“Đời sống mới trong trường học” ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/5/2017 | 8:16:57 AM
YBĐT - “Đời sống mới trong trường học” - là khái niệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong tác phẩm “Đời sống mới” xuất bản năm 1947. 70 năm trôi qua, những điều Người viết về “Đời sống mới trong trường học” vẫn còn nguyên giá trị.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt chăm sóc vườn rau.
|
Cùng với cả nước, các thầy, các cô của ngành giáo dục Yên Bái chưa lúc nào quên lời dạy của Người về xây dựng "đời sống mới trong trường học”, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi công cuộc đổi mới giáo dục được đẩy mạnh, quan tâm hàng đầu. Nghị quyết 29 đi đầu cùng với hàng loạt các chính sách của địa phương đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh Yên Bái.
Chúng tôi tới Mù Cang Chải vào một buổi sáng tháng 5 trong vắt. Vùng quê này, con người nơi này đã thay đổi nhiều lắm, dù vẫn đang còn đó những khó khăn. Những khu dân cư mọc lên san sát, những nhà xây kiên cố nhiều hơn, xe máy, ti vi, điện thoại... là những thứ "phổ cập” rồi.
Đặc biệt, những ngôi trường mái ngói đỏ tươi, khang trang giữa màu xanh thẳm của rừng càng khiến cho bức tranh Mù Cang Chải ngày mới thêm tươi thắm và tràn đầy hy vọng. Từ ngã ba Kim theo con đường nhựa phẳng lì, chúng tôi tới Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Khắt. Những ngày cuối năm học nhưng không có đứa trẻ nào có tư tưởng "giã đám”.
Bên Thư viện xanh ngoài trời, những cô bé, cậu bé chuyền tay nhau những cuốn sách, báo nhi đồng nhiều màu sắc. Hiện trong ánh mắt của chúng là niềm vui được đi học. Góc khác, vài đứa nhỏ đang cho gà ăn. Xa đằng kia là mấy đứa nhỏ đang chăm sóc vườn rau...
Đưa chúng tôi đi tham quan trường, cô giáo Lê Thị Hoàng Yến - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Mô hình của nhà trường là mô hình "Trường học - nông trại”, hướng tới việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm những công việc nhà nông, tích hợp kiến thức các bộ môn để ứng dụng vào thực tế đời sống nông nghiệp”.
Nhưng bọn trẻ còn bé quá, chúng liệu đã biết làm? Cô Yến cười rồi chỉ ra khu nuôi gà: "Để học trò có thể làm được, thì các thầy cô giáo phải hướng dẫn và giám sát của các thầy cô. Đây là một mô hình rất hay bởi vừa gắn lý thuyết trên lớp với thực tế cuộc sống. Các em vừa được hướng dẫn những kỹ năng sống cần thiết khi trở về gia đình và sản phẩm làm ra sẽ cải thiện bữa ăn hàng ngày của chính các em; giúp các em hiểu và yêu quý công sức lao động của bố mẹ, ông bà”.
Đến đây, tôi bỗng nhớ đến bốn việc mà Bác Hồ đã nhắc tới để xây dựng đời sống mới của một trường học: Một là làm cho học sinh biết quý trọng sự cần lao. Hai là tập cho họ quen lao khổ. Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỳ lực (tự làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Bốn là có ích cho sức khỏe của họ”. Các thầy, các cô ở đây đã dạy học trò theo đúng những lời Bác chỉ dạy để có được đời sống mới trong trường học.
Thăm quan mô hình mới thấy cái công sức của thầy cô giáo bỏ ra để có được "cơ ngơi” này không hề dễ dàng và để học sinh có được những thói quen tốt, những kỹ năng sơ đẳng của người nông dân lại càng khó khăn. Nhưng các thầy cô nơi đây đã làm được những điều khó khăn ấy, có lẽ là bắt nguồn từ tâm huyết với sự nghiệp "trồng người” nơi vùng cao này. Và hơn ai hết, những thầy cô nơi đây đã thấm nhuần lời dạy của Bác.
Chia tay cô Yến, chia tay với những cô bé cậu bé say mê học tập, yêu thích việc chăn gà, trồng rau của Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt chúng tôi cảm phục và mang theo niềm tin vào sự đổi mới của trường học - nông trại nói riêng, của giáo dục vùng cao nói chung.
Chúng tôi tới Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ đúng vào dịp thầy và trò nhà trường đang tích cực ôn luyện cho đợt kiểm tra cuối kỳ và đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Ngang qua một lớp học, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi trên bục giảng là một thầy giáo đã lớn tuổi nhưng đang giảng bằng giáo án điện tử.
Thầy Nguyễn Văn Thế - Hiệu trưởng nhà trường dường như hiểu được sự ngỡ ngàng của chúng tôi, thầy chia sẻ: "Toàn thể giáo viên của Trường không ngại khó, tích cực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng thành thạo máy tính, truy cập Internet, kể cả đối với các thầy cô lớn tuổi. Các thầy cô chủ động đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Phương châm của nhà trường là tổ chức cho học sinh học tập một cách nhẹ nhàng, hiểu sâu và nhớ lâu bằng những hình ảnh sinh động”.
Đúng vậy! "Hiểu sâu và nhớ lâu” chính là mục tiêu mà Bác đã nói trong xây dựng đời sống mới trong trường học là "tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực”.
Nói là vậy, nhưng cách nào để có thể làm được điều đó? Thầy Nguyễn Văn Thế giải thích: "Nhà trường thường xuyên tổ chức thảo luận, trao đổi về phương pháp giảng dạy mới, khuyến khích giáo viên sử dụng trang thiết bị dạy học, tự làm thêm đồ dùng dạy học, chủ động áp dụng sáng kiến kinh nghiệm đã được nghiên cứu vào thực tế giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục. Bằng lòng yêu nghề, sự sát xao các thầy cô trong trường có thể cảm nhận tốt năng lực của từng học sinh để hướng dẫn giao việc hợp lý, kích thích lòng say mê học tập của từng em, hướng dẫn cho học sinh biết hệ thống kiến thức một cách linh hoạt, khoa học”.
Đúng như Bác đã nhấn mạnh, ở mỗi đối tượng phải có cách dạy khác nhau, không đem những kiến thức trừu tượng của người lớn tuổi để dạy cho các em thiếu niên nhi đồng, như vậy sẽ không hiệu quả, không phù hợp. Thầy Thế tiếp lời: "Trường đã triển khai cho giáo viên, học sinh tham gia "Trường học kết nối”, "Vận dụng kiến thức liên môn trong dạy học”, "Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn”. Các tổ nhóm chuyên môn tích cực xây dựng các chuyên đề dạy học và đổi mới sinh hoạt theo hướng kết hợp dạy học trên lớp với đa dạng các hình thức giáo dục... Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thi đua trong nhà trường”.
Chính cách làm ấy đã góp phần để hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường luôn đạt trên 96%, trong đó có trên 30% các em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt khoảng 50%, nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, đoạt giải tại các cuộc thi do ngành tổ chức.
Học luôn đi đôi với thực hành.
Không chỉ có Trường PTDTBT Tiểu học Nậm khắt và Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ tích cực xây dựng đời sống mới trong trường học mà đó luôn là nhiệm vụ của tất cả 439 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Bởi vì, đổi mới giáo dục toàn diện, nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp dạy mới cho phù hợp với hoc sinh hay những mô hình trường học phù hợp với từng vùng miền là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Yên Bái. Các phong trào: "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, "Hai tốt”, "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”... được phát động trong toàn tỉnh, tạo động lực thi đua cao.
Qua mỗi phong trào, xuất hiện những cá nhân tiên tiến, những tập thể điển hình với những cách làm hay, những sáng kiến kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp dạy, học, quản lý. Riêng trong năm học 2016 -2017, trong cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học cấp tỉnh có 186 sản phẩm tham gia, có 93 sản phẩm đạt giải.
Trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống trong thực tiễn dành cho học sinh trung học có 155 sản phẩm tham gia và có 80 sản phẩm đạt giải... Thế mới thấy cố gắng, nỗ lực sáng tạo, đổi mới của các thầy cô giáo trong giảng dạy. Từ đó, chất lượng giáo dục toàn tỉnh được nâng lên. Hiện, toàn tỉnh có 124 trường đạt chuẩn quốc gia, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì và nâng cao.
Đặc biệt, các trường PTDTBT và trường có học sinh bán trú ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng phù hợp với điệu kiện địa hình và kinh tế, xã hội của tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn... Tất cả những chính sách của Trung ương, của tỉnh, những nỗ lực của địa phương, của thầy và trò xây dựng đời sống mới trong trường học trong trong thời gian qua đã đưa giáo dục Yên Bái lên một vị trí mới.
Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 364 học sinh đoạt giải học sinh giỏi THPT các môn văn hóa cấp tỉnh, 18 giải học sinh giỏi THPT cấp quốc gia, có 72 dự án tham gia và 43 dự án đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và chọn cử 6 dự án tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia... Những con số chỉ là con số nếu như không có thực tế chứng minh rằng, nhiều năm gần đây, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Yên Bái đã được nâng cao; lao động có chất lượng ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, của đất nước từ các phong trào để xây dựng đời sống mới trong trường học.
Thanh Ba
Các tin khác
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Thông tư 15/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, đối tượng được hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
YBĐT - Dù đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực dạy nghề (đến hết năm 2015, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề của tỉnh đạt 30%). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo nghề là cơ cấu nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp có tỷ lệ chênh lệch lớn.
YBĐT - Thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo chương trình đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được huyện Yên Bình đặc biệt quan tâm. Đây được xem là “kênh” giúp NLĐ giải quyết việc làm, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.