Thành phố Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/11/2004 | 12:00:00 AM

Thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị, kinh tế xã hội của tỉnh, được công nhận là đô thị loại III thành lập theo Nghị định số 05/2002/NĐ-CP ngày 11/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Yên Bái cũ.

Bản đồ tỉnh Yên Bái
Bản đồ tỉnh Yên Bái

 
 Thành phố Yên Bái bên dòng sông Hồng

Diện tích đất tự nhiên 5.802 ha, trong đó đất nội thành là 2.095,5 ha, đất sản xuất nông-lâm nghiệp 4.001 ha. Thành phố có 76.474 người, gồm 18 dân tộc anh em sinh sống, đa số là dân tộc Kinh. Thành phố là cửa ngõ vào vùng Tây Bắc, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, phía Đông- Đông Bắc tiếp giáp huyện Yên Bình, phía Tây- Tây Nam tiếp giáp huyện Trấn Yên, với tổng số 11 xã, phường (7 phường gồm: Đồng Tâm, Yên Thịnh, Minh Tân, Yên Ninh, Nguyễn Thái Học, Hồng Hà, Nguyễn Phúc và 4 xã: Tuy Lộc, Nam Cường, Minh Bảo, Tân Thịnh). Thành phố có các tuyến  đường bộ, đường sắt, đường sông Hồng ngược Lào Cai, xuôi Phú Thọ, Hà Nội, tương lai sẽ mở cảng hàng không dân dụng Yên Bái. Nhiều tài nguyên khoáng sản có trữ lượng cao như: cao lanh, penspat, đất sét… Đặc biệt, có 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia là: Sân vận động Yên Bái, nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc trong tỉnh (ngày 25/9/1958); Khu tưởng niệm Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông. 
Thành phố Yên Bái là mảnh đất có lịch sử, văn hoá lâu đời. Hiện nay có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn khá nhanh, chuyển dịch cơ cấu luôn đúng hướng và toàn diện. Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có mức tăng bình quân 20,3%/năm, khu vực kinh tế nhà nước tăng 21,7%… nhiều sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước như: sứ cách điện, chè, cao lanh tinh lọc. Cơ cấu kinh tế đô thị được hình thành rõ nét, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá-hiện đại hoá. Bước đầu hình thành vùng rau an toàn tại xã Tuy Lộc, trồng hoa tập trung tại xã Tuy Lộc, Nam Cường; cải tạo, trồng giống chè mới tại xã Minh Bảo, Tân Thịnh; triển khai trồng cây nguyên liệu giấy, rừng phong cảnh trên địa bàn; mở rộng quy mô nuôi lợn siêu nạc, trâu, bò theo phương pháp công nghiệp. Thành phố chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,12%/năm, tổng mức luân chuyển hàng hoá năm 2003 đạt 798 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh, mở mới nhiều tuyến đường nội, ngoại thành. Thành phố đang phấn đấu trở thành đô thị loại II, mở rộng diện tích thành phố tăng gấp 2,3 lần so với hiện nay, hướng mở rộng theo quốc lộ 37, phía hữu ngạn sông Hồng. Mục tiêu của thành phố là xây dựng thành đô thị xanh-sạch-đẹp xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh.

Các tin khác

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục