Văn Chấn: Dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/4/2016 | 10:09:37 AM

YBĐT - Theo khảo sát của Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên (DNGDTX) huyện Văn Chấn, hàng năm, huyện có trên 5.000 lao động nông thôn thiếu việc làm, chủ yếu ở các xã vùng Mường Lò, vùng cao, vùng thượng huyện.

Lớp học nghề trồng nấm tại xã Phúc Sơn.
Lớp học nghề trồng nấm tại xã Phúc Sơn.

Để nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, hàng năm Trung tâm tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để mở các lớp dạy nghề; tuyên truyền, tư vấn các chính sách về dạy nghề và giới thiệu việc làm. Qua tuyên truyền, phổ biến chính sách, người lao động đã hiểu được quyền, nghĩa vụ khi tham gia học nghề, nắm bắt cơ hội tìm được việc làm.

Để công tác dạy nghề phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của người dân, Trung tâm đưa vào dạy 17 nghề chính, trong đó nghề phi nông nghiệp có 8 nghề gồm: kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa máy nông cụ, sửa chữa xe máy, thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc đá, chế biến chè; nghề nông nghiệp có 9 nghề: chăn nuôi thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng nấm, trồng ngô, lúa, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi lợn. Thời gian đào tạo từ 1 đến 1,5 tháng đối với nghề nông và 3 tháng đối với sơ cấp nghề.

Kết quả dạy nghề từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã đào tạo nghề cho 10.035 người, trong đó hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 là 3.141 người, gồm 2.465 người thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người bị thu hồi đất canh tác, người tàn tật và nhóm 2 gồm 676 người thuộc đối tượng hộ cận nghèo và  lao động nông thôn khác.

Số lao động có việc làm sau khi học nghề là 2.778 người; lao động được doanh nghiệp tuyển dụng là 2.061 người; 228 người được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 1.621 người tự tạo việc làm và 20 người thành lập tổ hợp tác, tổ sản xuất… với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Để dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, Trung tâm xây dựng nhiều mô hình dạy nghề ngay tại địa bàn người có nhu cầu học nghề sinh sống như các lớp trồng nấm, chăn nuôi lợn, nghề xây dựng, chạm khắc đá…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, ông Trần Huy Sơn - Giám đốc TTDNGDTX huyện cho biết một số khó khăn trong công tác dạy nghề là Trung tâm vẫn phải phối hợp với 5 cơ sở nghề trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân phải liên kết là do Trung tâm không có nhà xưởng để thực hành, dẫn tới các thiết bị dạy nghề phi nông nghiệp được đầu tư nhưng không được đưa vào sử dụng nên nhiều thiết bị hỏng gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Khó khăn nữa là, việc tuyển dụng giáo viên chuyên ngành của Trung tâm chưa phù hợp với các ngành nghề được phê duyệt, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy nghề. Trình độ nhận thức của các học viên không đồng đều, nên dạy các nghề nông nghiệp chủ yếu vẫn là hình thức “Cầm tay chỉ việc”.

Nhiều địa phương chưa chú trọng đến công tác dạy nghề nên một số xã nhiều năm không mở được lớp, điển hình như: xã Nghĩa Tâm, Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh…”. Trên địa bàn huyện không có nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau khi học nghề; cơ chế chính sách hỗ trợ dạy nghề thuộc diện hộ nghèo kinh phí hỗ trợ thấp; một số xã vùng cao nhiều học viên không biết đọc, viết, nhận thức học nghề còn thấp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mở lớp và tuyển sinh hàng năm.

Tuy nhiên, Trung tâm DNGDTX huyện Văn Chấn luôn quyết tâm khắc phục khó khăn với nhiều giải pháp đồng bộ để hàng năm thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo chiếm trên 30% và số người học nghề đã tự giải quyết việc làm chiếm trên 70%...

Giai đoạn 2016 -2020, Trung tâm tiếp tục phấn đấu đào tạo nghề cho gần 12.000 lao động nông thôn theo Đề án 1956, để nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt trên 60%. Đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm để góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, tăng cường nguồn nhân lực qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

 Thái Hưng

Các tin khác
Học viên thực hành trong chương trình học nghề chăn nuôi - thú y.

YBĐT - Năm 2015, Trạm Tấu đã mở 22 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 (đào tạo nghề cho lao động nông thôn) cho 660 người, đạt 147% so với nghị quyết HĐND huyện.

Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh các giải pháp quyết liệt nhằm giảm tỷ lệ lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Lễ tổng kết Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 (2014 - 2015) đã diễn ra vào tối 29-3 tại Hà Nội.

Giáo viên dạy nghề hướng dẫn học sinh thực hành.

Ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 422/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Malaysia về tuyển chọn và sử dụng lao động (gọi tắt là Bản Ghi nhớ).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục