Văn Chấn: Giải pháp nào hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề?

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/7/2017 | 7:44:38 AM

YBĐT - Kế hoạch năm 2017, huyện Văn Chấn sẽ đào tạo nghề cho 2.450 lao động nông thôn. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, toàn huyện mới đào tạo được 830 lao động, đạt 33,8% kế hoạch năm.

Theo kế hoạch, năm 2017 huyện Văn Chấn sẽ đào tạo nghề cho 2.450 lao động nông thôn, trong đó có 250 người hệ cao đẳng, 400 người hệ trung cấp, 1.800 người hệ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, học nghề không có chứng chỉ (truyền nghề, tự học nghề các cơ sở, doanh nghiệp). Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm, toàn huyện mới đào tạo được 830 lao động, đạt 33,8% kế hoạch năm.

Nguyên nhân dẫn đến công tác đào tạo nghề của huyện Văn Chấn trong thời gian qua chưa đạt kế hoạch do quá trình triển khai tuyển sinh đối tượng nhóm 2 của các cơ sở dạy nghề như: Trường Trung cấp Nghề - Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn, Trạm Khuyến nông thị xã Nghĩa Lộ gặp nhiều khó khăn.

Tại các địa phương, học viên có nguyện vọng, nhu cầu tham gia học nghề hầu hết là đối tượng dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo... thuộc nhóm 1, không thuộc nhóm 2 theo Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 15/3/2017 của UBND huyện Văn Chấn.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nội vụ, Đài Truyền thanh - Truyền hình với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện theo Thông tư số 30/2012/TTLB của Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin và Truyền thông trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn từ ngân hàng theo chính sách của Đề án, hỗ trợ việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm… còn hạn chế.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do biến động trong công tác cán bộ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phần nào ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo;  một số xã, thị trấn chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người lao động về học nghề, đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho bản thân, cho gia đình, vẫn còn tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Mặt khác, trên địa bàn huyện lại chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nên người lao động sau khi được đào tạo nghề ít có cơ hội tìm kiếm việc làm, vì vậy những nghề tổ chức đào tạo chủ yếu là đào tạo phục vụ lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, việc tổ chức dạy nghề gắn với doanh nghiệp theo nguyên tắc dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra đào tạo 1.620 lao động, qua đó nâng chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, bên cạnh việc kiến nghị đổi đối tượng từ nhóm 2 sang nhóm 1 để tạo điều kiện cho học viên nhóm 1 được tham gia học tập, theo ông Trịnh Khắc Nghĩa - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thì để đạt mục tiêu này cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dạy nghề và các hội đoàn thể liên quan từ huyện đến xã về các kiến thức, kỹ năng tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ cho lao động nông thôn; tổ chức tham quan, học tập các mô hình hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền sâu rộng với mọi hình thức cho người lao động, nhất là tới đoàn viên, hội viên về chính sách của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề, từ đó tích cực tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập để giảm nghèo bền vững; phân công trách nhiệm cụ thể để các cơ quan, ban, ngành tích cực triển khai công tác đào tạo nghề.

Các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội phụ trách, lựa chọn các lớp nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động và nhu cầu của xã hội, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, khai thác thế mạnh tiềm năng có sẵn của địa phương; nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường lao động, tạo việc làm để có kế hoạch đào tạo một cách phù hợp.

Để dạy nghề gắn với việc làm, huyện tiếp tục tạo mối liên hệ chặt chẽ đối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp để điều tra nghề cần tuyển dụng, làm cơ sở cho công tác đào tạo. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ sở dạy nghề thủ công mỹ nghệ gắn với khôi phục phát triển làng nghề, tạo việc làm cho lao động.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Học viên tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy tại xã La Pán Tẩn.

YBĐT - Những năm qua, việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)” trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã mang lại hiệu quả tích cực. Người tham gia học nghề đã biết cách tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập từng bước thoát nghèo.

Nông dân huyện Mù Cang Chải sau khi học nghề sửa chữa xe máy đã mở hiệu sửa chữa tại nhà. (Ảnh: Thu Hạnh)

YBĐT -  Sau 7 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Mù Cang Chải đã có hơn 2.900 người được hỗ trợ học nghề, hơn 2.700 người được nhận chứng chỉ học nghề.

Ảnh minh họa

Đây là đề xuất tại dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu ký kết và trao bản chương trình hợp tác đến 2020.

Đây là một trong sáu nội dung trong chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020 giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, vừa được ký kết chiều tối 6-7.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục