Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Khắc phục “thừa thầy, thiếu thợ”
- Cập nhật: Thứ ba, 25/8/2015 | 3:22:11 PM
YênBái - YBĐT - Tại cuộc họp đầu tháng 8 năm 2015 giữa UBND tỉnh với các huyện, thị, thành phố về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thấy, công tác dạy nghề hiện nay còn nhiều tồn tại, yếu kém như: tỷ lệ đào tạo nghề đạt thấp, số lao động sau học nghề không làm đúng với nghề đào tạo, người học nghề chưa thoát nghèo, cán bộ giáo viên dạy nghề còn thiếu kinh nghiệm về giảng dạy… đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dạy nghề đề ra.
Học sinh trường Trung cấp Nghề Lục Yên trong giờ hướng dẫn sửa chữa đồ điện.
|
Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái là điểm đào tạo trường lý tưởng cho những ai có nhu cầu học nghề. Sau nhiều năm khẩn trương đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, tháng 8 năm 2012 cơ sở mới, được đưa vào hoạt động tại thôn 2 xã Văn Phú (thành phố Yên Bái). Trường được giao nhiệm vụ đào tạo 3 cấp nghề gồm: cao đẳng đào tạo 7 nghề, trung cấp 14 nghề và sơ cấp 22 nghề. Đội ngũ cán bộ giáo viên của nhà trường những năm gần đây cũng không ngừng được tăng cường với 157 cán bộ, giáo viên, trong đó 36 người có trình độ thạc sỹ, 87 đại học và 34 người có trình độ khác. Bộ máy tổ chức của Trường gồm 15 đơn vị; 5 phòng chức năng, 1 trung tâm, 8 khoa chuyên môn, 1 tổ chuyên trách.
Để hoàn thành kế hoạch tuyển sinh hàng năm, Trường xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu và là công việc thường xuyên, liên tục. Để thu hút học sinh, Trường đã giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng đơn vị và cán bộ, giảng viên, quan tâm đầu tư kinh phí và các hình thức tuyên truyền về tuyển sinh. Tuy nhiên, do khó khăn chung về công tác tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề nên những năm gần đây lượng học sinh đến học nghề tại Trường chỉ đạt 3.500 đến 3.700 học sinh/năm.
Ông chí Trịnh Tiến Thanh - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Hiện nay, hệ đào tạo chính quy gặp rất nhiều khó khăn do mất cân đối giữa các ngành học, một số nghề không tuyển sinh được hoặc rất ít học sinh. Khó khăn nữa là trang thiết bị được đầu tư hàng năm nhưng còn thiếu, chưa đồng bộ theo chuẩn ngành nghề đào tạo; một số giáo viên cơ hữu còn thiếu, dẫn tới chưa chủ động trong đào tạo, một số giáo viên còn yếu về kỹ năng nghề. Một số nguyên nhân khách quan theo nhà trường đánh giá là do nhận thức của người học và xã hội chưa đúng về đào tạo nghề; do các trường đại học, cao đẳng mở ra nhiều, điểm tuyển sinh hấp dẫn; do suy thoái kinh tế nên các doanh nghiệp ít có nhu cầu tuyển dụng dẫn tới đầu ra cho người học gặp khó khăn; kinh phí của Nhà nước đầu tư cho đào tạo nghề còn thấp… Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2020 nhà trường vẫn sẽ tập trung 5 nghề trọng điểm, trong đó 1 nghề cấp độ quốc tế và 4 nghề cấp độ ASEAN”.
Câu chuyện dạy nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, qua tìm hiểu thực tế của nhiều địa phương mới thấy đây là bài toán khó. Huyện Lục Yên là một ví dụ. Đây là huyện có trên 60 ngàn người đang trong độ tuổi lao động với gần 70 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động với các ngành nghề như: xây dựng, chế biến gỗ rừng trồng, khai thác cát sỏi, khai thác, chế biến khoáng sản … hàng năm thu hút trên 3.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định với mức lương từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Nói về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, ông Trần Tiến Hưng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, kế hoạch giao thì Phòng phải nỗ lực hoàn thành, còn chuyện học nghề thì người dân có nhu cầu mới đăng ký học, chứ ép sao được. Trung bình mỗi năm huyện tạo việc làm mới cho trên 3.000 lao động gồm 2 nhóm: đi làm việc ngoài tỉnh như nghề thợ xây, làm mộc, may mặc… chiếm khoảng 1.500 lao động. Nhóm thứ 2 làm việc tại địa phương như tham gia lao động từ các chương trình dự án, ngành nghề nông lâm nghiệp, chăn nuôi…1.500 lao động.
Về nghề truyền thống, chỉ có một số xã như: An Phú, Mường Lai, Phan Thanh, Tân Lập… là làm nghề đan rọ tôm lúc nông nhàn. Nghề chế tác đá trắng vừa nhen nhóm được mấy năm, nhưng tuyến đường cao tốc Yên Bái - Lào Cai đưa vào sử dụng, quốc lộ 70 chạy qua các xã của huyện trở lên đìu hiu nên nghề này cũng không thuận lợi. Trước đây, có gần 20 điểm bán đá thủ công mỹ nghệ bây giờ đóng cửa, doanh nghiệp và người dân đành chung số phận.
Trường Trung cấp Nghề huyện Lục Yên tại tổ 10, thị trấn Yên Thế có điểm trường khá khang trang, gồm khu nhà cho học sinh ở nội trú, nhà làm việc của Ban Giám hiệu, khu vực nhà lớp học và thực hành... Hiệu trưởng Nông Ngọc Ánh cho biết, Trường có 23 giáo viên, trong đó 16 người trình độ đại học, 4 cao đẳng, 3 trung cấp. Trường đào tạo 17 nghề chính: điện công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, hàn, may mặc, chạm khắc đá, chăn nuôi thú y… Hàng năm, thực hiện kế hoạch tuyển sinh đào tạo trung bình trên 900 người, nhưng 3 năm gần đây mặc dù đã cố gắng nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch bởi nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận người lao động về học nghề chưa đầy đủ, chưa quan tâm đến việc học nghề mà chỉ quan tâm đến đến các công việc phổ thông với mức thu nhập từ 100 đến 200 ngày đồng/ngày để bảo đảm sinh hoạt hàng ngày mặc dù Trường đã tăng cường phối hợp với các địa phương, đoàn thể thông báo tuyển dụng.
Thăm lớp học sửa chữa điện dân dụng của nhà trường với trên 30 học sinh, thầy Nguyễn Anh Lương - kỹ sư công nghệ kỹ thuật điện- điện tử cho biết: “Lớp học chương trình 3 năm gồm cả học nghề và học bổ túc văn hóa. Trình độ nhận thức của các học sinh chậm, bởi đa phần ở các xã vùng cao về học, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì truyền nghề để các em sau này tốt nghiệp tự mở được của hàng và sống được bằng nghề”.
Học viên Lê Văn Duyên ở thôn Rầu, xã Phan Thanh cho biết: “Các thầy ở đây giảng dạy rất nhiệt tình, chúng em cũng luôn động viên nhau cố gắng để không phụ công thầy. Sau 3 năm học, em có 2 bằng tốt nghiệp là trung cấp nghề điện và bằng tốt nghiệp THPT và em sẽ mở cửa hàng sửa chữa điện ngay tại nhà”. Học viên Nông Văn Thế, thôn Mỏ Cao, xã An Phú, cho biết thêm: “Em học ở trường được gần 1 năm. Nguyện vọng sau này tốt nghiệp mong muốn xin vào làm việc thuộc ngành điện để có thu nhập ổn định cho cuộc sống sau này”.
Nghề làm thảm hạt luôn thu hút khá đông phụ nữ tại thị xã Nghĩa Lộ tham gia.
Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 72.000 lao động nông thôn (bình quân 14.000 người/năm), trong đó khoảng 61.000 lao động nông thôn được học nghề gồm hỗ trợ đặt hàng đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho 54.000 lao động nông thôn (bình quân 10.800 người/năm). Theo cơ cấu, khoảng 24.300 người được học nghề nông nghiệp (chiếm 45%); người học nghề phi nông nghiệp 29.790 người (chiếm 55%) và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 11.000 lượt cán bộ công chức cấp xã. Mục tiêu, phương hướng là vậy, nhưng với 24 cơ sở dạy nghề toàn tỉnh gồm 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 9 trung tâm dạy nghề và 11 cơ sở tham gia dạy nghề thì tính đến hết giữa năm 2015, số lao động nông thôn được học nghề là 45.700 người.
Cũng sau 4 năm triển khai Đề án 1956, đã có 22.725 lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề và có 850 hộ thoát nghèo sau 1 năm học nghề và 855 người có thu nhập khá sau 1 năm học nghề. Trong 5 năm (2010-2014) đã có 12.373 hộ sau khi học nghề được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất với số tiền trên 247 tỷ đồng. Từ việc vay vốn, tạo việc làm đã nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 42,8%. Nhiều mô hình dạy nghề đạt tỷ lệ tạo việc làm cao như: nuôi ong mật tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải; trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm ở xã Đào Thịnh, Tân Đồng (huyện Trấn Yên); trồng nấm ở Văn Yên… thu nhập bình quân sau học nghề đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng Đức Vượng - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Các cơ sở dạy nghề cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều cơ sở còn những tồn tại yếu kém: các cơ sở dạy nghề thiếu giáo viên dạy nghề cơ hữu; các trung tâm dạy nghề đang có tình trạng thừa giáo viên văn hóa, thiếu giáo viên dạy nghề; trình độ, kinh nghiệm một số giáo viên còn hạn chế; cơ sở vật chất tại nhiều cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ; nắm bắt nhu cầu học nghề của nhiều địa phương chưa cao… Giải pháp chung thời gian tới là không đào tạo tràn lan mà phải phù hợp với nhu cầu lao động; chú trọng đào tạo theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đào tạo theo hướng chiến lược xuất khẩu lao động và các công ty, doanh nghiệp theo nhu cầu tuyển dụng…”.
Nước ta đang hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới, điều này đã tác động không nhỏ đến đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động. Những mong muốn hiện nay của người lao động là cần có những chính sách như vừa học nghề, vừa học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức để tham gia xuất khẩu lao động; cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà trường trong đào tạo nghề… nhằm bảo đảm được đầu ra sau đào tạo, đáp ứng các yêu cầu dạy nghề, giải quyết việc làm hiện nay.
Thạch Phong
Các tin khác
Tính đến ngày 14/8/2015, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã lựa chọn được 47 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia thí điểm cung ứng lao động khán hộ công và 14 doanh nghiệp cung ứng lao động thuyền viên tàu cá gần bờ sang Đài Loan làm việc.
YBĐT - 7 tháng đầu năm 2015 các cơ sở dạy nghề tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho 6.261 người/13.970 người, đạt 45% kế hoạch đề ra.
Bắt đầu từ chiều ngày 4-8, các thí sinh Việt Nam đã chính thức lên đường đến Brazil để tham dự kỳ thi Tay nghề Thế giới lần thứ 43.