Chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề
- Cập nhật: Thứ hai, 1/6/2015 | 4:01:27 PM
YênBái - YBĐT - 5 năm qua, công tác đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Văn Chấn rất quan tâm. Do vậy, công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện đã thu được nhiều kết quả khả quan, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.
Giờ thực hành kỹ thuật làm đõ nuôi ong mật cho đồng bào Thái xã Sơn Thịnh.
(Ảnh: Minh Tuấn)
|
Đặc biệt, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ triển khai có hiệu quả, đã tạo ra chuyển dịch cơ bản về cơ cấu, chất lượng lao động, góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được đánh giá có hiệu quả, góp phần vực kinh tế cho nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương của huyện đi lên.
Trong 5 năm qua, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 17.750 lao động, trong đó đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo Quyết định 1956 là 3.141 lao động. Mỗi năm có 150 - 200 người được xuất khẩu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thị trấn xuống còn 0,6%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn lên 78%. Bà Phạm Thị Minh Hạnh - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn cho biết: "Các ngành chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề, việc làm đối với lao động nông thôn. Đặc biệt, hàng năm tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học nghề tại 31/31 xã, thị trấn của huyện.
Theo đó, số lao động có nhu cầu học nghề hàng năm trên 3.300 người, trong đó nhóm nghề nông nghiệp trên 2.000 lao động, phi nông nghiệp trên 1.300 lao động. Cùng với đó, đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; xác định danh mục nghề đào tạo, số lượng có nhu cầu đào tạo nghề để xây dựng kế hoạch đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và bảo đảm việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học". Do vậy, việc lập kế hoạch hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm luôn sát với thực tế.
Trong những năm qua, huyện Văn Chấn đã tập trung đào tạo 17 nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 8 nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, chạm khắc đá, sửa chửa điện dân dụng, chế biến chè... và 9 nghề nông nghiệp như trồng nấm, chăn nuôi thú y, trồng trọt và chế biến nông sản...
Từ năm 2010 - 2014, đã xây dựng và triển khai có hiệu quả 9 mô hình thí điểm đào tạo nghề với số lao động đào tạo là 265 người. Trong quá trình triển khai các mô hình thí điểm trên địa bàn huyện đã giúp cho lao động sau học nghề áp dụng vào sản xuất, tăng mức thu nhập, cải thiện đời sống, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Nổi bật là mô hình trồng nấm tại xã Sơn A, Phúc Sơn huyện Văn Chấn, mô hình chăn nuôi lợn mở tại xã Tân Thịnh; mô hình chạm khắc đá mở tại xã Sơn Thịnh...
Bà Mã Thị Chương ở thôn Gốc Bục, xã Sơn A năm 2013 được học kỹ thuật trồng nấm, đã phát triển thành nghề. Đến nay, sau 2 năm, mô hình trồng nấm của bà đi vào hoạt động cho thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Bà Chương phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi trước chỉ trông vào ít diện tích đồi nương không đủ để nuôi 5 miệng ăn trong nhà nên kinh tế khó khăn. Được xã vận động học nghề trồng nấm, rồi cán bộ hướng dẫn, mở mô hình, đến nay kinh tế gia đình khá hơn nhiều, đã sắm được tivi, xe máy, nuôi con cái ăn học".
Với khoảng 3.000 lao động được đào tạo nghề mỗi năm đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 20% năm 2011 lên 32% năm 2015 và giải quyết việc làm cho 70 - 80% lao động sau học nghề. Từ đó, tạo điều kiện tốt để thực hiện chương trình giảm nghèo và đã thu được những kết quả cơ bản, dần dần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giầu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 38,97% năm 2011 xuống còn 20,62% năm 2015, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%. Kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh Lai Châu do đồng chí Tống Thanh Hải - Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Trường trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ để tìm hiểu mô hình hoạt động của nhà trường.
Từ ngày 1/8 đến ngày 30/9/2015, tất cả học sinh, sinh viên đang học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước có thể gửi video và ảnh tham dự cuộc thi “Học nghề và cơ hội trong thế giới việc làm hội nhập quốc tế” do Hội đồng Anh phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức.
YBĐT - Do sinh sống ở vùng núi cao nên đồng bào Mông cần có những nông cụ sắc, bền phục vụ sản xuất. Vì thế, từ lâu người Mông đã có nghề đúc lưỡi cày.
Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và có khả năng thu nhập cao hơn sau học nghề.