Tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/2/2008 | 12:00:00 AM

Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc Bộ, có vị trí của ngõ của vùng Tây Bắc.

Yên Bái có diện tích tự nhiên 6.882,9 km2, nằm trải dọc đôi bờ sông Hồng. Phía đông bắc, Yên Bái giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía đông nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía tây nam giáp tỉnh Sơn La, phía tây bắc giáp tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 181 xã, phường, thị trấn.

Địa hình Yên Bái có độ dốc lớn, cao dần từ đông sang tây, từ nam lên bắc, độ cao trung bình 600 mét so với mực nước biển và có thể chia làm hai vùng: vùng thấp ở tả ngạn sông Hồng và lưu vực sông Chảy mang nhiều đặc điểm của vùng trung du; vùng cao thuộc hữu ngạn sông Hồng và cao nguyên nằm giữa sông Hồng và sông Đà có nhiều dãy núi. Yên Bái có khí hậu đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều nên độ ẩm cao. Do địa hình và thời tiết đã tạo cho Yên Bái có các loại rừng nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới trên núi cao.

Đất rừng màu mỡ, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi và trồng rừng sản xuất nguyên liệu giấy. Đất nông nghiệp chiếm gần 10% diện tích tự nhiên, trong đó có cánh đồng Mường Lò rộng 2.300 ha nổi tiếng vùng Tây Bắc. Dưới bàn tay lao động cần cù của người dân Yên Bái đã tạo ra nhiều sản vật có giá trị như: chè, quế, gạo nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, nhãn Văn Chấn. Trong lòng đất có nhiều tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn với nhiều mỏ kim loại, mỏ nguyên liệu, khoáng sản phi kim; đặc biệt là các mỏ thạch anh, đá fenspat, đá trắng phục vụ chế biến nguyên liệu sản xuất công nghiệp có chất lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ngoài hai con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, khoảng 200 ngòi, suối lớn nhỏ cùng hệ thống hồ đầm, Yên Bái còn có hồ Thác Bà - hồ nước được tạo nên bởi bàn tay con người có diện tích mặt nước trên 20.000 ha, trên đó có 1.300 đảo lớn nhỏ. Hồ có sức chứa 3 – 3,9 tỷ m3 nước là điều kiện để phát triển nguồn thuỷ sinh vật và là nguồn năng lượng phục vụ hoạt động của Nhà máy thuỷ điện Thác Bà - Công trình thuỷ điện đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hồ Thác Bà cùng với những tiểu vùng khí hậu, các lễ hội, di tích danh thắng của Yên Bái đang trở thành điểm đến của du khách gần xa.

Giao thông ở Yên Bái khá thuận lợi với sự có mặt của hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thuỷ. Thông thương từ Yên Bái đến các tỉnh lân cận của miền Tây Bắc và Việt Bắc ngày càng phát triển nhất là khi hệ thống đường bộ tiếp tục được hoàn thiện, tuyến đường sắt Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai nối liền tới nước bạn Trung Quốc được nâng cấp. Bên cạnh đó, hệ thống bưu chính viễn thông được hiện đại hoá, đáp ứng mọi yêu cầu về thông tin liên lạc. Công nghiệp khai khoáng và chế biến đã khai thác được tiềm năng sẵn có, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh, nông nghiệp của tỉnh có bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Nhiều mô hình kinh tế trang trại thể hiện tính đa dạng trong hoạt động nuôi trồng của người dân và tạo ra một lượng sản phẩm đáng kể đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Kinh tế thương mại có nhiều khởi sắc, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 699.900 người (2003) gồm 30 dân tộc anh em chung sống. Yên Bái tự hào là mảnh đất sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hoá phát triển, thể hiện ở những di vật, di chỉ phát hiện ở hang Hùm (Lục Yên), công cụ bằng đá ở Thẩm Thoóng (Văn Chấn), thạp đồng Đào Thịnh, Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Minh Xuân (Lục Yên). Cùng với đó là việc phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ, các đền tháp, khu di tích lịch sử đã chứng tỏ truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta trên mảnh đất Yên Bái  xưa kia gắn liền với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của mỗi triều đại, mỗi thời kỳ.

Được thành lập năm 1900, tỉnh Yên Bái đã trải qua hơn một thế kỷ đấu tranh xây dựng và trưởng thành. Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng - bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc; giữ vững biên giới phía bắc và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Các dân tộc ở Yên Bái sống xen kẽ, quần tụ ở khắp các địa phương trên địa bàn của tỉnh với những bản sắc văn hoá phong phú, đặc sắc. Tất cả đã hoà quyện để tạo nên vốn văn hoá quý giá trong kho tàng văn hoá dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vốn văn hoá ấy đang được nhân dân các dân tộc Yên Bái đoàn kết gìn giữ và phát huy. Bằng vốn văn hoá ấy và dựa vào những tiềm năng của địa phương, mỗi người dân Yên Bái đang chung vai gánh sức xây dựng Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển trong khu vực miền núi Bắc Bộ.

YBĐT

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục