Trần Xuân Bách, lớp 12 Tin, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, là Gương mặt triển vọng năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh công bố hôm 6/3.
"Em đã cố gắng hết sức. Giải thưởng là động lực để em đóng góp được nhiều hơn cho xã hội, cộng đồng", chủ nhân tấm huy chương vàng Olympic Tin học quốc tế và Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 nói.
Bách làm quen với tính nhẩm hồi mẫu giáo. Mẹ là người đã đưa Bách đến với Toán khi cho em học thử Bàn tính số học trí tuệ (UCMAS). Năm 2011, Bách học lớp 1 nhưng đã vô địch cấp độ Sơ cấp A cuộc thi UCMAS tại Malaysia.
Theo nam sinh, việc này giúp em rèn luyện về phản xạ, có tư duy linh hoạt và đọc sách rất nhanh. Bách cho hay suốt những năm tiểu học, em chủ yếu tự học, làm bài tập trong những cuốn sách mẹ mua về.
"Nếu không có bố mẹ đồng hành, em sẽ không chuyên tâm vào môn Toán được như vậy", Bách nhớ lại.
Từ năm lớp 4, Bách mới đi học thêm Toán bài bản và bắt đầu tham gia các cuộc thi. Năm học lớp 5 là năm Bách "gặt hái" được nhiều thành tích khi giành huy chương vàng Toán Violympic cấp quốc gia; được đặc cách thi Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS) vì chưa đủ tuổi nhưng giành điểm cao nhất đoàn Việt Nam, nhận huy chương Bạch kim và huy chương vàng Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) tổ chức tại Thái Lan.
Ngoài học Toán, Bách còn được mẹ khuyên học tiếng Anh. Khi thi vào lớp 6, em trúng tuyển vào trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Đỗ vào lớp chọn Toán nhưng cuối cùng Bách chỉ học một năm rồi chuyển trường và chuyển hướng. Em chọn theo Tin học tại trường Ngôi sao, sau khi giành được học bổng của trường này.
Nam sinh cho biết bị thu hút bởi môn Tin học từ cuối năm lớp 6 khi tham gia một trại hè lập trình ở trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Học ngôn ngữ lập trình C++, Bách nhận thấy những dòng code cơ bản được áp dụng rất nhiều từ Toán. Nam sinh có thể tự mày mò, nghịch được những dòng code này và thấy sự thay đổi khi sửa dòng. Môn học mang lại cảm giác tự do và sáng tạo hơn nên Bách dần thấy thích.
Nền tảng Toán vững chắc giúp ích nhiều cho Bách khi bắt đầu học Tin học, khám phá về ngôn ngữ và thuật toán. "Tin học có nhiều ứng dụng hơn nhưng bao nhiêu năm theo đuổi Toán của em cũng không lãng phí. Nhờ Toán, em tiếp cận với Tin thuận lợi", Bách phân tích.
Hàng sáng, Bách dậy lúc 5h để tranh thủ code, dành thời gian buổi tối giải quyết bài tập trên lớp và đi học thêm. Khác với Toán có sẵn nhiều tài liệu tham khảo, Tin học "ít hơn hẳn", chủ yếu trên mạng và bằng tiếng Anh. Muốn học và hiểu được kiến thức mới, Bách không có cách nào khác ngoài tự học.
"May là tài liệu trên mạng nhiều, em cũng khá tiếng Anh nên không quá khó khăn. Càng đọc nhiều, kỹ năng đọc hiểu của em càng tiến bộ", Bách chia sẻ.
Theo Tin học nhưng Bách vẫn tham gia giải Toán Hà Nội mở rộng và giành huy chương vàng. Suốt những năm cấp hai, em cũng giành nhiều giải ở cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc. Sau khi giành giải nhất học sinh giỏi thành phố môn Tin học năm lớp 9, Bách được tuyển thẳng vào lớp 10 Tin, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
"Đôi lúc em cũng thấy nể mình, không hiểu sao có thể 'sống sót' qua hàng loạt kỳ thi. Em rất may mắn, được bồi đắp từ nhỏ nên có cơ hội bật lên so với các bạn cùng trang lứa", Bách nhìn nhận.
"Chàng trai vàng" thừa nhận không ít lần cảm thấy thất vọng, tiếc nuối khi chỉ kém tấm huy chương vàng một điểm. Nhưng nhờ tham gia các cuộ thi từ sớm, em cũng được rèn luyện về tinh thần, học cách vượt qua chán nản và nếu có, "em chơi game 1-2 ngày, rồi quay lại học".
Với Bách, nếu chỉ nghĩ đến việc thi và giành giải thì việc học sẽ không đúng bản chất và gây căng thẳng.
Bốn em đội tuyển Olympic Tin học quốc tế 2022 từ trái sang gồm em Lê Hữu Nghĩa, Trương Văn Quốc Bảo, Dương Minh Khôi và Trần Xuân Bách.
Hiện Bách trong đội tuyển Tin học của trường, ôn tập cho vòng tuyển chọn đội tuyển Olympic Tin học Việt Nam để dự thi quốc tế vào cuối tháng 3. Em học từ 8h sáng đến 16h ở trường, dành 12-14 tiếng mỗi ngày cho Tin học.
Cũng vì vậy, Bách mơ ước du học Mỹ nhưng chưa thể toàn tâm làm hồ sơ ứng tuyển. Nam sinh nói sẽ gap year để có thời gian chuẩn bị hồ sơ chu đáo, tăng cơ hội vào các đại học danh tiếng. Trong một năm đó, Bách dự định tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, dịch các tài liệu Tin học từ tiếng Anh sang tiếng Việt để giúp các em khóa dưới có thể tự học.
Ngoài ra, em cũng muốn tự học thêm các kỹ năng, kiến thức Tin học và viết bài luận. Bách đã có IELTS đạt 8.0, điểm bài thi chuẩn hóa SAT đạt 1590/1600, thuộc top 1% thí sinh có điểm SAT cao nhất thế giới.
"Học phải là cách học nhận thức, thay vì chỉ làm bài, cày đề sẽ dễ phản tác dụng. Quan trọng nhất là phải có tính tự kiểm điểm", Bách nói.
(Theo VnExpress)