các phi hành gia - sẽ được mở rộng từ 50 m3 lên 110 m3, Cơ quan Vũ trụ có người lái của Trung Quốc (CMSA) cho biết. Các phi hành gia sẽ thực hiện 2 hoặc 3 ba chuyến đi bộ ngoài không gian.
Khi sứ mệnh Thần Châu-14 kết thúc, ba phi hành gia khác dự kiến sẽ luân phiên và sống cùng phi hành đoàn từ 5-10 ngày, nâng tổng số phi hành gia Trung Quốc có mặt cùng lúc trong không gian lên con số kỷ lục là 6 người. Sau khi được xây dựng xong, Trạm Vũ trụ Thiên Cung sẽ tồn tại trong 15 năm. Theo CMSA, Trung Quốc có kế hoạch mỗi năm thực hiện 2 chuyến bay có phi hành đoàn và 2 chuyến bay chở hàng lên trạm.
Trung Quốc lần đầu đưa người vào vũ trụ vào năm 2003. Nước này đưa một tàu thăm dò lên Mặt trăng vào tháng 12/2020 và một tàu thăm dò khác lên sao Hỏa vào tháng 5/2021. Mô-đun đầu tiên của Trạm Vũ trụ Thiên Cung được lắp ráp tháng 4/2021.
Theo giới quan sát, tham vọng vũ trụ của Trung Quốc sẽ kéo dài nhiều năm trong tương lai, với những kế hoạch lớn về khám phá, nghiên cứu và thương mại hóa không gian. Một trong những liên doanh lớn nhất sẽ là xây dựng trạm nghiên cứu chung Trung-Nga trên cực nam của Mặt trăng vào năm 2035. Trạm này sẽ đón chào sự tham gia của các cường quốc không gian trên thế giới, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Israel, Canada, Đức, Luxembourg…
Mỹ chiếm khoảng 1/3 số tàu vũ trụ đang hoạt động trên quỹ đạo quanh Trái đất. Các sứ mệnh hạ cánh lên Mặt trăng của tàu Apollo, trạm vũ trụ Skylab, Tàu con thoi, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), Tàu thăm dò sao Hỏa (tàu Opportunity), Tàu thám hiểm sao Hỏa (tàu Curiosity) là nền tảng chương trình không gian của Mỹ.
(Theo TPO)