Cơm quê

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/4/2019 | 8:04:32 AM

Trời mùa hè trăng sao vằng vặc. Những ngọn gió trong lành thường có mùi của lá non dìu dịu. Đôi khi chỉ là vài tiếng lá rơi xào xạc cũng thấy lòng xao xuyến.

Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng một bà mẹ trẻ ru con vọng lại: "Cơm cha cơm mẹ đã từng/ Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/ Cơm người tội lắm mẹ ơi!/ Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”. Chiếc xe đẩy bán xôi đêm đi ngang qua, tôi kịp nhìn thấy đứa trẻ được mẹ địu trên lưng đang ngủ ngon lành. 

Tiếng của mưu sinh lẫn trong sự ngọt ngào của tình mẫu tử khiến tôi bất chợt nhớ nhà. Giờ này ở quê, chắc cả nhà đã yên giấc sau một ngày đồng áng nắng nôi. Mà cũng có thể cơn đau nhức vai gáy khiến mẹ còn trằn trọc. Mùa gặt sắp đến rồi, tôi đi nghĩa vụ quân sự, bao nhiêu nặng nhọc đều đổ dồn lên vai bố mẹ. Thêm một mùa cơm mới xa nhà…

Ăn cơm phố đã lâu nhưng tôi luôn thèm quay quắt bữa cơm quê do chính tay mẹ nấu. Cơm dẻo và canh ngọt từ lúa mẹ cấy, rau dại ngoài vườn, mấy chú cua đồng thêm quả me chua cũng đủ xua đi cái nóng mùa hè. Chẳng cần phải món nọ, món kia, nấu nướng cầu kỳ. 

Bữa cơm bình dị nuôi tôi lớn từng ngày bằng dưa cà mắm muối. Cơm ngon không chỉ bởi gạo trắng nước trong mà lẫn đâu đó cả vị khói có mùi rơm rạ đồng quê, mùi củi bạch đàn hăng hắc, mùi của yêu thương mẹ chiu chắt trong bát cơm dẻo thơm, nồi cá kho đượm vị. 

Mùa nào thức ấy, những món ăn mẹ nấu tưởng mộc mạc thế thôi mà xuống phố có khi thành đặc sản. Có lần đi ngang qua một chợ nhỏ, chợt thấy vại rau sắn ngâm chua của bà cụ chắc đã ngoài sáu mươi. 

Món rau sắn tưởng chỉ có ở vùng quê trung du đất cằn sỏi đá giờ cũng góp vào mâm cơm thành phố cho những đứa con xa nhà bớt đau đáu quê hương. Tôi chỉ cần nhắm mắt vào là có thể cảm nhận được vị chua đặc trưng của rau sắn nấu với tép sông hoặc nấu với thịt ba chỉ, ít lòng dồi, xương lợn cũng đều ngon tuyệt. 

Mùa này thể nào mẹ cũng nấu canh trai với bầu, canh hến cà chua. Vườn nhà chắc đã có xoài non. Tôi mường tượng ra cảnh mẹ lúi húi trong bếp nấu canh, thò tay qua cửa sổ đã có thể hái xoài cho món canh chua. Nghĩ đến thôi đã thấy rôn rốt trong miệng...

Hôm rồi, nghe tiếng sấm đầu mùa, tôi tiếc ngơ ngẩn những ngọn rau đắng cảy trên rừng. Mẹ tôi nói, khi bắt đầu có sấm thì rau đắng ngắt không thể ăn được nữa. Đã bao lâu rồi tôi không được chấm thứ rau ấy với chút mắm tôm? Cái vị vừa đắng hình như chỉ người quê mới thích. Mà thật ra tôi nhớ cơm quê đâu phải bởi món ăn mà nó là nỗi nhớ một miền quê, một mái nhà, chái bếp. 

Nhớ người mẹ tảo tần mưa nắng, đến bữa nhường chồng con từng miếng ăn ngon. Nhớ bố hay bị nghẹn trong mỗi bữa cơm nên mẹ nói: "Thiếu gì cũng được nhưng không thể thiếu canh”. Nhớ đến quặn lòng từng tiếng ho buốt ngực.   

Tiếng xe bán xôi đêm đã đi qua. Nhưng lời ru của người mẹ vẫn còn vọng lại: "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. 

Trời đêm vằng vặc ánh trăng…

Vũ Thị Huyền Trang

Các tin khác
Đại diện Nhóm Kết nối trẻ trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Lục Yên và Nhóm kết nối trẻ vừa phối hợp với UBND xã Minh Xuân tổ chức trao tiền hỗ trợ xây dựng Nhà nhân ái cho hộ gia đình anh Nguyễn Quang Vừa ở thôn Nà Khà.

Trần Tuấn Anh bên góc học tập tại nhà.

"Bẻ lái" sang Tin học năm lớp 10, Tuấn Anh trở thành học sinh duy nhất không thuộc trường chuyên được chọn vào đội tuyển Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương.

Đỗ Thị Thu Thảo ở Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

15 năm sau khi giành huy chương bạc Olympic Toán quốc tế (IMO), Đỗ Thị Thu Thảo tốt nghiệp tiến sĩ Toán học ở MIT, chuyển từ nghiên cứu sang làm cho công ty tài chính.

Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương) cũng là thí sinh đầu tiên mang cầu truyền hình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia về với tỉnh Gia Lai.

Giành 250 điểm ở cuộc thi quý 2 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, Nguyễn Quốc Nhật Minh (trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) đã mang cầu truyền hình trận chung kết năm đầu tiên về với tỉnh Gia Lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục