Bí quyết giành Huy chương vàng của nữ sinh trường nghề xinh đẹp

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2021 | 7:55:25 AM

Bí quyết để giành Huy chương vàng thi kỹ năng nghề quốc gia của Ngọc Ánh chính là những chuỗi ngày dài nỗ lực luyện tập, đến mức đổ vỡ ly cốc cùng sự chỉ bảo tận tình của thầy cô.

Thí sinh Đoàn Ngọc Ánh tham gia phần thi phục vụ bàn khách 4 người trong Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020.
Thí sinh Đoàn Ngọc Ánh tham gia phần thi phục vụ bàn khách 4 người trong Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020.

Học nghề để được thực hành nhiều hơn

Với số điểm ấn tượng 99/100, nữ sinh Đoàn Ngọc Ánh (SN 2000, quê Tuyên Quang) của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội xuất sắc giành Huy chương vàng (HCV) nghề Dịch vụ nhà hàng tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020.

Ngọc Ánh hiện là sinh viên lớp Quản trị khách sạn (theo tiêu chuẩn CHLB Đức) trường CĐ Du lịch Hà Nội.

Cô gái 10X cho biết, tấm HCV giành được lần này, xin gửi tặng tới bố mẹ cùng thầy cô. Đó chính là nguồn động lực để cô nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề Dịch vụ Nhà hàng.

Ngay từ nhỏ, mỗi khi chứng kiến cảnh bố miệt mài cắt gọt hoa quả, chế biến món ăn, Ánh rất ấn tượng với từng động tác dù nhỏ nhưng điêu luyện, đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ đó.

Mỗi món ăn sau khi được chế biến sẽ được bày biện cho thật đẹp. Bởi, món ăn "có ngon mắt thì mới ngon miệng".

Suốt những năm học phổ thông, cô luôn cố gắng học đều các môn và đạt học sinh giỏi nhiều năm liền.

Tới năm 2018, Ánh đã đạt đủ điểm thi THPT quốc gia để trở thành sinh viên Đại học Thương Mại nhưng em đã không nhập học mà nộp hồ sơ vào Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Nhiều người bất ngờ, khuyên nên suy nghĩ lại nhưng cô bé vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

Ánh tâm sự: "Lúc đó, gia đình có phần lo lắng vì muốn em học ngành về kinh tế để sau này kiếm một công việc văn phòng cho nhàn, theo nghề nhà hàng sẽ rất vất vả.

Em nghĩ, học ngành nào cũng phải có niềm đam mê, phải yêu nó và gắn bó thì mới phát triển được bản thân. Hơn nữa, học nghề sẽ thực hành nhiều hơn để nhanh được đi làm, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Cuối cùng, bố đã đồng ý cho em theo nghề này".

Kiên trì luyện tập, bất chấp đổ vỡ

Nghề Dịch vụ nhà hàng phải làm rất nhiều công việc. Từ cắt tỉa hoa quả không được chạm tay vào quả cho đến gấp khăn, set-up dao dĩa, thìa đĩa, cốc ly… trên bàn ăn rồi phục vụ khách. Tất cả đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên nghiệp và gọn gàng đến từng chi tiết.



Kỹ năng nhận biết các loại rượu mạnh - rượu vang là không thể thiếu với mỗi nhân viên trong ngành Dịch vụ nhà hàng.

Nữ sinh chia sẻ, trong quá trình tập luyện để chuẩn bị cho kỳ thi, có những động tác rất khó như tung bắt cốc ly hay chai rượu. Việc cốc ly bị rơi vỡ hay cắt gọt hoa quả bị đứt tay là "tai nạn nghề nghiệp" mà cô thường phải trải qua để ngày một trưởng thành hơn.

Trước khi thi cấp quốc gia, Ngọc Ánh phải trải qua cuộc thi ở cấp trường và thành phố để chọn lọc thí sinh xuất sắc. Qua mỗi đợt thi, cô bé đều rút ra những kinh nghiệm quý báu.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia đã bị hoãn tới cuối tháng 9/2020 mới tổ chức. Ánh đã tự lập ra thời gian biểu và bố trí tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý.

Trong kỳ thi, thí sinh phải thực hiện các công việc: cắt hoa quả, gấp khăn, nhận biết các loại rượu vang - rượu mạnh, pha chế, phục vụ bàn. Dù đã chuẩn bị kỹ từ trước nhưng lúc vào thi cô vẫn có chút hồi hộp, lo lắng.

Cũng theo nữ sinh, BTC chấm điểm theo rất nhiều tiêu chí như mở rượu vang có bị vỡ nút hay không, cách sắp xếp dụng cụ trên bàn ăn, thời gian set-up phải càng nhanh càng tốt.

Sau khi trình bày và đưa ra bàn món khai vị gồm súp bí đỏ, salad, quan trọng nhất là kỹ năng lọc xương một con gà quay để phục vụ cho bàn 4 khách. Trong khoảng 20 phút, thí sinh phải set-up hoàn thiện đồ ăn, dụng cụ trên bàn. Kỹ năng lọc vỏ cam không cần chạm tay cũng rất cầu kỳ và yêu cầu sự tỉ mỉ.

"Ở nước ngoài, nghề Dịch vụ nhà hàng rất được coi trọng và đem lại thu nhập cao. Ở Việt Nam, nghề này cũng đang dần khẳng định chỗ đứng. Bố cùng các thầy cô trong khoa là những người thường xuyên chỉ dạy, rèn luyện cho em các kỹ năng cần thiết để trở thành một nhân viên xuất sắc trong nghề", Ngọc Ánh tâm sự.



Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội trao bằng khen và Huy chương Vàng cho thí sinh Đoàn Ngọc Ánh tại kỳ thi.

Cơ hội được tiếp xúc với nhiều người

Nữ sinh quê Tuyên Quang cũng cho hay, Tiếng Anh là một lợi thế không nhỏ khi tham gia kỳ thi hay sau này đi làm bên ngoài. BTC cũng dành một số điểm nhất định cho thí sinh nào có ngoại hình tốt, trang phục gọn gàng, Tiếng Anh lưu loát, thần thái tươi tắn và thao tác chuẩn, đẹp.

Làm nghề Dịch vụ nhà hàng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội. Trong quá trình phục vụ, mỗi người sẽ có thêm nhiều kỹ năng thực tế.

Về định hướng trong tương lai gần, cô gái 10X cho hay sẽ tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện để chuẩn bị cho Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN dự kiến diễn ra trong năm nay.

"Xa hơn, em muốn sẽ một tay nghề vững vàng để làm việc trong nước hoặc có cơ hội sẽ ra nước ngoài. Với em, nghề nào cũng cao quý, miễn sao ta phải thực sự có tình yêu và đam mê với nghề đó. Tấm HCV thi Kỹ năng nghề quốc gia vừa qua chỉ là bước khởi đầu, em phải cố gắng nhiều hơn nữa", Ngọc Ánh chia sẻ.

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 diễn ra từ ngày 28/9 - 10/10 với 474 thí sinh dự thi đến từ 49 đoàn, tranh tài ở 34 nghề, trong đó có 31 nghề chính thức và 3 nghề trình diễn.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu với 39 huy chương (23 HCV, 7 HCB, 9 HCĐ) và 5 chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc. Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) đánh giá, số lượng thí sinh tham gia và thành tích đạt được cao hơn so với kỳ thi lần trước.

Kỳ thi đã đạt được 3 mục tiêu quan trọng: Tạo sân chơi cho các thí sinh so tài để tôn vinh người giỏi nhất; tăng cường hợp tác giữa các bên; tiếp tục lựa chọn được các thí sinh xuất sắc để huấn luyện tham dự Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới trong thời gian tới.
(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Hai em Hoàng Thị Yến Nhi và Hoàng Quốc Thái kiểm tra mô hình.

Mới đây, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, 2 học sinh Hoàng Thị Yến Nhi và Hoàng Quốc Thái - Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ với Dự án “Đèn tín hiệu cảnh báo giao thông thông minh, nơi cổng trường học có tầm nhìn hạn chế”, thu hút đông đảo sự quan tâm. Dự án đã đạt giải Ba bởi sự sáng tạo và tính ứng dụng cao.

Em Hoàng Thị Mai.

Sống trong một gia đình khó khăn, thiếu thốn tình cảm của người cha, thu nhập của 3 mẹ con chỉ trông chờ vào việc làm không ổn định của người mẹ, nhưng em Hoàng Thị Mai - học sinh lớp 9 trường TH&THCS Kiên Thành không bao giờ từ bỏ ước mơ tới trường và 5 năm liền em là học sinh giỏi toàn diện, người lớp trưởng gương mẫu, nhiệt tình.

Được sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Hội phụ huynh, các em học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đã tổ chức chương trình thiện nguyện "Mùa đông không lạnh" trong những ngày giá rét tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên. Qua chương trình học sinh có thêm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Tối 7/1, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương và trao giải thưởng “Sao Tháng Giêng” năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục