Tôi là đứa trẻ sinh ra ở thành phố. Quê hương chính là nơi đã sinh và lưu giữ hồn cốt của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, có lẽ vì thế tình yêu quê hương dường như đã được thấm đẫm qua chuyện kể, lời ru của mẹ. Và thế, tuổi thơ của chúng tôi là những tháng năm được về quê vào dịp sau mùa gặt, bởi người lớn quan niệm trẻ con về quê vào đúng mùa gặt hay bị "dặm” và ai cũng đang bận việc đồng áng.
Sau mùa gặt, cánh đồng vẫn còn thơm vương mùi lúa chín. Mùi thơm no ấm mà không ngòi bút nào diễn tả hết như cuốn hút mọi đứa trẻ ra đồng, tiếng cười nói rộn rã. Trên trời, từng đàn chim kéo về rập rờn từng bờ bãi, đậu kín đường dây điện, trên lưng trâu.. Cảnh sắc thanh bình, thơ mộng.
Đồng quê sau mùa gặt đong đầy nỗi nhớ những cọng rơm vàng óng, những trò trận giả đứa nào đứa nấy mồ hôi đầm đìa, đầy người dính toàn rơm rạ, miệng vẫn cười tươi.
Nhớ chiều thả diều chạy từ cánh đồng này sang cánh đồng khác quên cả dắt trâu về chuồng. Nhớ những lần theo anh chị đi bẫy chim, đứa nào mắt cũng hau háu nhìn từng lớp thịt cháy rịn mỡ, miệng tứa nước miếng.
Nhớ những trận đòn sau những trận chơi đùa chui vào đống rơm ngủ qua ngày làm cả làng đi tìm lũ trẻ...
Nhớ lắm đồng quê. Đó là những niềm vui khi cánh đồng gặt vào những ngày khô. Còn những ngày mưa tháng 10, cánh đồng sau mùa gặt buồn tênh lênh láng nước. Mưa trắng trời, trắng bạc tóc bà ngoại. Trong nhà, thóc chất từng đống, hạt ướt hạt khô thi nhau nảy mầm, ngoại nhìn ra trời thầm mong trời tạnh để kịp phơi những hạt vàng đang trở mình sinh sôi kia. Những khi ấy chúng tôi chỉ còn biết ngó nhìn mọi vật qua ô cửa nhỏ.
Quê hương ngày ấy, nhà nào cũng được cất dựng bằng tường đất trộn rơm, mái lợp rơm rạ, thi thoảng có vài nhà được xây bằng gạch đỏ lợp ngói, đường làng ngõ xóm được bao quanh bởi những rặng ruối, rặng mây. Trong ký ức của bọn trẻ vô tư lự là ngồi bên những chảo ngô rang thơm phức, những củ khoai vùi trong tro bếp, những nồi cá kho nhục ngon đến chết cũng chẳng thể quên... Rồi chiều đến trong làn mưa ấy, ông ngoại mang về đầy giỏ ốc, ếch, cua, lươn - toàn đặc sản mà chẳng thời đại nào có được.
Tôi xa cánh đồng quê đã hơn hai mươi năm. Ông bà ngoại tôi đã đi vào thiên thu, giờ chỉ còn trong hoài cổ; những đứa bạn thời trẻ trâu đã trưởng thành mỗi người đi mỗi ngả, thảng hoặc còn một vài người giờ đã lên chức ông bà.
Thời gian này, quê tôi đã sang những ngày sau ngày gặt rộ nhưng cánh đồng quê sẽ chẳng còn những tiếng nói cười như xưa. Cậu tôi gọi điện lên thường xuyên, thông tin ở quê giờ được cập nhật hàng ngày. Thế nên, cánh đồng quê sau mùa gặt giờ chỉ có máy cày, máy bừa làm việc. Người lớn giờ đã đến nhà máy làm thuê, đám trẻ con từ khi sinh ra chỉ biết đến trường đi học. Hạt lúa, hạt ngô giờ máy móc làm hết từ làm đất, gieo hạt, làm cỏ, thu hoạch đến sấy khô rồi cho vào từng thùng tôn cất giữ.
Cậu bảo, giờ chỉ lo mưa lũ trước mùa gặt thôi, mưa bão không còn phải lo lắng nữa. Nhưng trong câu chuyện, cậu rầu rầu kể, giờ chim không bay về như xưa, thảng hoặc có một vài con trâu bò của những hộ nghèo đi gặm cỏ ở chân đê, cua cá không còn để bắt, người già ở nhà giờ cũng lau nhà, bỏ dép đi vào nhà, quần áo có máy giặt, tắm nước nóng lạnh, nhà nào cũng đun bếp gas, nấu cơm bằng nồi điện, trâu bò, lợn gà đều được ăn cám... cho nên rơm rạ không còn được trọng dụng nữa. Tôi bần thần, càng nhớ cánh đồng xưa xa lắc.
Chiều nhạt nắng, thảnh thơi cho xe chạy vòng quanh vùng ven thành phố, nhìn ngắm những cánh đồng còn sót lại chút vàng của rơm rạ, ưỡn lồng ngực cố hít hà những mùi trinh nguyên của lúa gạo, mùi quê hương xa ngái; đâu đó bất chợt vài người đi ngược chiều xách theo từng giỏ chim vừa bẫy ngỡ mình như đi giữa cánh đồng xưa, trong nắng vàng, rơm vàng, hạt vàng rải dài tít tắp, càng thấy thêm yêu quê hương, yêu màu vàng sau mùa gặt đã tưới tắm, vun trồng, nuôi lớn tâm hồn tôi.
Thủy Thanh