Hai học sinh Yên Bái độc đáo với sáng chế bục phát biểu thông minh

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/3/2019 | 8:23:16 AM

YênBái - Xuất sắc đoạt giải Nhất trong Cuộc thi "Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh” năm học 2018 - 2019, là một trong 6 mô hình thông minh được lựa chọn đi thi cấp quốc gia - mô hình bục phát biểu thông minh của hai em Vũ Mai Hồng và Nguyễn Đức Chiến, lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành được đánh giá xuất sắc bởi có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Thầy giáo Đặng Tiến Thành (đứng giữa) cùng các em Vũ Mai Hồng và Nguyễn Đức Chiến giới thiệu sáng chế bục phát biểu thông minh.
Thầy giáo Đặng Tiến Thành (đứng giữa) cùng các em Vũ Mai Hồng và Nguyễn Đức Chiến giới thiệu sáng chế bục phát biểu thông minh.

Từ quan sát thực tế, mỗi giờ chào cờ sáng thứ 2 các thầy cô giáo trong trường lên đọc kết quả sơ kết tuần nhưng mỗi thầy cô lại có chiều cao khác nhau khiến việc sử dụng bục phát biểu thông thường gặp nhiều bất tiện, như bục quá cao hay quá thấp so với người sử dụng. 

Từ đó, Hồng và Chiến nảy ra ý tưởng sáng chế bục phát biểu thông minh có thể tự động điều chỉnh chiều cao linh hoạt, phù hợp với người sử dụng. Bục phát biểu thông minh có hình dáng tương tự với các bục phát biểu thông thường. 

Song điều làm nên sự đặc biệt của sản phẩm này là hệ thống thiết bị điện tử được các em lắp đặt một cách khoa học. Thiết bị lập trình thông qua mã code (PLC) được coi là "bộ não” của bục giúp điều chỉnh tự động hệ thống máy móc của bục. Bục còn có ba mắt hồng ngoại: một mắt phía dưới đóng vai trò là công tắc, khi có người đứng gần con mắt này đèn và các hệ thống của bục sẽ tự động bật lên và hai con mắt hồng ngoại phía trên bục nhìn vào người sử dụng để tự điều chỉnh chiều cao sao cho phù hợp nhất. 

Bên cạnh đó, bục có hệ thống dây chìm phía dưới để đạt yêu cầu về thẩm mỹ. Đồng thời, bục được tích hợp thêm các bánh xe xoay 360 độ và hệ thống phanh giúp di chuyển bục một cách dễ dàng. Thiết bị sử dụng nguồn điện 24V nhằm hạn chế cháy nổ đồng thời tích hợp thêm rơ-le tự động ngắt điện khi có sự cố để đảm bảo an toàn cho người dùng. 

Khi bắt tay vào thực hiện, hai em gặp phải không ít khó khăn do theo thiết kế ban đầu, các em chỉ dùng điều khiển từ xa với các hệ thống bánh răng, dây xích đơn giản. Sau quá trình hơn nửa năm nghiên cứu và sáng tạo với cả thảy 6 lần thất bại các em đã tìm ra một thiết kế khoa học và hợp lý với hệ thống máy móc nhỏ và tối ưu. 

Em Chiến cho biết: "Để thành công, chúng em đã nhận được rất nhiều sự động viên khích lệ, tạo điều kiện và trợ giúp của các thầy cô giáo trong nhà trường như vừa dành thời gian riêng kèm cặp các môn văn hóa, đảm bảo kiến thức vừa hướng dẫn chúng em thực hiện ý tưởng nhất là thầy giáo Đặng Tiến Thành.

Với sự nỗ lực của thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, sản phẩm bục thông minh đã dần hoàn thiện, nhận được đánh giá cao từ hội đồng chuyên môn và đạt giải cao trong các kỳ thi khoa học kỹ thuật các cấp. Nhiều nhà đầu tư đã biết đến và liên hệ hợp tác với các em để đưa sản phẩm này ứng dụng vào thực tế. Quan trọng hơn, Hồng và Chiến đã trưởng thành hơn, các em được nghiên cứu, sáng tạo, được học các kỹ năng mềm như thuyết trình trước đám đông, rèn luyện khả năng giao tiếp, truyền đạt ý tưởng tới mọi người.

Trong tương lai, bục phát biểu thông minh sẽ được Hồng và Chiến cải tiến với nhiều chức năng hơn như cảm biến ánh sáng, cảm biến hồng ngoại, sử dụng hệ thống máy móc nhỏ gọn. Bên cạnh đó, hai em sẽ tiến hành đăng ký bản quyền sản phẩm. 

Thầy Đặng Tiến Thành - Giáo viên hướng dẫn chia sẻ: "Hiện nay, bục phát biểu thông minh chưa được sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào, sản phẩm các em tạo ra là sản phẩm mới nhất được các chuyên gia đánh giá cao. Tôi cho rằng đây là một sản phẩm khoa học có tính thiết thực. Đồng thời, tôi cũng đánh giá cao khả năng quan sát thực tế, khả năng sáng tạo của hai em. Sáng chế của các em giành giải Nhất Cuộc thi "Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm 2018 – 2019 là rất xứng đáng”.

Hoài Linh

Các tin khác
Một góc cơ sở homestay Xôi của Hoàng Thị Xới.

Hoàng Thị Xới - cô gái Tày 9X là người khởi xướng cho việc đưa quê hương Lâm Thượng, huyện Lục Yên vượt qua lũy tre làng để đến với bạn bè thế giới bằng cách làm du lịch homestay. Với cách làm này, vẻ đẹp của Lâm Thượng được nhiều khách du lịch biết đến và trở thành một trải nghiệm lý thú trong hành trình khám phá mảnh đất ngọc.

Thành viên CLB Kèn lá biểu diễn thổi kèn lá cho khách du lịch.

Trước sự giao thoa văn hóa, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc của người Mông đang dần mai một. Và kèn lá - loại nhạc cụ quen thuộc, có thể "hái" ở bất cứ đâu cũng không ngoại lệ.

Với quyết tâm làm được điều gì đó cho người khuyết tật, 2 cậu học trò đã bắt tay vào việc sáng chế chiếc tay robot.

Nhằm khắc phục một phần khó khăn cho người khuyết tật cánh tay trong hòa nhập cuộc sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội, giảm thiểu dần những rào cản hòa nhập xã hội đối với người khuyết tật, hai nam sinh lớp 12 Trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã chế tạo thành công cánh tay robot. Sản phẩm này vừa đạt giải Ba cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Một ngày dẹp lại nỗi lo toan vốn không bao giờ hết, mỉm cười trên những nỗi buồn vốn không bao giờ thôi tồn tại. Một ngày để nạp thêm năng lượng về tình yêu cuộc sống này để đừng bao giờ hết hy vọng, đừng bao giờ chán nản.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục