Phát triển các làng nghề tạo việc làm ở nông thôn
- Cập nhật: Thứ tư, 28/10/2015 | 9:48:24 AM
YênBái - YBĐT - Ngoài các làng nghề đan rọ tôm, một số làng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở huyện Yên Bình (Yên Bái) cũng đã được hình thành từng bước phát triển như làng du lịch cộng đồng Ngòi Tu (xã Vũ Linh), làng du lịch sinh thái Đồng Tý (xã Phúc An), hàng năm đón hàng nghìn lượt khách nước ngoài đến tham quan.
Nghề đan rọ tôm góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng hồ Thác Bà.
|
Yên Bình là huyện có địa hình chia cắt bởi hồ Thác Bà, đồi núi và sự phân bố dân cư tự nhiên theo từng dân tộc, nên cũng hình thành các vùng quê mang tính đặc thù. Cùng với đó, điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo nơi đây đã hình thành nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như: mây, tre, đan, gỗ lũa, làng nghề dệt, thêu thổ cẩm. Tuy nhiên, làm sao để phát triển những nghề truyền thống trở thành các làng nghề có quy mô lớn hơn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân là vấn đề cần được quan tâm.
Những năm gần đây, huyện Yên Bình đã hình thành một số làng nghề, chủ yếu là đan rọ tôm tại các xã: Yên Thành, Phúc An, Xuân Lai và rải rác ở các thôn của một số xã khác vùng thượng huyện. Nghề đan rọ tôm phát triển mạnh, đem lại thu nhập khá ổn định, bình quân từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng/hộ. Sản phẩm rọ tôm đã trở thành hàng hóa có "thương hiệu" của huyện Yên Bình, được tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh có hồ thủy điện lớn như: Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu.
Tới thăm gia đình anh Dương Ngọc Chinh, thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, là một trong những hộ có thâm niên làm nghề đan rọ tôm. Trước sân nhà anh ngổn ngang đủ các loại: giang, tre, nứa, thân rọ và hom rọ. Anh Chinh cho biết: “Nghề này được cái dễ làm. Từ trẻ con đến người già, ai ai cũng làm được mà thu nhập lại khá đối với nông dân”. Để minh chứng, anh kéo chúng tôi vào nhà và thấy những đứa nhỏ mới chỉ học lớp 5, lớp 6 đang tranh thủ phụ giúp gia đình. Tất cả 4 người trong nhà anh Chinh đều đan rọ vào bất cứ lúc nào khi mọi việc trong ngày đã hoàn tất. Nghề đan rọ tôm có thể làm quanh năm, nhưng rầm rộ nhất vào tháng 6 dương lịch đến hết tháng 12 rồi thưa dần nhường cho đến vụ xuân.
Đến Phúc An vào những ngày người dân đang ở thời điểm nông nhàn, gần như cả xã tập trung đan rọ cả ngày lẫn đêm. Người mới làm thì chẻ giang, nứa làm nan, người có kinh nghiệm thì đan thân rọ, đan hom. Mỗi người một công đoạn, ai cũng say sưa làm việc thoăn thoắt. Bình quân mỗi người một ngày đan được khoảng 40 chiếc rọ, giá bán bình quân 4.500 đồng/rọ, trừ chi phí nguyên liệu 1.000 đồng/rọ thì một ngày, mỗi người có thu nhập khoảng 140.000 đồng.
Ngoài các làng nghề đan rọ tôm, một số làng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng đã được hình thành từng bước phát triển như làng du lịch cộng đồng Ngòi Tu (xã Vũ Linh), làng du lịch sinh thái Đồng Tý (xã Phúc An), hàng năm đón hàng nghìn lượt khách nước ngoài đến tham quan. Tuy nhiên, các làng nghề phát triển còn manh mún, mang tính tự phát, chưa được quan tâm đầu tư nên cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch tại những làng du lịch còn chưa đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi của du khách; sản phẩm rọ tôm còn bị tư thương ép giá, giá không ổn định; sản phẩm dệt, thêu thổ cẩm không có thị trường tiêu thụ...
Để Yên Bình thực sự có những làng nghề đạt chuẩn tiêu chí làng nghề theo quy định và hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng và kinh tế của huyện nói chung, trong thời gian tới huyện Yên Bình xác định cần tập trung chỉ đạo phát triển một số ngành nghề đã trở thành làng nghề như: làng nghề dệt, thêu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao tại thôn Máy Đựng (xã Yên Thành); làng du lịch cộng đồng tại thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh); làng du lịch sinh thái tại thôn Đồng Tý (xã Phúc An), thôn Làng Ven (xã Ngọc Chấn); nâng cấp các làng đan rọ tôm tại các xã: Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai thành các hợp tác xã nghề và chuyển đổi nghề đan lát các vật dụng thông thường, ít giá trị kinh tế sang nghề thủ công mỹ nghệ mây, tre đan có giá trị kinh tế cao hơn, đan lát đồ dùng sinh hoạt, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Anh Dũng
Các tin khác
Từ ngày 1/10, thời gian đón người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Malaysia tại hai sân bay KLIA và KLIA 2 sẽ được rút ngắn xuống 6 giờ.
Người lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết.
Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước vào các ngày 15 và 31/10/2015.
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện kinh tế Đài Loan đang bị ảnh hưởng xấu bởi biến động của kinh tế thế giới, dẫn đến việc làm và thu nhập của một bộ phận lao động nước ngoài gặp khó khăn.