Khác với những loại lấy màu từ tạp chất, kim cương đỏ là carbon nguyên chất và cực hiếm, ước tính thế giới chỉ có 20 - 30 mẫu vật.
|
Kim cương đỏ được săn lùng nhờ vẻ đẹp, sự bí ẩn và quý hiếm.
|
Kim cương có nhiều hình dạng, kích thước và màu sắc, từ những viên màu hồng ấn tượng đến những viên màu đen cổ xưa được cho là hình thành ngoài vũ trụ. Trong số đó, kim cương đỏ thường được đánh giá cao nhất và coi là hiếm nhất, ước tính trên thế giới chỉ tồn tại 20 - 30 mẫu vật, IFL Science hôm 13/6 đưa tin.
Phần lớn kim cương đỏ hiện diện ở Nam Phi, Australia và Brazil. Chúng có được màu sắc quý hiếm này nhờ một điểm khác thường trong quá trình hình thành. Không giống những loại kim cương lấy màu từ các tạp chất hóa học, ví dụ như nitơ trong cấu trúc kim cương, kim cương đỏ thực sự là carbon nguyên chất. Hồng ngọc là loại đá quý màu đỏ nổi tiếng, nhưng chúng lấy màu từ corundum và chromium chứ không phải carbon.
Quá trình hình thành chính xác của kim cương đỏ vẫn là một bí ẩn gây tranh cãi trong giới địa chất. Một số chuyên gia cho rằng màu đỏ bắt nguồn từ quá trình biến dạng dẻo, khi áp suất dưới bề mặt Trái Đất làm thay đổi cấu trúc phân tử của viên kim cương, theo công ty Diamond Rocks London. Công ty The Diamond Pro cho biết, một cách giải thích khác là các biến dạng trong đất góp phần tạo nên màu đỏ.
Kết quả của quá trình này là đa số kim cương đỏ đều có kích thước khá nhỏ, chỉ khoảng nửa carat đến một carat. Dù vậy, chúng nằm trong số những viên kim cương đắt nhất thế giới, với mức giá thường là khoảng một triệu USD mỗi carat. Loại kim cương này hiếm đến mức, từ năm 1957 đến 1987, không có viên kim cương màu đỏ thuần nào được Viện Đá quý Mỹ (GIA) xếp loại.
Viên kim cương đỏ lớn nhất thế giới, Red Shield hay Moussaieff Red, được phát hiện ở Brazil vào năm 1989 và bán với giá 8 triệu USD năm 2021. Red Shield nặng 5,11 carat, tương ứng khoảng 1,6 triệu USD cho mỗi carat.
(Theo VnExpress)
Kairan Quazi trở thành nhân viên nhỏ tuổi nhất tại bộ phận Starlink của SpaceX, công ty do Elon Musk sáng lập, với vai trò kỹ sư phần mềm.
50 nhà khoa học cảnh báo, lượng khí thải nhà kính kỷ lục và ô nhiễm không khí khiến sự ấm lên toàn cầu tăng nhanh chưa từng thấy.
Từ năm 2013 đến năm 2022, tình trạng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã gia tăng với tốc độ chưa từng có với trên 0,2 độ C trong mỗi thập kỷ.
Ngày 8/6, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái tổ chức Hội nghị bàn giao sản phẩm, kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) đã kết thúc, nghiệm thu năm 2022.