Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
- Cập nhật: Thứ tư, 21/10/2015 | 2:16:32 PM
Người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết.
Ảnh minh họa.
|
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến vào dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo Dự thảo, người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp được hỗ trợ như sau: học nghề ngắn hạn tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học không quá 12 tháng; học ngoại ngữ, tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tối đa 530.000/người/khóa; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở các địa điểm học từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với các địa bàn các xã đặc biệt khó khăn tối đa 400.000đồng/lao động. Bên cạnh đó, người lao động còn được hỗ trợ chi phí thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài.
Đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, là thân nhân của người có công với cách mạng được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết bằng 70% mức hỗ trợ cho người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với nước tiếp nhận lao động hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài mà không được phía nước ngoài đài thọ sẽ được hỗ trợ một phần chi phí.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động ngoài nước: chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường lao động; hỗ trợ hoạt động quảng bá về nguồn lao động Việt Nam; hỗ trợ hoạt động củng cố, phát triển thị trường lao động ngoài nước.
Dự thảo Thông tư này được lấy ý kiến đến ngày 19/12/2015.
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước vào các ngày 15 và 31/10/2015.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện kinh tế Đài Loan đang bị ảnh hưởng xấu bởi biến động của kinh tế thế giới, dẫn đến việc làm và thu nhập của một bộ phận lao động nước ngoài gặp khó khăn.
Trước tình hình một số nhà máy lớn tại Đài Loan thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm, nhân lực và không nhận thêm lao động nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa có Công văn số 1471/QLLĐNN-ĐL-CM yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường quản lý và bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam khóa IV năm 2015 sang Nhật Bản làm việc.