Nâng cao nhận thức và sự quan tâm đối với nghề công tác xã hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/6/2018 | 7:11:52 AM

YBĐT - Đối tượng phục vụ mà nghề công tác xã hội hướng đến gồm các đối tượng bảo trợ xã hội như: người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già cô đơn… và các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, các nhóm thiểu số bị thiệt thòi, các cộng đồng nghèo…

Thầy trò Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trong giờ thực hành
Thầy trò Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trong giờ thực hành

Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng thông qua các biện pháp nâng cao năng lực và tăng cường chức năng xã hội của bản thân đối tượng. Đồng thời, thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ để các cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Công tác xã hội ngày càng thể hiện rõ vai trò là phương tiện, công cụ vô cùng quan trọng để phát triển hệ thống an sinh xã hội tiên tiến và hiện đại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Công tác xã hội nhằm mục tiêu hướng đến trợ giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng gặp khó khăn thông qua các phương pháp chuyên nghiệp, hiệu quả, toàn diện. Nghiên cứu về lịch sử phát triển trên thế giới, nghề công tác xã hội bắt đầu xuất hiện cách đây hơn 100 năm tại một số nước như Anh, Mỹ… là các quốc gia khi đó đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh từ quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh chóng. 

Ở Việt Nam, nghề công tác xã hội xuất hiện khá muộn và phải đến năm 2010, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 về phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Đề án 32) thì công tác xã hội mới chính thức được coi là một nghề. 

Tuy nhiên, sau khi có Đề án 32, nghề công tác xã hội ở nước ta đã có những bước phát triển nhanh chóng. Đến nay, đã có hơn 100 cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước tham gia đào tạo về công tác xã hội từ ở tất cả các bậc trình độ. Hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên công tác xã hội được phát triển rộng khắp trong cả nước với gần 500 cơ sở và khoảng 35.000 nhân viên, cộng tác viên.

 Nghề công tác xã hội đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là "Ngày Công tác xã hội Việt Nam” chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những đóng góp quan trọng của lĩnh vực công tác xã hội trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Ở tỉnh Yên Bái, sau khi Đề án 32 được ban hành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 01/01/2011 về phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Nội dung chủ yếu của Kế hoạch này là kết hợp giữa đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội thành Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội với các hoạt động truyền thông và đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội ở cơ sở để hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng trên địa bàn tỉnh. 

Trong điều kiện nghề công tác xã hội còn khá mới mẻ, nhận thức của xã hội về vai trò của nghề công tác xã hội còn hạn chế; nguồn lực về tài chính, nhân lực phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu…  với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng; sự nỗ lực của ngành lao động - thương binh và xã hội, sự tâm huyết của đội ngũ những người làm công tác xã hội, các hoạt động về phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Công tác truyền thông về công tác xã hội được chú trọng. 

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Báo Yên Bái để xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về nghề công tác xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của nghề công tác xã hội trong việc đảm bảo an sinh xã hội. 

Với chức năng nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh đã tổ chức 20 hội nghị để trực tiếp truyền thông về công tác xã hội cho trên 1.000 đại biểu tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác xã hội cấp cơ sở được duy trì đều đặn với khoảng 300 - 400 cán bộ tham gia làm công tác xã hội được tập huấn hàng năm. 

Đối tượng tập huấn là các cán bộ trực tiếp tham gia trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh như: cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người nghiện ma túy, cán bộ lao động - thương binh và xã hội, lãnh đạo hội chữ thập đỏ và các tổ chức đoàn thể tại các địa phương… 

Thông qua các lớp tập huấn, các học viên đã được cung cấp các các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác xã hội, đặc điểm của các nhóm đối tượng cần trợ giúp và hệ thống chính sách trợ giúp của Nhà nước để từ đó có điều kiện nâng cao hoạt động trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở. Bên cạnh tổ chức nuôi dưỡng chu đáo gần 100 đối tượng bảo trợ xã hội, hàng năm, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội còn thường xuyên lập hồ sơ theo dõi, trợ giúp cho trên 100 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng. Đường dây tư vấn miễn phí qua tổng đài 18001776 của Trung tâm sau khi được đưa vào vận hành đã trở thành địa chỉ tư vấn tin cậy cho nhiều đối tượng đang gặp phải các vấn đề về tâm lý xã hội. 

Thông qua hoạt động tư vấn, Trung tâm cũng đã kịp thời phát hiện, can thiệp, giúp đỡ một số đối tượng cần trợ giúp khẩn cấp. Đáng mừng là hoạt động đào tạo về nghề công tác xã hội được đẩy mạnh. Sau 7 năm thực hiện Đề án, đã có 138 sinh viên trên địa bàn tỉnh được đào tạo đại học, cao đẳng về công tác xã hội, trong đó có 98 sinh viên đã tốt nghiệp và có 40 sinh viên sẽ hoàn thành chương trình đào tạo trong năm 2019. 

Dù việc phát triển nghề công tác xã hội hiện nay ở nước ta nói chung cũng như ở tỉnh Yên Bái nói riêng đang gặp phải những khó khăn về kinh phí, nhân lực … nhưng yêu cầu phát triển một nền công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp vẫn là một đòi hỏi khách quan của xã hội. Với những kết quả đã đạt được trong 7 năm qua, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, từ nâng cao nhận thức của toàn xã hội và nguồn nhân lực có chất lượng…, chắc chắn hoạt động phát triển nghề công tác xã hội sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đình Tứ

Các tin khác
Đào tạo nghề điện dân dụng tại huyện Lục Yên. (Ảnh: Phong Sơn)

YBĐT -Tính đến tháng 3/2018, toàn tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

YBĐT - Thời gian qua Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ đã không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo và đặc biệt chú trọng đến kết quả đào tạo nghề gắn với giới thiệu tạo việc làm cho học sinh.

Học viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang thực hành nghề sơn sửa vỏ ô tô.

Hôm nay (12-2), Thông tư 37/2017/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 29-12-2017 của Bộ LĐ-TB&XH về "Danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu” có hiệu lực thi hành. Thông tư này là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương có chính sách đầu tư, hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội đang cần sao cho phù hợp nhất.

Nông dân xã Tân Hương, huyện Yên Bình thực hành ủ phân bón bằng chế phẩm sinh học.

YBĐT - Từng bước nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn, năm 2017, các cơ sở dạy nghề toàn tỉnh đã tuyển mới và dạy nghề cho 15.882 người, đạt 104,5% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục