Mất đôi tay, chàng trai 9X vượt qua bất hạnh trở thành ông chủ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/12/2019 | 8:56:53 AM

Vượt qua nỗi đau mất đi đôi tay khi chỉ mới ngoài đôi mươi, Lê Văn Tuấn trở thành ông chủ trẻ, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người khác.

Lê Văn Tuấn là một trong những đại diện của thanh niên tiêu biểu Nghệ An tham gia Đại hội Liên hiệp thanh niên toàn quốc lần thứ VIII.
Lê Văn Tuấn là một trong những đại diện của thanh niên tiêu biểu Nghệ An tham gia Đại hội Liên hiệp thanh niên toàn quốc lần thứ VIII.

Là một trong những gương mặt trẻ đại diện của tỉnh Nghệ An tham gia Đại hội Liên hiệp thanh niên toàn quốc lần thứ 8, Lê Văn Tuấn (SN 1991) gây ấn tượng với mọi người bởi giọng hát đầy nội lực, một tinh thần và phong cách thực sự tuổi trẻ và đặc biệt là những chia sẻ đầy xúc động về hành trình vượt lên số phận nghiệt ngã khi mất đi đôi tay.

Tuấn tâm sự, nếu có một điều ước, anh chỉ ước rằng mình có cơ thể lành lặn như bao người. Thế nhưng số phận lại đẩy anh vào thử thách đầy nghiệt ngã.

Trở về địa phương sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự, mang trên mình hành trang là phẩm chất người tính, tinh thần sục sôi, khao khát và đam mê cháy bỏng của tuổi trẻ, trước mắt Tuần là hàng loạt những kế hoạch cho tương lai. Năm 2014, Tuấn tham gia lớp học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 4 tại TP Vinh. Thế nhưng, dịp cuối năm, khi về ăn Tết với gia đình, anh không may bị điện giật khi đang sửa chữa giúp gia đình một người quen. Tỉnh dậy sau cơn hôn mê, Tuấn chết lặng khi phát hiện đôi tay của mình không còn nữa, đôi chân cũng có nguy cơ phải cắt bỏ.

"Tôi kêu gào như một người điên trên giường bệnh. Suy sụp hoàn toàn! Cuộc sống xung quanh toàn màu đen. Tôi nghĩ cuộc đời mình đến đây là chấm hết. Nhìn bố mẹ già tiều tụy, tôi lại càng đau đớn hơn. Cuộc sống của gia đình rồi sẽ thế nào khi vốn dĩ đã rất khó khăn. Tôi đã nghĩ đến cái chết, xin gia đình cho làm thủ tục hiến tạng, nhưng cả nhà cùng động viên tôi và tìm cách chạy chữa”, Tuấn kể.

Từ một chàng trai tuổi đôi mươi khỏe mạnh, cuộc sống của Tuấn bỗng dưng thay đổi hoàn toàn, ban đầu mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Chi phí chạy chữa cũng quá lớn khiến gia đình Tuấn bị kiệt quệ.

"Lúc ấy tôi nghĩ nếu mình chết thì dễ quá, nhưng còn gia đình, bố mẹ sẽ ra sao. Nhìn bố mẹ già xanh xao, gầy gò, nuốt nước mắt vì tôi mà tôi tự nhủ phải sống có trách nhiệm và vượt lên số phận, lạc quan để trở thành chỗ dựa cho họ. Tôi nhận ra rằng cuộc sống vốn dĩ không nên là một cuốn sách đẹp mà nên là một cuốn sách hay”, Tuấn tâm sự.



Vượt qua số phận nghiệt ngã, Lê Anh Tuấn tự tạo dựng sự nghiệp riêng.

Cũng chính từ suy nghĩ đó, Lê Văn Tuấn đã từng bước gượng dậy, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như tự làm sinh hoạt cá nhân rồi dần đến phụ giúp mọi việc trong gia đình.

Sau một thời gian tự phục vụ được những nhu cầu của bản thân, Tuấn dần cảm thấy mất đi đôi tay không có nghĩa là mất đi tất cả. Anh bắt đầu nghĩ đến việc tìm cho mình một công việc để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Anh lựa chọn nghề công nghệ thông tin, cài đặt phần mềm và buôn bán linh kiện, sửa điện thoại. Đến nay, sau hơn 3 năm, bằng đôi cánh tay tật nguyền, Tuấn đã tạo dựng được một cửa hàng khang trang chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại, sim thẻ, sửa chữa máy tính, điện thoại cho người dân địa phương. Cửa hàng của Lê Văn Tuấn là một trong những địa chỉ tin cậy được nhiều người dân địa phương biết đến.

Không chỉ thay đổi cuộc sống của bản thân, Lê Văn Tuấn còn nhận dạy nghề và  tạo việc làm cho 2 nhân viên khác với mức thu nhập mỗi người từ 3-4 triệu đồng/người chưa tính chi phí hỗ trợ ăn ở.

Không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi, Lê Anh Tuấn còn rất tích cực tham gia các hoạt động Đoàn do xã tổ chức như các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội. "Bản thân tôi thấy vui hơn khi được hoạt động Đoàn, hội, góp phần đưa phong trào vào chiều sâu, thu hút thanh niên”.

Tuấn cũng là gương mặt quen thuộc trong nhóm thiện nguyện "Ngọc trong tim”- nơi cầu nối để những người khuyết tật cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

(Theo VOV)

Các tin khác
Trần Mạnh Chánh Quân tiến vào lễ đường ngày nhận bằng tốt nghiệp ĐH Georgia Gwinnett, Mỹ.

Trần Tôn Trung Sơn, Lê Bá Ninh, Phan Thị Rát, Trần Mạnh Chánh Quân đều sinh ra với cơ thể không lành lặn nhưng những người trẻ khuyết tật tài năng Việt này quyết không ngã lòng trước thực tế phũ phàng. Họ vượt khó, chăm chỉ với nghị lực, niềm tin cháy bỏng và lòng chân thành thay đổi số phận và vượt khỏi lũy tre làng, vươn mình ra thế giới…

Em Lê Văn Phúc (lớp 12C7, Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) nhiều năm liền là học sinh giỏi, đặc biệt em đã giành giải Ba học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý. Ngoài ra, Phúc còn là một thủ lĩnh triển khai được 15 dự án hỗ trợ sách vở, thư viện xanh và hàng trăm triệu đồng đến học sinh nghèo vùng cao.

“Công dân toàn cầu” Hồ Thu Hương

Hồ Thu Hương từng đặt chân đến 40 quốc gia trên 5 châu lục và thông thạo 5 ngôn ngữ. Cô là đồng sáng lập và quản lý cộng đồng “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới”. Về quê hương Việt Nam, cô muốn giúp các bạn trẻ trở thành công dân toàn cầu thông qua 77 tiêu chí.

Nguyễn Thị Sao Ly

Từng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Sinh học, và Thạc sĩ Y Tiến hoá tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) với thành tích nằm trong top 5% của trường, Nguyễn Thị Sao Ly mong muốn đưa về Việt Nam chương trình giáo dục SARE - một mô hình nhằm kích thích tiềm năng của học sinh yếu kém, đã được áp dụng rất thành công tại thành phố Baltimore (Mỹ) trong 10 năm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục