“Chìa khóa” cho lao động nông thôn ở Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/6/2017 | 6:50:54 AM

YBĐT - Chị Hảng Thị Sú là học viên đã theo học lớp bảo vệ thực vật cuối năm 2016 chia sẻ: "Trước đây, trồng lúa, ngô chúng tôi chỉ làm theo kinh nghiệm. Đi học, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, đi thực hành, thực tế ngoài ruộng mới biết được việc bón phân cũng phải tính ngày, tuổi cây trồng, tùy loại cây trồng lấy sản phẩm gì mà bón những loại phân nào..".

Nhờ công tác đào tạo nghề, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nhờ công tác đào tạo nghề, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Là huyện miền núi, Văn Yên có phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nên để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; người lao động (NLĐ) có điều kiện tiếp cận với thị trường lao động, các chương trình giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo các ban ngành nói chung và đặc biệt là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện thực hiện tốt việc điều tra, phân loại nhu cầu lao động và tổ chức đăng ký mở lớp học, thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện đã từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Ông Hoàng Xuân Thượng - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, những năm qua xã đã phối hợp tổ chức mở được một số lớp dạy nghề nông nghiệp cho bà con học tập. Trong đó, năm 2016, xã đã phối hợp mở được một lớp đào tạo nghề chăn nuôi lợn nái sinh sản cho hội viên phụ nữ các thôn vùng ngoài trung tâm xã; một lớp bảo vệ thực vật, tập trung vào kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, sâu hại các loại cây trồng cho bà con ở các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập. Nhìn chung các nội dung tập huấn ngắn gọn, sát với thực tế công việc của bà con và thời gian học phần lớn dành cho thực hành, thực tế nên sau khi kết thúc khoá học bà con đã phát huy khá hiệu quả vào cuộc sống”.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hảng Thị Sú ở thôn 8, xã Châu Quế Thượng là học viên đã theo học lớp bảo vệ thực vật cuối năm 2016 chia sẻ: "Trước đây, trồng lúa, ngô chúng tôi chỉ làm theo kinh nghiệm, bón phân không đúng lúc nên cây tốt mà năng suất vẫn không tăng, khi thấy có sâu, bệnh hại cũng mua thuốc về phun nhưng không biết phân loại sâu, bệnh nên phun không đúng loại thuốc, hiệu quả không cao.

Đi học, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, đi thực hành, thực tế ngoài ruộng mới biết được việc bón phân cũng phải tính ngày, tuổi cây trồng, tùy loại cây trồng lấy sản phẩm gì mà bón những loại phân nào, thời điểm nào cho năng suất cao nhất; biết được biểu hiện của từng loại sâu bệnh để phun đúng thuốc... nên năng suất lúa, ngô đã được nâng lên rõ rệt".

Khác với các xã vùng kinh tế chăn nuôi và trồng màu thì các xã vùng phía Tây huyện chủ yếu phát triển cây quế  nên ngoài việc mở các lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y, nuôi cá nước ngọt, bảo vệ thực vật..., ở một số xã vùng trọng điểm quế còn mở lớp học dạy làm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế mang lại nguồn thu nhập cao hơn so với giá bán vỏ quế thông thường đồng thời tạo ra những sản phẩm, đồ dùng dân dụng độc đáo, đẹp mắt thu hút du khách đến với Văn Yên.

Anh Bàn Kim Lớ ở xã Viễn Sơn cho biết: “Năm 2016, tôi theo học lớp dạy làm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế do xã phối hợp tổ chức. Sau một tháng học tập, tôi đã tự tay chế tác được những đồ dùng được khách hàng yêu thích như: ống tăm, móc treo chìa khoá, lọ hoa, đồ trang trí...".

"Bình quân mỗi tháng, ngoài làm nông nghiệp thì tôi cũng tranh thủ chế tác và bán thu thêm khoảng trên 1 triệu đồng từ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng vỏ quế; tính ra 1kg vỏ quế khô khi chế tác thành sản phẩm bán ra sẽ cho thu nhập gấp khoảng 4 đến 5 lần so với bán vỏ quế khô” - anh Lớ nói.

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức mở được trên 50 lớp đào tạo nghề ở các xã, chủ yếu đào tạo nghề nông nghiệp như: chăn nuôi lợn nái sinh sản, chăn nuôi thú y, bảo vệ thực vật... cho trên 1.400 học viên. Trong đó, năm 2015, mở được 24 lớp với trên 700 học viên tham gia học tập; năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 mở được trên 26 lớp với trên 700 học viên tham gia học tập.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế do chính tay người lao động nông thôn chế tác được bày bán tại các lễ hội được tổ chức trên địa bàn huyện.

Tuy thời gian đào tạo chỉ dao động từ 1 đến 3 tháng nhưng với tính chất học lý thuyết chỉ chiếm 30% thời gian đào tạo còn lại là tập trung vào thực hành, thực tế và học viên tham gia học đúng người, đúng đối tượng đang cần kiến thức nên sau khi đào tạo, mọi học viên đều phát huy được khá tốt kiến thức áp dụng vào thực tế công việc sản xuất, chăn nuôi ở các địa phương.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì thực tế là có đến 90% NLĐ trên địa bàn huyện sống bằng nghề nông nghiệp, phần lớn số lao động này vẫn đang sản xuất, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, làm theo kinh nghiệm là chính. Tỷ lệ NLĐ đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu, cho năng suất, chất lượng cao vẫn còn có những hạn chế nhất định.

Ông Nguyễn Hùng Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên trao đổi, việc đào tạo lao động phi nông nghiệp phục vụ cho các xí nghiệp hay nhà máy, công xưởng hiện tại hiệu quả chưa cao vì địa phương không có nhà máy hay các cơ sở sản xuất tập trung cần nhiều lao động nên đào tạo khó giải quyết việc làm.

Vì vậy, hiện tại Trung tâm đang tập trung phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức hội, đoàn thể, đảng uỷ, chính quyền các địa phương nơi nắm vững nguồn lao động, hiểu rõ nhu cầu của từng người, điều kiện cụ thể của từng thôn, bản, gia đình để định hướng, tư vấn cho NLĐ học các nghề nông nghiệp, tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ lao động, từ đó vận dụng vào sản xuất của gia đình đảm bảo giúp học viên sau khi đào tạo vẫn làm nghề cũ nhưng cho năng suất, chất lượng cao hơn, sớm vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Thời gian tới, các ban ngành và các địa phương cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ nông thôn được tham gia học nghề nâng cao trình độ sản xuất, chăn nuôi; học viên sau khi học nghề có vốn, phương tiện sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm... vươn lên xoá đói giảm nghèo.

Công tác đào tạo nghề cũng cần hướng tới mục tiêu là các lao động trẻ có trình độ văn hóa cơ bản sẽ đào tạo về nghề phi nông nghiệp để có một thế hệ lao động chuyên nghiệp tiếp cận với các ngành nghề mới, tạo thêm cơ hội, việc làm mới trong các công ty, xí nghiệp sản xuất tập trung ở trong và ngoài tỉnh. 

 A Mua

Các tin khác
Đào tạo nghề may cho lao động nữ ở Văn Yên.

YBĐT - Để đạt mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc thì đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cung cấp cho các tỉnh trong khu vực là 1 trong 3 khâu đột phá của Yên Bái.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt chăm sóc vườn rau.

YBĐT - “Đời sống mới trong trường học” - là khái niệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra trong tác phẩm “Đời sống mới” xuất bản năm 1947. 70 năm trôi qua, những điều Người viết về “Đời sống mới trong trường học” vẫn còn nguyên giá trị.

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa

Theo Thông tư 15/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, đối tượng được hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục