Từ tháng 2/2020, 7 địa phương của huyện Văn Chấn gồm các xã: Phù Nham, Sơn A, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Thanh Lương, Thạch Lương và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chính thức sáp nhập trở thành các xã của thị xã Nghĩa Lộ theo Nghị quyết số 871 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh và Công văn số 269 của UBND tỉnh.
Theo đó, 17 trường, 13 điểm lẻ và 256 nhóm lớp chuyển về ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thị xã quản lý. Dù đã được 2 tháng, nhưng thời gian học sinh đi học mới được một buổi, còn lại nghỉ phòng dịch Covid-19. Tuy vậy, các đơn vị trường học đã nhanh chóng ổn định thực hiện các nhiệm vụ giáo dục.
Chúng tôi tới Trường THCS Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ vào những ngày học sinh đang nghỉ học để phòng dịch Covid-19, tuy nhiên, tập thể cán bộ, giáo viên vẫn tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn theo đúng chỉ đạo của Phòng GD-ĐT thị xã. Trực thuộc về Phòng GD-ĐT thị xã Nghĩa Lộ từ ngày 1/2/2020, dù học sinh mới chỉ đi học một ngày nhưng các thầy cô luôn xác định vẫn con người ấy, vẫn nhiệm vụ giáo dục đó nên nhanh chóng ổn định tư tưởng, tâm lý.
Cô giáo Đoàn Thị Thúy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Sau khi có chủ trương, chúng tôi đã truyền đạt tới tập thể giáo viên thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều ủng hộ chủ trương và xác định về thị xã sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác chuyên môn. Cán bộ giáo viên thoải mái, mọi việc của nhà trường vẫn diễn ra bình thường”.
Đóng trên địa bàn xã đời sống người dân còn nhiều khó khăn với 97% học sinh là con em dân tộc, nhiều phụ huynh đi làm ăn xa, thầy cô lo lắng nhất là làm sao để nâng cao chất lượng hòa nhập được với thị xã. Dự kiến năm 2025, Trường sẽ đạt chuẩn quốc gia, nhưng sau khi về thị xã, mục tiêu được giao sẽ đạt chuẩn vào năm 2023.
Cũng giống như Trường THCS Hạnh Sơn, Trường Tiểu học Phúc Sơn cũng được chuyển về Phòng GD-ĐT thị xã Nghĩa Lộ quản lý từ tháng 2/2020, các thầy cô giáo cũng nắm bắt chủ trương từ sớm nên được chuẩn bị tâm lý.
Cô giáo Phu Minh Diệp - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Phòng GD-ĐT thị xã tạo điều kiện thuận lợi trong học hỏi và triển khai các phong trào mang tính chất đặc trưng của thị xã. Do đó, nhà trường áp dụng dần dần như xây dựng tủ sách Đinh Hữu Dư, phong trào giữ gìn bản sắc văn hóa Thái, giờ chào cờ đầu tuần hay các hoạt động chung thì mặc trang phục dân tộc. Các giáo viên động viên nhau cùng cố gắng”.
Trường Tiểu học Phúc Sơn hiện có một điểm chính và một điểm lẻ với tổng số 24 lớp. Thực hiện sáp nhập, hiện, nhà trường có 74 học sinh bán trú. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ sở vật chất cơ bản được đáp ứng, 100% lớp học 2 buổi/ngày.
Từ tháng 2/2020, thị xã Nghĩa Lộ có 34 cơ sở giáo dục trực thuộc Phòng GD-ĐT (32 cơ sở công lập; 2 cơ sở ngoài công lập) và 16 điểm lẻ; với tổng số 480 nhóm, lớp; 15.952 học sinh. Trong đó: thuộc thị xã trước sáp nhập là 16 trường, 1 nhóm trẻ độc lập, 3 điểm lẻ; sáp nhập thêm 17 trường, 13 điểm lẻ, có 147 học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Phúc Sơn, Trường Tiểu học &THCS Thạch Lương.
Theo đó, nhiệm vụ và mục tiêu của ngành GD-ĐT trong năm học 2019 - 2020 cũng có những thay đổi. Dự kiến trong năm 2020, thực hiện đưa 4 điểm lẻ về điểm chính (Trường Mầm non Hoa Lan 1 điểm; Trường Mầm non Phù Nham 1 điểm lẻ Ta Tiu; Trường Mầm non Sơn A 2 điểm lẻ Bản Viềng, Cò Cọi), ngoài ra, cũng trong năm 2020, Trường Mầm non Sơn A còn sáp nhập thêm điểm lẻ Bản Bon của Trường Mầm non Liên Sơn.
Các hoạt động đang triển khai tại thị xã sẽ triển khai đến các đơn vị mới sáp nhập. Trong đó, giáo dục mầm non triển khai xây dựng mô hình lớp học hạnh phúc, trẻ làm quen với Quốc ca; trang trí nhóm lớp khuôn viên theo hướng bảo tồn giá trị văn hóa địa phương; đưa múa xòe và võ Nhất Nam vào trường mầm non; xây dựng thư viện cho bé trong các nhà trường mầm non.
Tranh thủ thời gian nghỉ học, thầy giáo Trường Tiểu học Phúc Sơn tham gia chỉnh trang khu cây xanh của nhà trường.
Giáo dục phổ thông, triển khai giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cụm trường ở 3 xã thuộc thị xã Nghĩa Lộ trước khi sáp nhập, các trường thuộc huyện Văn Chấn sáp nhập về thị xã; thực hiện việc trang trí lớp học theo hướng giữ gìn văn hóa vùng miền. Cải tạo các nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, thân thiện, an toàn; xây dựng tủ sách Đinh Hữu Dư tại tất cả các trường; thành lập các câu lạc bộ khoa học, thể dục thể thao, câu lạc bộ văn nghệ trong nhà trường theo hướng bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương; thực hiện mặc trang phục dân tộc trong ngày đầu tuần và các hoạt động tập thể ở xã.
Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận, Phòng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn công tác đến từng trường động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Hầu hết, cán bộ giáo viên các trường mới sáp nhập đều vui vẻ, thoải mái. Đồng thời, chúng tôi tổ chức cho các trường tham quan học hỏi lẫn nhau, các trường mới học hỏi các trường cũ, các trường cũ cũng tham quan, học hỏi trường mới bởi mỗi trường đều có điểm mạnh riêng”.
Sau sáp nhập, ngành GD-ĐT thị xã, các đơn vị trường học còn rất nhiều việc phải làm. Sẽ có những thử thách cho các trường mới sáp nhập, song đó là cơ hội cho các thầy cô vượt khó vươn lên, giáo dục tại các địa phương mới sáp nhập cũng sẽ có những chuyển biến rõ nét.
Thanh Ba