Yên Bái thí điểm triển khai đồng bộ quy trình dạy học trực tuyến

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/4/2020 | 8:00:41 AM

YênBái - Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), Yên Bái là một trong 5 tỉnh/thành phố (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Yên Bái, TP Hồ Chí Minh) triển khai thí điểm tại một số trường học quy trình đồng bộ dạy học trực tuyến và sẽ nhân rộng tại địa phương.

Một buổi học trực tuyến của cô và trò lớp 2E, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái.
Một buổi học trực tuyến của cô và trò lớp 2E, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái.


Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Yên Bái cũng như tất cả các tỉnh thành trong cả nước cho học sinh nghỉ học với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sức khỏe của học sinh.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT), Yên Bái là một trong 5 tỉnh/thành phố (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Yên Bái, TP Hồ Chí Minh) triển khai thí điểm tại một số trường học quy trình đồng bộ dạy học trực tuyến và sẽ nhân rộng tại địa phương. Song là một tỉnh miền núi, đời sống kinh tế - xã hội có sự chênh lệch giữa các vùng miền, cùng với đó là lần đầu tiên triển khai học trực tuyến đại trà nên có những khó khăn nhất định. 

Để hiểu hơn về việc học trực tuyến cũng như những giải pháp giáo dục khi học sinh trở lại trường sau đợt nghỉ dài, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh.

P.V: Xin ông cho biết việc triển khai các giải pháp duy trì nhiệm vụ giáo dục cũng như dạy học trực tuyến cho học sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua được triển khai như thế nào?


Ông Đào Anh Tuấn
: Trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì dịch bệnh Covid-19, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động dạy học đối với giáo dục phổ thông (GDPT), giáo dục thường xuyên (GDTX). 

Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD - ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động giáo dục, giảng dạy trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19. 

Hướng dẫn các cơ sở GDPT, GDTX tổ chức dạy học qua 3 hình thức: dạy học qua hệ thống dạy học trực tuyến; hướng dẫn học sinh học trên truyền hình và nguồn học  trên Internet; giao bài ôn tập cho học sinh. 

Nội dung dạy học chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức đã học, trong đó quan tâm tới học sinh lớp 9 và lớp 12. Sở GD - ĐT đã đề nghị Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tiếp sóng chương trình dạy học của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội từ ngày 22/3/2020. Mặt khác, đã phối hợp với Viettet Yên Bái, VNPT Yên Bái hỗ trợ các nhà trường về giải pháp dạy học trực tuyến. 

Đồng thời, thành lập tổ giáo viên cốt cán cấp tỉnh xây dựng chuyên đề ôn tập cho lớp 9, lớp 12; phối hợp với Cổng Thông tin điện tử tỉnh ghi hình, biên tập được 33 bài giảng ôn tập dành cho học sinh lớp  9, lớp 12, đăng tải trên Trang Thông tin điện tử tỉnh và Fanpage của Sở. 

Ngoài ra, Sở chỉ đạo 9 phòng GD - ĐT xây dựng chuyên đề ôn tập cho học sinh lớp 9, 16 trường THPT xây dựng chuyên đề ôn tập cho học sinh lớp 12; phối hợp với VNPT và các trung tâm truyền thông và văn hóa huyện, thị xã tổ chức ghi hình, gửi video bài giảng bổ sung nguồn học liệu trên trang thông tin điện tử của Sở.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt nên công tác giáo dục những tuần đầu của đợt nghỉ dịch đã có hiệu quả nhất định. Như đối với giáo dục mầm non, các trường đã tổ chức hỗ trợ, tư vấn chia sẻ với phụ huynh về nội dung chăm sóc, giáo dục  trẻ tại gia đình, hướng dẫn cho phụ huynh thông qua việc lập nhóm Zalo, Viber, Messenger, Email, qua phần mềm Zoom. 

Các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng video hướng dẫn phụ huynh học sinh về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong thời gian nghỉ học. 

Tính đến nay, đã chia sẻ 800 video qua Internet. Số phụ huynh được hướng dẫn tư vấn là: 39.605 phụ huynh, đạt tỷ lệ gần 70%. 

Với bậc tiểu học (TH) chủ yếu thực hiện hình thức giao bài ôn tập, đã có 62.374 học sinh được giao bài, chiếm 74,2% tổng số học sinh. Trong đó, giao bài qua Zalo, Facebook, Email, tin nhắn là 23.055 học sinh, chiếm 37% tổng số học sinh được giao bài. Số còn lại giao bài trực tiếp (giáo viên làm phiếu bài tập, giao tại nhà cho học sinh). 

Tuy nhiên, từ 16/3/2020, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT chỉ đạo tạm dừng hình thức giao bài trực tiếp cho học sinh. Còn đối với cấp THCS, THPT và GDTX các cơ sở giáo dục đã tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế, nội dung dạy học chủ yếu ôn tập, củng cố kiến thức đã học trong chương trình học kỳ I, năm học 2019 - 2020 cho học sinh. Học sinh đã tham gia các hình thức như học trực tuyến, học trên truyền hình, giao bài tập qua Internet.

Để đảm bảo thực hiện các giải pháp giáo dục đồng bộ, Sở đã ban hành hướng dẫn tổ chức dạy học trong thời gian tiếp theo. 

Theo đó, đối với GDPT tiếp tục triển khai các hình thức tổ chức dạy học trực tuyến với yêu cầu huy động tối đa học sinh có đủ điều kiện tham gia học tập. 

Chương trình sẽ là dạy học bài mới trong chương trình học kỳ II, năm học 2019 - 2020, tuy nhiên chỉ thực hiện đối với các lớp, khối lớp có từ 80% học sinh có đủ kiện tham gia học tập; dạy ôn tập kiến thức đối với các lớp, khối lớp có dưới 80% học sinh có đủ điều kiện tham gia học tập. 

Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn học sinh học qua truyền hình và qua nguồn học liệu trên website của Sở.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD - ĐT, Sở đang xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm quy trình đồng bộ dạy học trực tuyến với sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC tại 3 trường: TH Nguyễn Trãi, THCS Quang Trung, THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái). Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm sẽ nhân rộng tại địa phương.

P.V: Yên Bái là tỉnh miền núi, có sự chênh lệch về đời sống kinh tế -  xã hội giữa các vùng miền thì việc triển khai học trực tuyến có những khó khăn gì, đồng thời ngành có những giải pháp gì cho những đơn vị, địa phương chưa thể triển khai học trực tuyến để đảm bảo học sinh giữa các vùng được công bằng, thưa ông?

Ông Đào Anh Tuấn: Là một tỉnh miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, có sự chênh lệch đời sống kinh tế giữa các địa phương trong tỉnh, do đó việc triển khai dạy học trực tuyến bước đầu gặp một số khó khăn. 

Qua khảo sát, toàn tỉnh chỉ có 11,2% học sinh cấp TH, 42,3% học sinh cấp THCS, 84,9% học sinh THPT, 50,6% học viên GDTX có thiết bị đáp ứng điều kiện dạy học trực tuyến. Việc kết nối mạng Internet không ổn định (tốc độ chậm, bị gián đoạn) ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy học. 

Đồng thời, kinh phí chi trả cho việc trang bị các phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ GD - ĐT chưa được đầu tư, đa số các nhà trường đang sử dụng phần mềm, ứng dụng miễn phí trên Internet, chất lượng còn hạn chế. Ngoài ra, việc triển khai dạy học trực tuyến còn gặp trở ngại đối với học sinh TH, cần có sự tham gia hướng dẫn của phụ huynh.

Trong hướng dẫn tổ chức dạy học, Sở đã yêu cầu phải huy động được từ 80% học sinh trở lên mới tổ chức dạy trực tuyến bài mới. Đồng thời, Sở đã có chỉ đạo khi học sinh trở lại trường, đối với những học sinh đã được học trực tuyến và học trên truyền hình, nhà trường tổ chức khảo sát, đánh giá học sinh, thiết kế nội dung dạy bù những phần các em còn yếu, còn thiếu. Những học sinh còn lại không tham gia học trực tuyến và học trên truyền hình được nhà trường tổ chức dạy bù kiến thức. 

P.V: Bộ GD-ĐT có điều chỉnh khung thời gian và giảm tải chương trình, vậy xin ông cho biết Yên Bái áp dụng và triển khai như thế nào?

Ông Đào Anh Tuấn: Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD - ĐT về việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kì II, năm học 2019 - 2020, ngày 6/4/2020, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, học kì II, năm học 2019 - 2020 đối với các bậc TH, THCS, THPT, GDTX. 

Đối với cấp TH, Sở GD - ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục cấp TH tiếp tục điều chỉnh, cụ thể hóa các nội dung trong kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD - ĐT, bảo đảm hoàn thành chương trình GDPT của cấp TH, phù hợp với tình hình thực tế tại các nhà trường và đối tượng học sinh; xây dựng kịch bản và sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, đảm bảo theo khung thời gian năm học, ưu tiên các tiết học chính khóa của các môn học bắt buộc, giảm hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giảm thời lượng hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp). 

Các nhà trường giao cho tổ chuyên môn tính toán chi tiết về số tiết học còn lại của từng môn để chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục theo từng khối lớp. Tổ trưởng thẩm định, trình hiệu trưởng nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện. 

Tuyệt đối không được đưa những nội dung đã tinh giản vào các đề kiểm tra định kỳ trong học kỳ II, năm học 2019 - 2020. Không tổ chức Giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số các cấp như hướng dẫn nhiệm vụ năm học.

Đối với bậc THCS, THPT và GDTX, Sở lưu ý các nhà trường không cắt giảm các nội dung nằm ngoài nội dung hướng dẫn tại Công văn số 1113, ngày 30/3/2020 của Bộ GD - ĐT về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kì II, năm học 2019 - 2020; Công văn số 5842 ngày 1/9/2011 của Bộ GD - ĐT về việc Hướng dẫn điều chỉnh giảm tải nội dung dạy học phổ thông. Việc tinh giảm phải đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng tối thiểu của chương trình.

Căn cứ kết quả rà soát nội dung tinh giảm, các nhà trường thực hiện điều chỉnh kế hoạch dạy học đảm bảo theo kế hoạch thời gian năm học, phù hợp với tình hình thực tế tại các nhà trường và đối tượng học sinh. Không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung kiến thức, kỹ năng đã tinh giảm trong Công văn 5842, ngày 1/9/2011 của Bộ GD - ĐT và các nội dung "Không dạy”, "Không làm”, "Không thực hiện”; "Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự làm)” theo hướng dẫn tại công văn số 1113 ngày 30/3/2020 của Bộ GD - ĐT. Các trường THCS báo cáo với phòng GD - ĐT; các trường THPT, trung tâm GDTX báo cáo với Sở GD - ĐT về kết quả điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD - ĐT.

P.V: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!

Thanh Ba (thực hiện)

Tags Yên Bái thí điểm dạy học trực tuyến dịch bệnh Covid-19 ngành giáo dục Yên Bái học sinh vùng cao

Các tin khác

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn hướng dẫn tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua internet.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán nếu dịch được kiểm soát, học sinh toàn quốc có thể đi học chậm nhất vào ngày 15/6 và đến 15/7 kết thúc năm học.

Ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5 2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tác giả Kiều Trường Lâm và bộ chữ

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) vừa chính thức thông tin về bộ “Chữ Việt Nam song song 4.0” đang gây nhiều tranh cãi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục