Hiệu quả từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thành phố Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/12/2015 | 9:18:08 AM

YBĐT - Trong những năm qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Đề án 1956 đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, thành phố Yên Bái quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Lớp đào tạo nghề may dân dụng mở tại xã Âu Lâu.
Lớp đào tạo nghề may dân dụng mở tại xã Âu Lâu.

Thông qua việc học nghề, người dân ở khu vực nông thôn đã có sự thay đổi cơ bản trong tập quán sản xuất, biết lựa chọn loại hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp, mạnh dạn trong việc lựa chọn các giống mới cho năng suất cao đưa vào sản xuất để nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo.

Do có lao động và diện tích đất vườn rộng, nhiều năm gia đình chị Phạm Thị Xuân ở thôn Trực Bình 2, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái) đã gắn bó với nghề chăn nuôi gà. Tuy nhiên, vì thiếu vốn, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc đàn gà, gia đình chị chỉ duy trì đàn gà ở quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp.

Với mong muốn được mở rộng quy mô chăn nuôi và có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà một cách hiệu quả, năm 2014, chị Xuân đã đăng ký tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi thú y theo Đề án 1956 được mở tại địa phương. Tham gia lớp học chị đã có thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gà, đồng thời gia đình chị mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi gà lên trên 300 con. Trung bình mỗi năm gia đình chị Xuân xuất bán từ 2 đến 3 lứa gà, trừ chi phí thu lãi gần 20 triệu đồng mỗi lứa, đời sống kinh tế gia đình ngày một được cải thiện.

Chị Xuân chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi được tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn mở tại địa phương. Sau khi tham gia khóa học tôi đã có thêm kiến thức để chăm sóc cũng như phòng, tránh dịch bệnh cho đàn gà, đàn lợn của gia đình. Cũng nhờ lớp dạy nghề ấy mà từ đó trên địa bàn thôn không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Tôi mong muốn có thêm nhiều lớp học như thế này, để chúng tôi được học và nắm bắt thêm nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi đạt hiệu quả”.

Theo thống kê, xã Minh Bảo có 1.982 lao động trong độ tuổi, trong đó 1.402 lao động nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 70,7%; 580 lao động phi nông nghiệp chiếm 29,3%. Những năm qua, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Minh Bảo đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cho LĐNT.

Trong 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM gắn với tiêu chí đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, xã Minh Bảo đã tổ chức được 18 lớp dạy nghề cho gần 600 lao động. Qua đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa bàn xã đạt trên 45%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,7%.

Đánh giá về vấn đề này, Ông Bùi Đức Trung, Bí thư Đảng ủy xã Minh Bảo cho biết: “Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, vận động người dân tham gia các lớp dạy nghề. Bởi, từ việc tham gia các lớp dạy nghề người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực phát triển kinh tế của địa phương như chăn nuôi, trồng trọt, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt ngày càng cao. Những kết quả đó, góp phần quan trọng vào thực hiện các tiêu chí XDNTM trên địa bàn và đến nay, xã Minh Bảo đã hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM theo đúng lộ trình đề ra.”

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT luôn được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập xóa đói, giảm nghèo. Ngay sau khi có Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thành phố Yên Bái đến năm 2020”.

Triển khai tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa của công tác dạy nghề cho LĐNT trên phương tiện thông tin đại chúng. Hàng năm, thành phố tập trung chỉ đạo phòng Lao động Thương binh và Xã hội thành phố, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề tiến hành khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu học nghề. Trong đó, tập trung hướng nội dung chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động lựa chọn học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của bản thân, thực tế của LĐNT.

Một số ngành nghề chính được lựa chọn đào tạo như: xây dựng, chăn nuôi thú y, trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sửa chữa xe máy và nghề may dân dụng. Qua hoạt động đào tạo nghề, người học đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình đào tạo, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tạo việc làm để kiếm sống, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Chị Trần Thị Thu Hương - thôn Chấn Thanh 1, xã Âu Lâu cho biết: “Được tham gia lớp dạy nghề may dân dụng là điều kiện để em có cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập cho bản thân. Em thấy đây là lớp học rất thiết thực đối với những thanh niên nông thôn như chúng em, khi mà điều kiện gia học nghề cho bản thân còn nhiều khó khăn”.

Việc đào tạo nghề cho LĐNT theo mô hình thí điểm hầu hết đều phát huy hiệu quả, các nghề đào tạo đều gắn với quy hoạch XDNTM. Trong 5 năm triển khai Đề án 1956, thành phố đã tổ chức được 81 lớp dạy nghề ngắn hạn với 2.420 học viên tham gia, trong đó, có 36 lớp phi nông nghiệp và 45 lớp nông nghiệp.

Sau khi học nghề có trên 80% lao động tự tạo việc làm và tự thành lập các tổ đội sản xuất; ngoài ra, một số lao động đã tham gia vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thu nhập tăng thêm của lao động tự tạo việc làm tại chỗ cũng được tăng lên rõ rệt từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng; thu nhập của lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng.

Đối với các lớp dạy nghề nông nghiệp, sau khi học xong, học viên biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm chi phí sản xuất và tăng quy mô sản xuất, năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Trần Đình Thắng - Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên thành phố khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người lao động đối với việc học nghề, đây vừa là quyền lợi nhưng là nghĩa vụ của người lao động. Trong đó, chú trọng đến xã XDNTM để định hướng ngành nghề phù hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề. Tập trung biên soạn những giáo trình sao cho phù hợp đối tượng người học với phương châm “Cầm tay chỉ việc”, giúp cho học viên sau khi học sau có thể áp dụng vào từng mô hình, từng điều kiện kinh tế của gia đình. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách đối với người học theo quy định Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ”.

Nhờ chú trọng gắn công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ với nhu cầu thực tiễn tại từng địa phương và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đạt 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 34%. Đây chính là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tào nghề và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong những năm tới.

Tiến Bình - Lê Hương

Các tin khác
Giờ thực hành của lớp sửa chữa máy nông cụ tại xã Mai Sơn.

YBĐT - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) đạt hiệu quả cao. Số lượng lao động qua đào tạo nghề đều tăng hàng năm.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) cho biết, trong tháng 11-2015, cả nước đã có 9.837 lao động đi làm việc tại nước ngoài (trong đó có 3.700 lao động nữ).

Hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An.

Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn thông báo ngày 30/11 của Bộ Lao động Thái Lan cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ triển khai đăng ký, cấp phép cho lao động Việt Nam tại nước này từ ngày 1-30/12.

Chính phủ Thái Lan vừa thông qua Tờ trình của Bộ Lao động nước này liên quan đến vấn đề nhập khẩu lao động từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở Thái Lan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục