Đám cưới người Dao quần trắng (phần 2): "Gúy vằng" để nhận dâu con về nhà
- Cập nhật: Thứ ba, 16/3/2010 | 2:36:51 PM
YBĐT - Theo phong tục của người Dao thì dù xa hay gần, khi sang đến nhà trai, đoàn nhà gái cũng phải nghỉ lại ở đâu đó rồi đến giờ hoàng đạo (thường là vào khoảng 5h – 6h chiều) thì cô dâu mới được lên nhà trai.
Đến sáng hôm sau, chú rể ra vái tổ tiên, thầy cúng báo với thổ công rằng đất nhà có thêm người mới. Sau khi chú rể làm lễ thưa rượu ông bà, cha mẹ và những người có mặt tham dự xong thì chú rể sẽ tự bỏ về nhà trước.
Đến giờ đã định, sau khi đã trang điểm xong thì cô dâu sẽ lên buồng, dùng quạt để che mặt và thầy mờ của nhà trai choàng cho cô dâu chiếc áo vàng mà chú rể đã mặc hôm qua, còn đoàn nhà trai sẽ đứng hát xin dâu. Người Dao quan niệm, khi đi lấy chồng thì cô dâu không được để hở mặt ra bởi như thế sẽ mất vía và cô dâu sẽ không gặp may trong suốt cuộc đời.
Ông mờ cùng các phù dâu, phù rể đưa cô dâu về nhà trai.
Ra đến cửa, thầy cúng sẽ làm phép để xin cô dâu ra khỏi nhà được bình an. Ông mờ cùng các phù dâu, phù rể đưa cô dâu về nhà trai. Trên đường đi lúc nào ông mờ tay cũng cầm một chiếc ô và ở đầu ô đã được làm phép.
Theo phong tục của người Dao thì dù xa hay gần, khi sang đến nhà trai, đoàn nhà gái cũng phải nghỉ lại ở đâu đó rồi đến giờ hoàng đạo (thường là vào khoảng 5h – 6h chiều) thì cô dâu mới được lên nhà trai. Đó là khoảng thời gian tốt nhất cho cô dâu và chú rể sau này.
Đến gần cầu thang nhà trai thì một bà cô hay chị gái chồng sẽ đeo nữ trang lên người cô dâu rồi thầy mờ chùm “Gúy vằng” lên đầu. Điều đó có nghĩa là nhà trai đã chính thức công nhận cô dâu là người nhà mình.
Chị gái chồng sẽ đeo nữ trang lên người cô dâu để chính thức công nhận cô dâu là người nhà mình. |
Sau đó, một phù rể sẽ cầm tay áo của cô dâu dẫn lên cầu thang, thầy cúng bên nhà trai đã chờ sẵn ở cửa và làm phép rửa chân cho cô dâu, bước chân đầu tiên bước vào nhà chồng thì cô dâu phải bước chân phải. Trong đám cưới của người Dao thì chú rể không được ra đón và cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi các nghi lễ lạy tạ tổ tiên được thực hiện xong bởi người Dao cho rằng, có như vậy thì mới tránh được những điều rủi ro, cô dâu và chú rể mới sống hạnh phúc trăm năm.
Sau khi vào đến buồng cô dâu sẽ được cởi Gúy vằng. Ở bên ngoài, thầy mờ sẽ nói chuyện với đại diện bên nhà trai, nói rằng từ nay con gái đã là con của gia đình và nhờ bên này bảo ban cháu thêm. Rồi cô dâu ra để vái lạy gia tiên, họ hàng bên nhà chồng. Sau đó thầy cúng sẽ cúng trình báo tổ tiên nhà trai rồi thay mặt gia chủ mời tổ tiên về dự và phù hộ cho hai gia đình cùng đôi vợ chồng trẻ. Những người đến dự đều chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể, tạo nên không khí vui tươi của cả bản làng.
Hiện nay, một lễ cưới theo đúng phong tục tập quán của người Dao quần trắng không còn nhiều nơi tổ chức bởi do cuộc sống mới nên đã có sự cải tiến cho gọn nhẹ hơn.
Lễ cưới truyền thống của người Dao quần trắng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cần được gìn giữ nhằm góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt
Thanh Chi - Đức Toàn