Cặp song sinh tốt nghiệp sớm loại xuất sắc ở Ngoại thương

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/4/2023 | 3:00:33 PM

Lần lượt đạt điểm 3.93 và 3.87/4, Thanh Minh và Thu Huyền vào top 20 sinh viên tiêu biểu, cùng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương sớm nửa năm với bằng xuất sắc.

Thanh Minh (bên trái), Thu Huyền cùng bố mẹ, em trai sau Lễ tốt nghiệp, ngày 2/4. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thanh Minh (bên trái), Thu Huyền cùng bố mẹ, em trai sau Lễ tốt nghiệp, ngày 2/4. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Thanh Minh và Trần Thu Huyền, 22 tuổi, quê Vĩnh Phúc, là chị em sinh đôi. Minh theo chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, còn Huyền học Thương mại quốc tế. Cả hai cùng hoàn thành chương trình đại học trong 3,5 năm, được vinh danh ở Lễ tốt nghiệp đợt sớm, hồi đầu tháng 4 của trường Đại học Ngoại thương.

"Mình đã vui phát khóc, gọi báo ngay cho bố mẹ. Kết quả này ý nghĩa hơn khi cả hai chị em đều là sinh viên xuất sắc, cũng là phần kết trọn vẹn cho quãng đời sinh viên", Huyền nói.

Từ bé, Thanh Minh và Thu Huyền luôn học cùng trường. Lúc đăng ký nguyện vọng vào Đại học Ngoại thương, cả hai đều chọn ngành Kinh tế, sau đó được chia về các lớp chuyên ngành khác nhau. Theo Huyền, lần học tách nhau này mang đến cơ hội để hai chị em phát triển và thử thách bản thân.

"Học khác lớp, bọn mình có thể xây dựng các mối quan hệ riêng, quen thêm nhiều bạn bè hơn", Huyền nói.

Ngay khi vào Ngoại thương, Minh và Huyền đều muốn làm cán sự lớp. Cả hai cho rằng nếu đảm nhận các vị trí này, bản thân sẽ có trách nhiệm với việc học hơn. Minh lấy ví dụ, lớp trưởng thường là người ghi lại nhưng lưu ý, nhắc nhở của giảng viên rồi thông tin tới cả lớp. Nữ sinh đánh giá việc này giúp mình hiểu bài hơn khi nắm được các thông điệp quan trọng, đồng thời hỗ trợ được các bạn trong lớp.

Do đó, buổi học đầu tiên ở giảng đường, cặp song sinh đã ứng cử vị trí lớp trưởng. Sự hoạt ngôn, kỹ năng giao tiếp tốt cùng thái độ nghiêm túc với việc học của hai cô gái nhận được sự hưởng ứng của bạn bè. Kết quả, Huyền làm lớp trưởng, Minh là lớp phó. Hai chị em sau đó cũng giữ vai trò tương tự ở nhiều lớp ghép, lớp tín chỉ khác.

Là chị em sinh đôi, Huyền cho rằng việc học của cả hai có nhiều thuận lợi. Vì chương trình Kinh tế đối ngoại và Thương mại quốc tế có nhiều môn giống nhau, Minh và Huyền thường chia sẻ giáo trình, tài liệu và kinh nghiệm học cho người còn lại. Khi ôn thi, hai nữ sinh sẽ chia nhau làm đề cương chi tiết.

"Học cùng giúp bọn mình hỗ trợ nhau, cũng là động lực thúc đẩy người còn lại", Huyền nhìn nhận. Nữ sinh nói nếu Minh đã ôn xong mà mình chưa thì sẽ phải cố gắng hơn.

Kỳ 2 của năm thứ ba, khi học nhiều môn chuyên ngành, có cả môn vấn đáp như Logistics và vận tải quốc tế, Bảo hiểm trong kinh doanh, Minh nói cả hai "lo sốt vó". Thi vấn đáp chỉ gồm hai câu hỏi, nếu không trả lời tốt, khả năng bị điểm kém sẽ cao hơn các môn thi viết.

"Bọn mình bơi ra học, mỗi đứa sụt mất ba kg. Ngoài ôn kiến thức, cả hai thường đóng vai giám khảo để kiểm tra lẫn nhau", Minh nhớ lại.

Khó khăn của hai chị em, theo Minh là do lực học và khả năng tương đương, nếu gặp bài khó, cả hai thường cùng không làm được. Những lúc như vậy, Minh và Huyền sẽ gặp bạn bè, nhờ hỗ trợ.

Ngoài ra, khi đăng ký tín chỉ những môn học chung, hai nữ sinh đôi lúc bất đồng về việc chọn lớp, giờ học, giảng viên. Dù vậy, cả hai không giận nhau quá một ngày, thường hòa giải bằng cách hỏi ý kiến và nghe lời khuyên từ anh chị khóa trên.

Cùng là sinh viên của Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, lại học chung nhiều môn, Minh và Huyền thường bị giảng viên và bạn bè nhầm lẫn.

"Bọn mình thấy thú vị chứ không phiền hay mất thời gian. Việc này giúp hai chị em quen thêm bạn bè của nhau, cũng mở rộng mối quan hệ cá nhân", Huyền nói.

Trong cuộc sống, cả hai rất hợp nhau, cùng gu ăn uống, thời trang. Đôi lúc khi đi trên đường, hai chị em có thể cùng hát một câu. Nhưng trong nhiều trường hợp, Huyền và Minh lại có sự bù trừ mà cả hai cho rằng khó lý giải.

Dạy Thanh Minh và Thu Huyền môn Marketing căn bản và Marketing quốc tế, thạc sĩ Phạm Thị Minh Châu, giảng viên môn Marketing và Truyền thông, cho biết trong hơn 7 năm đứng lớp, đây là lần đầu cô gặp một cặp song sinh có thành tích học nổi bật như Minh và Huyền.

"Tôi đặc biệt ấn tượng. Khi trò chuyện với các giảng viên khác, nhiều người biết tới thành tích học tập của cặp sinh đôi này", cô Châu nói.

Trong cả hai môn cô Châu dạy, Minh đều làm lớp trưởng. Cô giáo đánh giá nữ sinh có tinh thần trách nhiệm cao, thường chủ động hỗ trợ giảng viên chứ không đợi thầy cô giao mới làm. Minh cũng thường có những ý tưởng, gợi ý với cô trong việc chia nhóm thuyết trình để giờ học hiệu quả hơn.

Với Huyền, cô Châu đánh giá nữ sinh có kiến thức và kinh nghiệm về Marketing, từng tham gia tư vấn, chia sẻ về lĩnh vực này với đàn em khoá dưới.

Thanh Minh đang làm việc ở ngân hàng, còn Thu Huyền đảm nhận vị trí quan hệ khách hàng tại một công ty truyền thông. Bằng tốt nghiệp loại xuất sắc từ trường Đại học Ngoại thương không quyết định tất cả, nhưng Minh cho rằng đã giúp hai chị em gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Huyền nhìn nhận hai chị em không có xuất phát điểm nổi trội, cũng không thuộc nhóm xuất chúng, nhất là khi Ngoại thương có nhiều sinh viên tài năng. Điểm mạnh của Huyền và Minh là biết đặt mục tiêu, biến áp lực thành động lực để cùng nhau cố gắng. Hai nữ sinh cũng được bố mẹ ủng hộ.

Nhắc về vai trò của người còn lại, cả hai cho rằng mình may mắn vì có người đồng hành, cũng vừa là người thân và tri kỷ.

"Cuối năm nay, bọn mình dự định học thạc sĩ ngành Quản lý kinh tế tại trường Đại học Ngoại thương", Huyền cho biết.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Đặng Lê Hiếu Nguyên hiện là sinh viên Đại học Houston (Mỹ).

5 năm trước, Nguyên từng không định lựa chọn theo học kỹ sư hóa học ở bậc đại học nhưng sau đó cậu đã quyết định rẽ hướng và giành học bổng tiến sỹ ở Mỹ.

Sản phẩm "Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa" do Nguyễn Thị Như An (lớp 9/1) và Nguyễn Ngọc Ngân (lớp 9/2) sáng chế đã góp phần giúp nông dân đỡ nỗi lo bệnh tật trong quá trình canh tác lúa.

Thấy xe lăn chủ yếu dùng cần gạt, Toàn tìm cách chế tạo xe điều khiển bằng giọng nói, cùng một cánh tay robot hỗ trợ, có thể đo huyết áp, nhịp tim cho người khuyết tật.

Thu Hiền đại diện cho các tân cử nhân, phát biểu tri ân trong buổi Lễ tốt nghiệp đợt một, năm 2023, của trường Đại học Ngoại thương, sáng 2/4.

Trần Thị Thu Hiền đứng đầu đợt xét tốt nghiệp sớm của trường Đại học Ngoại thương với điểm trung bình 3,99/4, chỉ duy nhất một môn không đạt điểm A.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục