Kỳ II: Tạo chuyển biến toàn diện
- Cập nhật: Thứ năm, 2/6/2016 | 3:37:11 PM
YBĐT - Việc ban hành nghị quyết và phê duyệt Đề án về “Xây dựng Trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015" (gọi tắt là Đề án) là hướng đi đúng, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn cho phát triển giáo dục tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ở vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn trong tỉnh.
Nhiều trường phổ thông DTBT được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. (Trong ảnh: Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải).
|
>> Kỳ I: Thực trạng và sự cần thiết
Những năm trước đây, việc huy động học sinh ra lớp của Trường Tiểu học An Lương, thuộc xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn gặp nhiều khó khăn, bởi cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều gia đình ở xa trường học, chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Tuy nhiên, sau khi triển khai thực hiện Đề án và được công nhận trường phổ thông DTBT từ đầu năm 2012 đến nay, chất lượng giáo dục của nhà trường đổi thay toàn diện.
Thầy giáo Nguyễn Quang Diện - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đến nay, nhà trường luôn huy động được 100% học sinh trong độ tuổi ra lớp; tỷ lệ chuyên cần luôn đạt trên 99%; cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đã đáp ứng được với hoạt động dạy học và nuôi dưỡng các em. Tất cả là nhờ Đề án của tỉnh”. Cùng với giáo viên và học sinh, niềm vui đó càng nhân lên đối với phụ huynh khi con em mình được ăn học tại trường.
Ông Giàng A Lở có con học tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học An Lương tâm sự: "Nhờ có mô hình này nên chúng tôi rất yên tâm. Các cháu không những học tập tiến bộ mà còn được nuôi dưỡng chu đáo và được ở tập thể, nên bọn trẻ rất mạnh dạn, không nhút nhát như xưa nữa”.
Năm học 2010 - 2011, huyện Văn Chấn có 3 trường phổ thông DTBT với 22 lớp và 460 học sinh ở bán trú tại trường. Đến năm học 2015 - 2016 loại hình trường phổ thông DTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú đã phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hiện, toàn huyện có 8 trường phổ thông DTBT, 7 trường phổ thông có học sinh bán trú với tổng số 234 lớp, 2.161 học sinh bán trú, tăng 12 trường, 212 lớp, 1.701 học sinh.
Đồng chí Phan Thanh Hải - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Chấn phấn khởi cho biết: "Để có được kết quả trên, huyện đã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đặc thù cho học sinh bán trú và các trường phổ thông DTBT. Đặc biệt, huyện triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh như: Nghị quyết 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009 "Về xây dựng trường phổ thông DTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 – 2015”; Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND, ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh Yên Bái về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND, ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh Yên Bái về "Xây dựng trường phổ thông DTBT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2010 – 2015”; Nghị quyết 23/2015/NQ-HĐND, ngày 15/12/2015 của HĐND tỉnh Yên Bái về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả, chất lượng của hệ thống trường phổ thông DTBT, trường mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, quy định một số chế độ hỗ trợ cho nhân viên nuôi dưỡng ở các trường phổ thông DTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú... Nhờ các chế độ, chính sách mang tính ưu việt, đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện loại hình trường phổ thông DTBT của huyện Văn Chấn cả về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục không ngừng được tăng lên, trong đó, tỷ lệ chuyên cần tăng 78,9% năm học 2010 - 2011 lên 98,7% năm học 2015 – 2016; học lực khá, giỏi tăng từ 15,5% năm học 2010 - 2011 lên 28,2% của học kỳ I năm học 2015 - 2016”.
Cũng như nhiều địa phương khác, sau 5 năm thực hiện Đề án, sự nghiệp GD&ĐT của huyện Trạm Tấu có những bước chuyển quan trọng. Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định: "Đề án này thực sự mang lại nhiều ưu điểm, giúp cho con em đồng bào bớt đi khó khăn, có cơ hội tiếp cận với văn hóa mới và chất lượng giáo dục của các nhà trường trong toàn huyện được nâng lên rõ nét”.
Cụ thể, năm 2010 trở về trước, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Trạm Tấu gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt trên 75%, cơ sở vật chất thiếu thốn, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và phụ huynh còn nhiều hạn chế. Đó là câu chuyện của 6 năm về trước, còn hiện tại, nhà trường có 522 học sinh, trong đó có 364 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Quyết định 85 của Chính phủ. Tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt từ 95 - 98%, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ nét”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: "Với các mức hỗ trợ khác nhau của trung ương và của tỉnh cho học sinh, đã tạo cơ hội thực sự cho con em vùng khó khăn được đến trường. Đặc biệt, cơ sở trường lớp, nơi ăn ở cho học sinh bán trú được đảm bảo nên học sinh chuyên tâm ăn học”.
Em Thào A Vàng, lớp 7A, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Trạm Tấu chia sẻ: "Nhà em ở thôn Tấu Trên, cách trường 11 km. Nhờ có trường học bán trú và các chế độ ưu đãi, em được ăn học, vui chơi tập trung. Lúc ốm đau được các thầy cô giáo chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, các thầy cô còn dạy cho cách nuôi gà, nuôi lợn...”.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án, huyện Trạm Tấu đã có nhiều sáng tạo, trong đó, huyện xác định "Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện để xóa đói, giảm nghèo bền vững".
Trong thời qua, Trạm Tấu tập trung tháo gỡ các khó khăn như: quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, rà soát chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, động viên kịp thời đội ngũ giáo viên, học sinh; chỉ đạo 100% các thôn, bản xây dựng được hương ước, quy ước vận động học sinh đi học; cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng thôn, bản phải đi đầu, gương mẫu cho con, em đi học; các thôn, bản phân công đảng viên và những gia đình khá giúp đỡ hộ khó khăn để phát triển kinh tế, tạo điều kiện tốt hơn cho con em đi học.
Cùng với đó, huyện làm tốt công tác vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ vật chất trong quá trình xây dựng trường lớp. Sau 5 năm thực hiện Đề án, Trạm Tấu chuyển đổi được 10 trường phổ thông DTBT TH&THCS với 237 lớp và 5.829 học sinh. So với năm học 2011- 2012 tăng 8 lớp và 1.124 học sinh.
Có thể khẳng định, việc ban hành Nghị quyết và phê duyệt Đề án là hướng đi đúng, đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn cho phát triển giáo dục tiểu học, THCS và THPT ở vùng đồng bào dân tộc khó khăn.
Nhà giáo ưu tú Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Việc xây dựng, triển khai loại hình trường phổ thông DTBT với việc thực hiện đầy đủ kịp thời chính sách của Nhà nước đối với trường, học sinh bán trú và triển khai chính sách đối với giáo dục mầm non theo Quyết định số 60 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo nên một chỉnh thể đồng bộ cho phát triển giáo dục toàn diện ở các bậc học, cấp học. Đó là điều kiện căn bản quyết định chất lượng dạy và học, đảm bảo yêu cầu phát triển GD&ĐT, nhất là đối với vùng dân tộc khó khăn. Hơn nữa, mô hình này giúp cho các trường học duy trì sĩ số, khắc phục được tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học. Đặc biệt, giúp các em hòa đồng, mạnh dạn, năng động, có nhiều thời gian học tập, sinh hoạt, giao lưu, ngoại khóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là thể chất và kỹ năng sống”.
Nhìn vào thực tế của mục tiêu nghị quyết đề ra thì nhiều chỉ tiêu kế hoạch của Đề án mới đạt ở mức 44,4% đến 93,5% (số trường 47/72, đạt 65,2%, đầu tư giường tầng được 2.658/2.840 cái đạt 93,5%, phòng ở được 323/355 đạt 90,9%, bếp ăn được 32/72 đạt 44,4%, nhà vệ sinh 43/72 đạt 59,7%).
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân do tỉnh Yên Bái vẫn là một tỉnh nghèo. Nhưng cái được lớn nhất của Đề án là, số lượng học sinh của các trường phổ thông DTBT tăng nhanh, chất lượng giáo dục trong các trường học bán trú được nâng lên rõ nét, tình trạng học sinh bỏ học ở các xã vùng cao giảm rõ rệt. Đâu là yếu tố tạo nên sự thành công đó?
Theo Nhà giáo ưu tú Trần Xuân Hưng, trước hết, chúng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền trong các cấp, các ngành và nhân dân về sự cần thiết phải củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông DTBT; về vai trò của mô hình này trong việc tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số và nguồn nhân lực cho địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục qua việc huy động các tập thể, cá nhân, các tổ chức đoàn thể xã hội tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho học sinh bán trú.
Điều dễ nhận ra nhất, trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn tập thể, các công trình vệ sinh cho học sinh và thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, nhà giáo và cán bộ quản lý công tác ở vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
Thành công của Đề án cũng là tiền đề, bước đệm quan trọng cho tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện Đề án rà soát, điều chỉnh quy mô, mạng lưới trường, lớp học theo Thông báo số 100 ngày 05/4/2016 của Thường trực Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với ngành giáo dục trong thời gian tới.
Sau 5 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 47 trường phổ thông DTBT, 53 trường có học sinh bán trú (tăng 23 trường phổ thông DTBT so với năm học bắt đầu triển khai Nghị quyết). Số học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ: 14.740 học sinh bán trú, tăng 9.149 học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông DTBT có sự chuyển biến tích cực. Cấp THCS: tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 8,1% (từ 14% lên 22,1%; cấp tiểu học: học lực môn Toán và Tiếng Việt đều đạt trên 92%. Các trường phổ thông DTBT được đầu tư 4.366 bộ bàn ghế, 2.658 giường tầng, 755 bộ bàn ghế ăn và có trên 18.000 m2 đất, trồng được trên 22 tấn rau, củ quả; chăn nuôi được trên 27 tấn gia súc, gia cầm. Trong 5 năm, các trường phổ thông DTBT và học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ trên 200 tỷ đồng, gồm: Kinh phí hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh; kinh phí hỗ trợ tủ thuốc, mua sắm dụng cụ thể dục thể thao; kinh phí hỗ trợ nhân viên phục vụ 9,6 tỷ đồng (chính sách riêng của tỉnh) theo Nghị quyết 22, Nghị quyết 19 của HĐND tỉnh đối với các trường phổ thông DTBT, trường phổ thông có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ. |
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện Đề án “Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”, diện mạo giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã thay đổi căn bản.
Các kỳ thi tay nghề quốc gia góp phần tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao của quốc gia, qua đó thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện tay nghề, thi thợ giỏi ở các cấp, các ngành.
Quý 1/2016, đã có hơn 23.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, giảm hơn 2.000 người so với quý 4/2015.
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” đã thực sự đi vào lòng người, đã làm tròn vai trò “cầu nối” của lòng nhân ái, lòng bao dung đến với nhiều người trong xã hội.