Đối với địa bàn huyện Trạm Tấu, đa số lao động nông thôn (LĐNT) thường sản xuất theo tập quán mùa vụ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất không nhiều, dẫn đến năng suất lao động không cao, đời sống, thu nhập của phần lớn người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều năm qua, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956 về "Đào tạo nghề cho LĐNT”, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để giảm nghèo nhanh, bền vững và công tác giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm.
Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TTGDNN - GDTX) huyện, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho LĐNT, tạo bước chuyển dịch cơ cấu lao động để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Hàng năm, TTGDNN - GDTX đã tiến hành khảo sát và lựa chọn các nghề có nhu cầu cao của nhân dân để mở các lớp dạy nghề như: kỹ thuật trồng lúa, ngô, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi - thú y, trồng nấm và các nghề phi nông nghiệp như: điện dân dụng, sửa chữa máy nông cụ, xây dựng...
Năm 2017, huyện đã mở 15 lớp đào tạo nghề với 440 học viên tham gia, trong đó 100% đối tượng là người dân tộc thiểu số; năm 2018, mở được 11 lớp với 330 người tham gia, trong đó có 10 lớp học nghề nông nghiệp và 1 lớp học nghề phi nông nghiệp cho 149 đối tượng người dân tộc thiểu số 149 người và 181 người thuộc nhóm hộ nghèo. Trung bình mỗi lớp học nghề nông nghiệp 1 tháng, nghề phi nông nghiệp 3 tháng, thu hút 30 học viên tham gia.
Ngoài ra, huyện còn phối hợp đào tạo nghề theo hình thức xã hội hóa (liên kết đào tạo) với các trường như: Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam… hướng nghiệp dạy nghề cho hơn 200 người.
Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, TTGDNN - GDTX huyện đã đặc biệt quan tâm đến công tác điều tra khảo sát nhu cầu học nghề, công tác tuyên truyền tư vấn về học nghề và giới thiệu việc làm thông qua các tổ chức đoàn thể, hệ thống phát thanh, phát tờ rơi tới các buổi họp của xã và thôn bản để người dân nắm bắt được thông tin đăng ký học nghề đảm bảo đủ chỉ tiêu và đúng đối tượng tham gia.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Giám đốc TTGDNN - GDTX huyện cho biết: "Do đặc thù là huyện vùng cao, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, trong khi đó việc tổ chức các lớp dạy nghề chủ yếu là tại thôn, bản nên việc bố trí lớp học, nơi ăn nghỉ của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, đối với giáo viên đứng lớp, kinh phí chi trả còn ở mức thấp, nên khó thu hút được giáo viên tham gia. Trình độ của học viên còn hạn chế, ít người biết tiếng phổ thông, nhiều người chưa hiểu đầy đủ về công tác học nghề, hay bỏ học giữa chừng làm ảnh hưởng đến kết quả đào tạo. Bên cạnh đó, một số chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề, dẫn đến khó khăn cho công tác tuyển sinh… Tuy nhiên, mỗi năm chúng tôi vẫn cố gắng đào tạo nghề cho trên 300 học viên, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập để người dân từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giả”.
Những năm gần đây mặc dù ý thức của người học nghề cũng như chất lượng sau đào tạo nghề trên địa bàn huyện Trạm Tấu đã được nâng lên nhưng chưa toàn diện; chưa xây dựng được nhiều mô hình điểm để nhân rộng; tỷ lệ lao động học nghề phi nông nghiệp còn thấp; cơ sở vật chất chưa được trang bị đầy đủ theo Quyết định số 1956, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy…
Thời gian tới, huyện tập trung triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 với mục tiêu đào tạo nghề tập trung cho lao động người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo. Hướng tới mục tiêu tỷ lệ LĐNT sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập cao hơn trước đạt trên 80%, góp phần để mỗi năm huyện sẽ giảm trên 7% hộ nghèo theo kế hoạch đề ra.
Thái Hưng